Việc đánh thuế bất động sản thứ 2, thứ 3 là chủ đề gây tranh cãi những năm qua và đang một lần nữa được đặt ra. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất đánh thuế với người sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất để hạn chế đầu cơ, với kỳ vọng kéo giảm đà tăng của giá nhà. Đề xuất này cũng được Bộ Tài chính đồng tình.
Đây không phải lần đầu tiên chính sách này được đưa ra thảo luận, nhưng thực tế sau nhiều năm vẫn chưa thể ban hành.
Lợi ít hại nhiều
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân khiến giá nhà tại Việt Nam neo cao là do cung không đủ cầu.
Ông cho rằng theo quy luật thị trường, giá chỉ giảm khi cung vượt cầu. Do đó, thuế không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán giá nhà. Thậm chí, càng gánh thêm nhiều thuế, phí, giá bất động sản sẽ càng tăng.
"Hiện tại, các yếu tố như thuế đất, giá vật liệu xây dựng và chi phí nhân công đều đang có xu hướng tăng, việc gánh thêm thuế có thể sẽ làm giá nhà đất tăng lên, khiến giấc mơ sở hữu nhà của nhiều người dân ngày càng xa vời", vị chuyên gia cảnh báo.
Dẫn số liệu thực tế, GS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp, Giám đốc chương trình đào tạo Thạc sĩ Tài chính & Kế toán, Đại học Bristol (Anh) cho biết nhiều nước đã áp dụng các biện pháp khác nhau để đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản.
Tuy nhiên, tại hầu hết quốc gia, trong đó có Singapore, Hàn Quốc, Anh, Canada và Australia, đều trong trạng thái giá nhà vẫn tăng không ngừng nghỉ.
"Dựa vào các kinh nghiệm trên của các nước, có thể thấy đánh thuế lên căn nhà thứ 2 nhiều khả năng không làm giảm giá nhà như mong đợi", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng không phải ai sở hữu nhiều nhà đất cũng là để đầu cơ. Với đặc thù của xã hội Việt Nam, rất nhiều gia đình mua thêm nhà làm của để dành cho con cháu hoặc để khai thác kinh doanh.
Chuyên gia cho rằng nhiều gia đình Việt Nam mua thêm nhà làm của để dành cho con cháu hoặc khai thác kinh doanh. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng tư duy sở hữu nhiều nhà đất đều bị đánh thuế là sai lầm.
Thuế bất động sản nhằm ngăn ngừa đầu cơ, hướng đến các bất động sản bỏ hoang, gây lãng phí, như các khu đô thị "ma". Nếu nhà đất đó được đưa vào sử dụng hiệu quả, mang lại giá trị cho xã hội, cho phát triển kinh tế thì phải cân nhắc sao cho khuyến khích phát triển.
Không chỉ tác động đến giá nhà, chuyên gia nhận định việc áp thêm thuế còn có thể đẩy giá thuê bất động sản tăng cao. Trong khi đó, 60% số công nhân đang phải thuê trọ và tiền thuê nhà hàng tháng chiếm đến 30% tổng thu nhập, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
"Nhà ở đóng vai trò an sinh xã hội cho con người, đánh thuế cao vào nhà ở không đúng đối tượng có thể kìm hãm chính sách an sinh xã hội", GS Võ bổ sung, đồng thời cho biết cần lưu tâm đến nguy cơ thuế chồng thuế.
Đặc biệt, vị chuyên gia này cũng lo ngại hạ tầng quản lý nhà đất, thu nhập, tiêu dùng của Việt Nam còn hạn chế. Đơn cử, việc xác định bất động sản thật sự là của một cá nhân nào, hay chỉ là đứng tên hộ còn rất khó khăn.
"Đánh thuế mà không trúng đối tượng, không đảm bảo tính hiệu quả thì sắc thuế đó sẽ trở nên vô nghĩa. Không nên ban hành một loại thuế mà ngay từ đầu đã biết nó thiếu tính khả thi. Việc tìm các cách trốn thuế, giảm thuế sẽ diễn ra. Bối cảnh hiện tại cần một lộ trình được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, từng bước sao cho chắc chắn, không được hấp tấp, vội vàng", GS Võ nói.
Tránh "vết xe đổ" từ thị trường Trung Quốc
Thuế nhà đất, theo nhiều chuyên gia, còn giáng một đòn mạnh vào thị trường bất động sản cũng như nền kinh tế đang trong giai đoạn gượng dậy sau đại dịch.
TS Trương Văn Phước đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang cần những chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để kích thích tăng trưởng. Trong khi đó, việc đánh thuế ngôi nhà thứ 2, thứ 3... có thể làm giảm động lực đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của kinh tế.
Ông Phước nhận định bất động sản không đơn thuần là mua bán nhà đất mà bao gồm một hệ sinh thái rộng lớn, liên quan trực tiếp đến 40-50 ngành khác, như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, thiết kế và lao động... Tại Việt Nam, bất động sản và hệ sinh thái liên quan đang đóng góp khoảng 13% GDP.
Do đó, khi bất động sản trở nên kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư do chịu quá nhiều rào cản, 40-50 ngành nghề liên quan sẽ bị đình trệ, nguồn thu ngân sách sụt giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tác động tiêu cực sẽ lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế.
Chỉ thu được một ít thuế mà gây tác động sâu rộng, như gây ra tâm lý lo ngại, giảm sức mua và kìm hãm đà phục hồi của thị trường... thì lợi bất cập hại.
TS Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nguyên Thường trực Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
"Chỉ thu được một ít thuế mà gây tác động sâu rộng, như gây ra tâm lý lo ngại, giảm sức mua và kìm hãm đà phục hồi của thị trường... thì lợi bất cập hại", ông phân tích.
Theo các chuyên gia, trước đó Trung Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các chính sách thắt chặt bất động sản.
Hiện nay, nước này đang phải "quay xe" sửa sai bằng cách gỡ bỏ các rào cản và thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ thị trường.
Với Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ cho rằng sau đại dịch Covid-19, cả nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng giống như "một cơ thể vừa qua cơn bạo bệnh".
Hiện nay, các xung đột địa chính trị đang gây ra các cuộc chiến tranh khu vực, cũng làm cho kinh tế thế giới khó kịp phục hồi. Nền kinh tế mở của Việt Nam cũng chịu tác động mạnh.
"Trong hoàn cảnh này, việc cải cách sắc thuế bất động sản càng phải tính toán một lộ trình cẩn thận, tránh làm khó việc phục hồi kinh tế. Không nên tư duy vội vã mà thành 'tham bát bỏ mâm'. Bước đầu, không được lấy tăng thu ngân sách là mục tiêu chính mà phải hướng tới một thị trường bất động sản hiệu quả, ổn định", vị chuyên gia nêu ý kiến.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.