Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quân ta chuẩn bị đánh B-52 như thế nào

Ngày 18/6/1965, trước những thất bại của Mỹ ở chiến trường miền Nam Việt Nam, Mỹ bắt đầu đưa B-52 từ sân bay Guam ném bom Bến Cát.

Một tháng sau, ngày 19/7/1965, Bác đến thăm đơn vị súng máy tự hành thuộc Trung đoàn Pháo phòng không 234 tại sân bay Bạch Mai, Người nói: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.

Ngày 24/3/1966, Bác đến thăm Quân chủng. Sau khi nghe báo cáo và trực tiếp “mục sở thị” xác chiếc máy bay trinh sát tầm cao bị tên lửa ta bắn rơi khi đang bay ở độ cao 18.000 m, Bác nói: “Mỹ đã đưa B-52 vào chiến trường Việt Nam, liên tiếp gây tội ác với đồng bào ta ở miền Nam. Ngay từ bây giờ các chú phải nghiên cứu, chuẩn bị đối phó với B-52, vì sớm hay muộn, Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh phá miền Bắc.

Tên lửa của ta có đủ tầm cao bắn rơi được máy bay B-52 của Mỹ, nhưng đánh thế nào để thắng, cần nghiên cứu. Nhiệm vụ này, Bác giao cho các chú. Chúng ta phải quyết tâm bắn rơi máy bay B-52, phải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...”.

Bác Hồ nói thế, vừa là đánh giá âm mưu của kẻ thù, vừa là giáo dục, nhắc nhở bộ đội Phòng không - Không quân phải rất cảnh giác, tích cực chuẩn bị cho một trận chiến cuối cùng quyết liệt với Mỹ. Cái thời điểm dự báo của Bác Hồ đã đến vào lúc Mỹ thua đau ở chiến trường miền Nam Việt Nam và Hội nghị Paris đang bế tắc.

Vào tháng 10/1972, lẽ ra giữa ta và Mỹ đã đi đến một hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam như đã thỏa thuận, nhưng Mỹ đã bội ước đưa B-52 ra ném bom Hà Nội.

Vâng lời dạy của Bác Hồ, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có 2 quyết định quan trọng để Tổ quốc không bị bất ngờ, lập nên một Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đó là:

1. Điều trung đoàn tên lửa 238 (đoàn Hạ Long) đang bảo vệ Hà Nội vào Vĩnh Linh nghiên cứu triển khai đánh B-52.

2. Thành lập Đội trinh sát nhiễu, điều vào Vĩnh Linh, sau đó lên Cà Ròn km54 đường 20 thuộc địa phận phía tây Quảng Bình để nghiên cứu nhiễu B-52 và chống nhiễu B-52 khi B-52 vào đánh đường vận chuyển chiến lược 559.

Dien Bien Phu tren khong anh 1

“Pháo đài bay” B-52 - Sức mạnh của không lực chiến lược Mỹ. Nguồn: wikipedia.

Chuẩn bị đánh B-52 của trung đoàn 238

Ngày 12/4/1966, khi đế quốc Mỹ tiếp tục điều máy bay B-52 ra ném bom đèo Mụ Giạ, phía tây Quảng Bình, Bác Hồ cho mời đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đến gặp và chỉ thị:

“B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao các chú Phòng không -Không quân”. Giữa tháng 6/1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bác, thống nhất chủ trương: “Phải sớm đưa tên lửa vào nam Quân khu 4 để nghiên cứu đánh B-52”. Đơn vị được chọn thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là trung đoàn tên lửa 238.

Sau khi nhận nhiệm vụ, trung đoàn 238 đã vừa hành quân, vừa chiến đấu, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, liên tục bị bom, tên lửa, pháo ngoài hạm đội và pháo bờ nam của địch đánh vào trận địa. Đơn vị bị tổn thất nặng nề, nhiều cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, mới đưa được lực lượng vũ khí, khí tài đến đích.

Trên đường hành quân qua Nghệ An, trung đoàn 238 đã thực hiện xuất sắc “điều kiện” của Tư lệnh và Chính ủy Quân khu 4 là: “Tiểu đoàn tên lửa Phòng không nào bắn rơi máy bay Mỹ trên quê hương Bắc mới được cấp giấy vượt sông Lam”. Không thể đo đếm được sự hy sinh thầm lặng của hàng chục nghìn thanh niên xung phong, bộ đội công binh đã ngày đêm lo ngụy trang, đào công sự, làm cọc tiêu sống, chống lầy, hộ tống “Rồng lửa” qua sông, qua những chặng đường bom Mỹ đánh phá ác liệt.

Vào đất lửa Vĩnh Linh, trung đoàn 238 đã quyết định chọn nông trường Quyết Thắng để dựng lên các trận địa tên lửa. Khi triển khai công việc, khó khăn gian nan vẫn chồng chất. Tiếp đó là những ngày đọ trí, đọ sức và chiến đấu đầy cam go, ác liệt. Vĩnh Linh vốn là dải đất hẹp, đối phương lại thường xuyên thay đổi vũ khí trang bị, nên bộ đội tên lửa gặp muôn vàn khó khăn.

Ngày 15/3/1967, những quả đạn tên lửa đầu tiên được phóng lên nhưng không trúng mục tiêu. Trận địa bị phát hiện và phải hứng chịu hàng loạt các loại bom, đạn, pháo từ B-52 và các loại máy bay chiến thuật trút xuống, cả 4 tiểu đoàn hỏa lực đều bị thiệt hại nặng.

Với quyết tâm tiêu diệt bằng được B-52, trung đoàn 238 đã dồn hết lực lượng cho tiểu đoàn 84 thực hiện phương án đánh phục kích. 15 giờ 30 phút ngày 17/9/1967, mặt trận B5 thông báo sẽ có đợt B-52 ra đánh Vĩnh Linh, tiểu đoàn 84 được lệnh vào cấp 1, kíp trắc thủ sẵn sàng ở tư thế chiến đấu, mở máy thu nhiễu, quản lý chặt chẽ không phận.

Có nhiễu mạnh ở hướng tây nam, bất ngờ xuất hiện tín hiệu mục tiêu ở cự ly 50 km, kíp trắc thủ đã khẳng định tín hiệu đó là của B-52. Đến cự ly 32 km thì màn hiện sóng góc phương vị xuất hiện tín hiệu B-52 khá rõ.

Sau tiếng hô dõng dạc của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đình Phiên, sĩ quan điều khiển Hỷ liền ấn nút phóng, hai quả tên lửa nối đuôi nhau vọt lên không trung, tên lửa được điều khiển tốt, ánh chớp lóe lên, mục tiêu bị tiêu diệt. Tận mắt chứng kiến “pháo đài bay” của Mỹ bốc cháy trên bầu trời Quảng Trị, quân và dân hai bên bờ sông Bến Hải vui mừng hò reo chiến thắng.

Đây là chiếc B-52 đầu tiên của Mỹ bị bắn rơi trên chiến trường Việt Nam. Chỉ hai ngày sau, Bác Hồ gửi điện khen quân và dân Vĩnh Linh đánh giỏi, bắn trúng. Tiểu đoàn 84 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì. Trung đoàn 238 tiếp tục bắn rơi bốn chiếc B-52 nữa, đưa tổng số B-52 bị bắn rơi trên đất Vĩnh Linh lên sáu chiếc.

Phan Thu / NXB Trẻ

SÁCH HAY