Vài năm trở lại đây, Trần Thị Tú Ngọc nổi lên là một trong những cây bút viết truyện ngắn triển vọng xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo, tạp chí uy tín như: Nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ Công an, Văn nghệ Quân đội... Truyện ngắn của chị đa dạng về giọng điệu, phong phú về đề tài, thể hiện những nỗ lực nghiêm túc ngay từ khi bắt đầu tham gia vào hành trình sáng tác văn chương. Và Ngụ ngôn tháng Tư - tập truyện ngắn đầu tay của tác giả trẻ 8x này - là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
14 truyện ngắn là 14 cánh cửa mở ra những góc nhìn thú vị về cuộc sống có thể xâu chuỗi thành 3 vệt chủ đạo: Lịch sử, hiện đại và thần thoại - kỳ ảo. Ở mỗi vệt trong tập Ngụ ngôn tháng Tư, Trần Thị Tú Ngọc đều cố gắng tìm tòi những điểm nhìn trần thuật mới mẻ, điều chỉnh tiết tấu mạch kể linh hoạt, pha trộn nhiều màu sắc giọng điệu, chú trọng dàn dựng không khí truyện nhằm tránh gây sự nhàm chán cho bạn đọc.
Tác giả không ngại thử thách ngòi bút của mình từ những vùng ký ức đậm chất thơ cho tới những góc cạnh xã hội bon chen, trần trụi. Chị viết như trút tất cả tâm tư, trăn trở vào từng câu chữ.
Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay
Trần Thị Tú Ngọc tỏ ra có thể mạnh về đề tài lịch sử bằng một loạt những truyện ngắn chắc tay như: “Sầu thiên thu”, “Chiều Cổ Loa nổi gió”, “Giấc mơ người xa xứ”, “Hoa nơi viễn xứ”… Không quá lệ thuộc diễn biến chính sử, chị chọn cách mượn một vài sự kiện làm trọng tâm rồi từ đó mở rộng biên độ tưởng tượng, đi sâu khám phá, lý giải những “khoảng mờ lịch sử” chập chờn ẩn hiện sau bức màn sương khói thời gian. Ở đó, số phận, cuộc đời của những nhân vật như Trương Quang Ngọc, Nguyễn Du, Cao Lỗ, Công nữ Ngọc Vạn... được khắc họa chân thực, rõ nét như những thước phim cổ trang công phu, sống động.
Nếu Biển gọi là những đau đáu khôn nguôi về Hoàng Sa, Trường Sa, Sầu thiên thu để lại những tiếc nuối về mối tình không thành của Trương Quang Ngọc và Phạm Thu Liên, Giấc mơ người xa xứ là một khúc Phượng Cầu phiền muộn nàng Cầm gửi đến Nguyễn Du, Hoa nơi viễn xứ gói trọn những cay đắng và vinh quang trong cuộc đời Công nữ Ngọc Vạn thì Chiều Cổ Loa nổi gió đã khiến độc giả nhói lòng khi chứng kiến sự hy sinh thầm lặng của tướng Cao Lỗ, nguyên phi Trần Thị Chân và những thợ thủ công Âu Lạc trước tình cảnh “thành Cổ Loa mục ruỗng từ bên trong” và “bên ngoài, quân Triệu ra sức tấn công”.
Ngụ ngôn tháng tư - sách vừa đạt giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật 2019. |
Trần Thị Tú Ngọc đã khéo léo mượn chuyện xưa để gợi chuyện hôm nay. Vì vậy mà truyện lịch sử của chị đã phá bỏ những giới hạn khuôn thước về thời gian, không gian để trở nên thanh thoát, mại mềm và phóng túng.
Ở mảng thần thoại - kỳ ảo, Mộng hồ ly và Sói đỏ núi Ba Đầu là hai truyện ngắn tiêu biểu, tựa như những nét chấm phá đầy ấn tượng cho toàn bộ cuốn sách. Hồi hộp, dữ dội và nhức nhối, Mộng hồ ly kể về tình yêu ngang trái của Lục vĩ ma hồ - con cáo nghìn năm tu luyện thành người - với một chàng trai trần thế đã trải qua muôn vàn cách trở, định kiến, đớn đau nhưng cuối cùng lại chẳng thể trọn đời bên nhau.
