Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời bom rơi tại Hà Nội và chuyện cảm động của một gia đình

Những câu chuyện xung quanh sự kiện B-52 ném bom Hà Nội không chỉ gợi nhớ về một thời bi thương lẫn tự hào của Hà Nội, mà còn là bài học về tình yêu, sự gắn bó trong gia đình.

50 nam Dien Bien Phu anh 1

Tác giả Tô Minh Nguyệt (bên phải) xúc động chia sẻ về những sự kiện năm 1972 đã khiến bà viết nên tác phẩm Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô. Bên cạnh là nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Ảnh: Thanh Trần.

“Tôi chỉ mong mọi người không quên quá khứ, không quên để mà sống tốt hơn, để tử tế với nhau hơn”, tác giả - cựu phóng viên Tô Minh Nguyệt chia sẻ trong buổi ra mắt tác phẩm Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô.

Những bức thư gửi em qua đài phát thanh

Trong số các tác phẩm viết về đề tài kỷ niệm 50 năm Điện Biên Phủ trên không, tập truyện - ký của tác giả Tô Minh Nguyệt có sắc thái riêng biệt. Bà kể về những câu chuyện gia đình, câu chuyện của một người chị ở lại Hà Nội, về người em đã ra đi và nhiều mảnh đời khác.

Ở trang đầu tiên của tác phẩm, bà viết: “Tặng hương hồn Tô Hùng và làng Láng của tôi”. Với bà, đó là những hình ảnh thân thuộc nhất lặp đi lặp lại qua các trang sách. Cuốn sách vì thế cũng là những dòng tâm tình rất đỗi riêng tư của một người chị nói với em trai - người đã đi vào chiến trận và mất tại Huế.

Bà nhớ lại anh trai sau khi tốt nghiệp đại học thì lên đường nhập ngũ. Hai năm sau, người em trai mà bà hết mực yêu thương cũng đi khi đang học lớp 10. Bà ở lại Hà Nội nhưng không cách nào liên hệ với anh em trai ở miền Nam. Vì thế, ngay cả trong những ngày bận rộn ở hậu phương bà vẫn luôn cố gắng gửi thư thường xuyên về cho chương trình Tiếng hát gửi về Nam để yêu cầu đài phát những bài em trai mình thích.

Không thể gửi thư trực tiếp đến miền Nam, bà bỏ công việc giao thông để trở thành nhà báo. Bà viết nhiều bài báo và truyện ngắn, một số may mắn được phát trên đài phát thanh cũng chính là những lá thư bà muốn gửi đến người em, hy vọng em mình có thể nghe thấy.

“Từ căn hầm bí mật ven cố đô Huế, có lần em trai tôi bất ngờ trào nước mắt khi nghe đài đọc một truyện ngắn của tôi. Em vẫn nhắc dưới mỗi lá thư: “Hẹn gặp chị trên Đài Tiếng nói Việt Nam”, bà kể. Hiện bà vẫn còn giữ tập thư em trai viết trong suốt 6 tháng từ căn hầm bí mật và tập nhật ký bà viết trong những ngày bom rơi ở Hà Nội năm 1972.

50 nam Dien Bien Phu anh 2

Từ phải sáng trái: nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả Tô Minh Nguyệt và nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi ra mắt sách tại Đường sách Nguyễn Văn Bình ngày 16/12. Ảnh: Thanh Trần.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải - người từng là đồng nghiệp của tác giả Tô Minh Nguyệt, đã có mặt tại buổi ra mắt sách để kể về những kỷ niệm “cùng làm báo, cùng nhìn bom rơi”. Bà xúc động khi nhắc lại những kỷ niệm xưa: “Thư viết từ Hà Nội viết về một thời cực kỳ đau khổ mà người ta không bao giờ muốn quay lại. Nhưng nó không chỉ có đau khổ, không chỉ có chiến tranh mà còn có những giá trị rất đẹp như là hình ảnh người liệt sĩ Tô Hùng trong ký ức của người chị”.

Ký ức về Hà Nội của một thế hệ

Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, trong tựa đề Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô, quan trọng hơn cả những lá thư là câu chuyện về Hà Nội một thời chìm trong bom đạn. “Nhà tôi cũng bị bom. Cả khu tập thể báo Nhân dân bay hết nhà cửa. Những ký ức chị Nguyệt kể lại, những địa danh chị nhắc đến tôi đều biết”, ông kể.

Bắt đầu bằng những tình cảm rất riêng tư, những câu chuyện của một gia đình Hà Nội bị chia cắt bởi chiến tranh và cái chết, Thư viết từ Hà Nội - bom đã rơi trên hè phố thủ đô còn gợi nhớ về "một thời không xa vắng", về chiến tranh, bom đạn và một cuộc sống vẫn còn đọng trong tâm trí nhiều người.

“Báo động liên hồi. Rồi B-52 “rải thảm” Hà Nội. Có mặt trong 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, chúng tôi vừa trực cơ quan, vừa đi viết bài. B-52 đã cày xới khu phố nghèo Khâm Thiên đêm Noel 1972”, bà viết. Là một nữ nhà báo có mặt tại những địa điểm nóng nhất của thời sự khi đó, có những khi bà đã “vừa đi, vừa viết vừa khóc”.

“Nhà báo Tô Minh Nguyệt đã viết lên tâm trạng của rất nhiều người trong cuộc chứ không chỉ như một thư ký thời đại chung chung. Không có khẩu hiệu, chị dùng những câu chuyện thật để nói lên câu chuyện của gia đình, của Hà Nội lúc đó”, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân nhận xét.

50 nam Dien Bien Phu anh 3

NSƯT Ca Lệ Hồng (bên phải) chăm chú xem qua từng trang sách. Bà cho biết mình sinh sống ở TP.HCM nhưng từng có thời gian tập kết và hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội khoảng năm 1954-1968, vì thế bà phần nào cảm thấy gắn bó với những địa danh được nhắc đến trong tác phẩm. Ảnh: Thanh Trần.

Bên cạnh những trang viết về Hà Nội ngay thời điểm 1972, còn có những lát cắt khác về một thời lửa đạn, về cuộc sống của những con người đã sống hết mình cho thời đại của mình. “Mỗi thời có một yêu cầu khác nhau, nhưng có những yêu cầu là vĩnh cửu, ví dụ như không thể quên quá khứ”, bà nói.

“Mỗi một thế hệ có những điều kiện của mình. Chúng tôi đã hết lòng trong điều kiện của chúng tôi, tôi mong các em sẽ hết lòng trong điều kiện của mình”, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải nhắn nhủ đến các độc giả trẻ.

Tác phẩm Thư viết từ Hà Nội - Bom đã rơi trên hè phố thủ đô được ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972-2022) được xem như một dịp để nhìn lại một thời đã qua của Việt Nam.

Bộ sách kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

NXB Quân đội nhân dân đã lựa chọn 5 cuốn sách để giới thiệu độc giả nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Anh hùng bắn rơi máy bay Mỹ kể về Điện Biên Phủ trên không

Những lý giải này giúp chúng ta thêm hiểu vì sao quân dân ta lại đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội (tháng 12/1972).

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm