Với người Việt, Tết Nguyên đán luôn là một dịp lễ đặc biệt và vô cùng thiêng liêng. Vào những ngày cuối năm, mọi người hối hả dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thật chu đáo. Tới giao thừa, cả gia đình quây quần bên nhau đón năm mới vừa sang. Những ngày đầu năm là lúc để người ta đi chúc Tết, thăm viếng họ hàng, hay lên chùa, thành tâm thắp một nén nhang thơm, cầu bình an cho 365 ngày sắp tới.
Ngày Tết, dẫu ai đi xa về gần cũng cố thu xếp mọi việc để đoàn tụ bên gia đình, nhâm nhi chút bánh mứt, nghe những câu chuyện vui ấp ủ suốt năm dài. Ngoài mứt dừa thơm ngọt, mứt gừng cay cay, hãy thưởng thức Nhâm nhi Tết để tìm lại những vốn cổ tốt đẹp của dân tộc. Từng câu chuyện nhỏ, từng dòng tâm sự thấm đẫm tình cảm, cho người ta thêm yêu năm mới tràn đầy hy vọng.
Mùa xuân và câu chuyện từ muôn năm cũ
Qua bao nhiêu mùa Tết, lời chúc đầu năm luôn là an khang, thịnh vượng. Ước nguyện đầu tiên trong năm mới luôn là "cầu an" sau đó mới đến sung túc, đủ đầy. Những mong mỏi ấy đã được nghệ nhân làng tranh Đông Hồ thể hiện đầy sinh động trên trang giấy gió mang đậm hồn dân tộc.
Nhâm nhi Tết là cuốn sách thú vị cho các bạn nhỏ dịp đầu năm mới. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Ngoài những bức tranh nổi tiếng như: Phú quý, Vinh hoa, Lợn đàn, Gà đại cát nghinh xuân... còn rất nhiều họa phẩm dân gian nổi tiếng của nghệ nhân nơi đây ẩn chứa những mong ước tốt lành cho năm mới, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, thóc lúa đầy bồ.
Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi, là lúcnhững người đi làm ăn xa về sum họp bên gia đình. Tết còn là mùa để yêu thương. Trong cái hân hoan của mùa xuân mới, trái tim trở nên cởi mở hơn, để con người ta dành cho nhau tình yêu thương chân thành. Cùng đọc những truyện ngắn đầy tình cảm trong mục “Góc đọc Tết” để cảm nhận từng nhịp yêu thương đang ngân vang trong trái tim nhân hậu.
Hội làng và niềm vui nơi sân đình
Ngoài những câu chuyện cảm động, ấm áp tình cảm gia đình, Nhâm nhi Tết còn rất nhiều điều thú vị để bạn đọc nhỏ tuổi khám phá. Năm mới đến cũng là dịp để chúng ta lắng lòng mình lại, cùng ngẫm ngợi về những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, đã được lưu truyền từ nghìn đời.
Xưa kia ông bà ta có câu: "Tháng giêng là tháng ăn chơi", thế nên dù hết Tết nhưng niềm vui vẫn còn. Đến khi các gia đình đều đã hóa vàng là lúc tiếng trống hội làng vang lên nơi sân đình. Nam thanh nữ tú nô nức rủ nhau đi hội. Ngoài những trò chơi quen thuộc như nấu cơm thi, kéo co, hay đánh đu, hội làng xưa có rất điều thú vị để níu chân người.
Đánh phết là trò chơi thú vị trong hội làng ngày xuân. |
Ngày nay “cái Tết” buộc phải thay đổi để hợp với nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, nhiều trò chơi dân gian đã vắng bóng, để nhường chỗ cho những thú vui mới mẻ. Trong đó có trò đánh phết. Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Vui ra phết”, “Hay ra phết”, “Đẹp ra phết”, nhưng chắc chắn nhiều bạn nhỏ chưa biết “phết” là gì?
Đó là một trò chơi dân gian, thường được tổ chức ở hội làng đầu xuân. Người chơi chia làm hai đội, dùng gậy phết, đánh quả phết vào lò doanh của đội mình, hoặc đua nhau đưa quả phết về một điểm cố định. Đội nào nhanh hơn sẽ giành phần thắng.
Ngày nay, trò đánh phết đã bị mai một. Chỉ còn một số địa phương ở vùng trung du phía bắc là còn giữ được trò chơi này, trong đó phải kể đến Hội phết Hiền Quan ở huyện Tam Nông (Phú Thọ).
Ngoài trò đánh phết được tổ chức ở sân đình, hội phết ở Hiền Quan còn có các phần: rước kiệu, lễ tế và kéo quan được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm. Lễ hội còn là dịp để dân làng tưởng nhớ đến hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng và Mộc Trang đại vương, vị tướng dưới thời Đinh Bộ Lĩnh.
Cùng nhau lật giở những trang sách đầy sắc màu trong Nhâm nhi Tết, độc giả nhí sẽ được khám phá nhiều câu chuyện thú vị của Tết xưa và Tết nay. Bao đời, các bà các mẹ chăm chút cho những ngày đầu năm, chỉ mong một năm mới hanh thông, nhiều an hảo đến với cả gia đình.