Trong khi đó, bằng những tình tiết gay cấn đến nghẹt thở, Sói đỏ núi Ba Đầu tạo nên ám ảnh mạnh mẽ khi dẫn dắt độc giả bước vào khu rừng thâm u, bí hiểm để chứng kiến cuộc chiến khốc liệt một mất một còn giữa người thợ săn Nguyễn Hạng và con sói “lông toàn thân đỏ rực, đầu to gần bằng quả bí đỏ, đôi mắt hình tam giác lóe lên cái nhìn lạnh lẽo”.
Những mưu mô toan tính của con người hiện đại
Bước sang mảng đề tài cuộc sống hiện đại, chúng ta được bắt gặp một Trần Thị Tú Ngọc hoàn toàn khác, khi trẻ trung, năng động, lúc trầm lắng, suy tư với những truyện ngắn khá vững vàng như Để gió cuốn đi, Đi về phía chân trời, Chiếc Porsche màu ánh bạc, Ảo ảnh đêm, Lung linh như nước...
Để được “lên chức trưởng phòng Phát triển dự án”, nhân vật “nàng” trong Để gió cuốn đi đã sẵn sàng lừa dối tình yêu của người đồng nghiệp cùng công ty. Để tạo được niềm tin đối với giám đốc điều hành nhằm chiếm đoạt một số tiền lớn, Như Thủy trong Lung linh như nước đã dùng mọi thủ đoạn tự biên, tự diễn vở kịch “giả nghèo, giả khổ”.
Đọc những truyện ngắn này, đôi lúc độc giả không khỏi giật mình hoang mang trước những mưu mô, toan tính của con người giữa nhịp sống xô bồ, đầy cám dỗ.
Nhưng ngay lập tức, Trần Thị Tú Ngọc đã an ủi chúng ta đừng vội đánh mất niềm tin trong cuộc sống này. Bởi lẽ đâu đó, vẫn còn những người luôn phấn đấu vươn tới thành công bằng đôi chân của chính mình (Phương trong Đi về phía chân trời), không chấp nhận bán rẻ nhân phẩm để đổi lấy cuộc sống giàu sang, sung túc (“Nàng” trong Chiếc Porsche màu ánh bạc). Và khi đọc xong truyện ngắn Ảo ảnh đêm, độc giả sẽ thực sự vỡ òa bởi chút lương thiện còn sót lại của nhân vật Toàn Thắng, một tay chơi khét tiếng trong giới thượng lưu khi nhìn thấy những giọt nước mắt cầu xin của cô gái trẻ mà đàn em của hắn bắt về giam trong căn biệt thự đơn độc thì đã động lòng buông tha cho cô ấy.
Tác giả Tú Ngọc vừa đạt giải ba cuộc thi truyện ngắn Lửa mới. Ảnh: FB nhân vật |
Tuy nhiên, điểm trừ cho mảng đề tài hiện đại là tác giả vẫn để lọt một số truyện ngắn bộc lộ nhược điểm thiếu vốn sống và sự trải nghiệm như Qua ngày nổi gió. Hay ở vài phân đoạn nằm rải rác trong các truyện ngắn khác, cây bút trẻ này còn lúng túng, vụng về trong việc miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật.
Ngụ ngôn tháng Tư - truyện ngắn được chọn làm tựa cho cả tập là một tác phẩm tròn trịa hơn cả. Bằng văn phong đẹp tinh tế cùng những cắt cúp cấu trúc uyển chuyển, lồng ghép hài hòa giữa hiện tại và quá khứ, truyện mang đến cho chúng ta những chiêm nghiệm sâu lắng, khắc khoải về một tình yêu chớm nở dở dang, về những bức tường vô hình ngăn cách sau chiến tranh, về những kiếm tìm vô định, mong manh, về những bao dung vượt qua mọi vết thương, ranh giới…
Tất cả những điều đó hiện lên dịu dàng mà thổn thức, nhẹ nhàng mà day dứt trên nền bối cảnh Búng Bình Thiên sóng nước mênh mang cùng hoài niệm về mùa bông súng “đỏ bầm như máu”.
Cứ thế, Trần Thị Tú Ngọc đưa độc giả đến địa hạt văn chương của mình bằng những trang viết giàu cung bậc. Dù khai thác mảng đề tài nào, truyện chị cũng đều phản ánh tương đối đậm nét hiện thực đời sống, đồng thời toát lên những thông điệp nhân văn sâu sắc. Tin rằng, thời gian tới, nhà văn trẻ Trần Thị Tú Ngọc sẽ tiếp tục học hỏi và trau dồi ngòi bút để xuất hiện tự tin hơn, bản lĩnh hơn trong các sáng tác tiếp theo.