Nhà văn Trần Nhã Thụy vừa thực hiện một việc hơi lạ, làm nhiều bạn viết giật mình, tự in sách, tự bán sách, không gửi cho một NXB hay một công ty văn hoá nào phân phối tác phẩm của mình đến độc giả.
Sách cũng là một sản phẩm tiêu dùng
Lời rao bán sách trên trang Facebook cá nhân còn lạ lùng hơn: "Đây là cuốn sách tôi không tặng (biếu không) cho ai. Ai muốn sở hữu sách thì bỏ tiền ra mua. Trong trường hợp những ai không có khả năng mua, tôi bán thiếu hoặc bán với hình thức trả góp. Tôi không bán sách để mưu sinh. Nhưng tôi muốn mọi người nên mua sách, như mua một sản phẩm tiêu dùng".
Rất can đảm. Rất bản lĩnh. Thông điệp đưa ra khá rõ ràng: Muốn đứa con tinh thần của anh đến tay những độc giả thực sự quan tâm, đến với những độc giả sẽ dành thời gian để đọc nó. Tác giả coi cuốn sách như một món hàng tinh thần, độc giả cần bỏ tiền để có quyền sở hữu.
Sách Ba tao bay ra ngoài cửa sổ. |
Tôi đã bỏ ra 170.000 đồng để có được quyền sở hữu cuốn sách của Trần Nhã Thụy. Và, tôi đã ngồi đọc 10 truyện ngắn Trần Nhã Thụy viết trong quãng 10 năm qua, từ 2009 đến 2019, tính trung bình mỗi năm nhà văn chỉ viết một truyện. Không có một cốt truyện éo le dẫn dắt, sẽ có nhiều bạn đọc đặt sách xuống khi đọc 10-20 trang truyện. Nhưng với những độc giả quen với tạng văn của Trần Nhã Thụy, với các độc giả từng thích Sự trở lại của vết xước thì khi đọc đến trang cuối vẫn còn muốn đọc tiếp.
Tôi không có tham vọng viết về tập truyện của Trần Nhã Thụy, tôi chỉ viết về một truyện duy nhất, chính là truyện được tác giả dùng làm tiêu đề cho tập truyện: Ba tao bay ra ngoài cử sổ.
Truyện ngắn 5.000 từ này, hoá ra chẳng nhân vật nào được nhà văn đặt tên, nhân vật chính là “gã”, các nhân vật khác đều chỉ là một danh từ chung, một đại từ: Vợ gã, con gã, cô hiệu trưởng, thầy giám thị, tay nhà báo… Nhân vật “gã” thời đi học, anh ta là một học sinh ngoan, cả đời “chưa từng ăn trộm một thứ gì, kể cả một quả trứng”. Lớn lên anh ta chỉ dám “thét” to khi say rượu trong các tiệm mát-xa, nhưng rồi cũng không dám thét nữa vì sợ bị lôi lên phường vì tội gây rối.
Cuộc đời của gã trôi đi “Không có quá nhiều chuyện xảy ra với gã trong một ngày, thậm chí là một năm, một đời”; “Không có chuyện chi lớn lao. Không còn cả những bồn chồn nhỏ bé. Toàn mấy chuyện linh tinh lang tang, tầm phào tầm thường”; “ Cũng lâu lâu gã không tán tỉnh cô nào, cũng không bồ bịch gay cấn gì. Chỉ còn một thói quen cũ là đi mát-xa” …
Một thế giới không có cửa sổ
Tóm lại ở tuổi 40, gã là một người đàn ông khi ở cơ quan thì luôn làm việc cần mẫn, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ở nơi cư trú thì luôn giữ gìn trật tự an ninh, luôn chấp hành tốt các chủ trương của khu phố… Gã là hình ảnh của một công chức điển hình, chúng ta gặp hàng ngày ngoài đường, nơi hội họp, trong văn phòng các cơ quan…
Cuộc đời phẳng lặng của nhân vật “gã” bắt đầu trở nên rắc rối vì một chuyện không đâu, khi một hôm bị thằng con gặng hỏi về một kỷ niệm thời đi học. Gã kể với con “Búng một cái, ba nhảy ra ngoài cửa sổ lớp học”.
Kể vì gã bí, vì thời đi học gã cũng chẳng có kỷ niệm gì, và khi nói với con gã vẫn phân vân không rõ chuyện đó có thực, gã từng “nhảy ra ngoài cửa sổ” hay bây giờ gã mới nghĩ ra…
Không ngờ, thằng con lại rất thích cái điều gã kể và nó thay luôn cái động từ “nhảy” thành “bay”, nó sung sướng, hào hứng đi khoe với bạn bè, nó có một người cha đã “bay qua cửa sổ” khi đang giờ học.
Ông con trai tụ tập bạn bè để khoe rồi lại kể cho mẹ nghe, và câu chuyện của “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ” đến tai cả ban giám hiệu trường học.
Nhân vật gã từ đấy hết được sống bình thường vì hệ lụy của câu chuyện tầm phào “Nhảy ra ngoài cửa sổ”. Vợ gã cho gã một bài học về tư cách của ông bố “thiếu ý thức giáo dục”, và thêm một câu hỏi cắc cớ: “Mà sao, chuyện này anh chưa bao giờ kể cho em nghe?”.
Đỉnh điểm, gã phải lên gặp ban giám hiệu trường con học, chịu sự truy vấn của bà hiệu trưởng, thầy giám thị, và một tay phóng viên báo mạng trong tư cách “phụ huynh cá biệt”. Ở đó, gã phải nghe những lời giáo huấn khô cứng, những câu hỏi buộc tội kiểu toà án: “Là phụ huynh, anh phải hiểu chuyện gì nên kể chuyện gì không. Câu chuyện của anh thật là phản giáo dục”; “Vậy qua câu chuyện đó, ông muốn nói lên điều gì?”.
Rồi để thoát mọi sự rắc rối, gã phải nhận câu chuyện gã kể cho con chỉ là “bịa đặt”. Khi rời trường học của con gã nhận ra: “Không thấy một khung cửa sổ nào, tất cả đều đóng kín mít, bởi bên trong phòng học đang vù vù máy lạnh. Gã hình dung thằng con đẹp trai đang ngồi trong một phòng nào đó, có thể là một chỗ cạnh cửa sổ, nhưng cửa khóa chặt, thậm chí đã bịt kín vĩnh viễn…”
Người đọc cảm thấy nghẹt thở khi đọc đến những dòng này.
Nhà văn Trần Nhã Thụy. |
Trần Nhã Thụy khi viết Ba tao bay ra ngoài cửa sổ trong một giới hạn hẹp, phải chăng nhà văn muốn nói về giáo dục, một nền giáo dục giáo điều khô cứng, theo khuôn mẫu mà các nhân vật cô hiệu trưởng, thầy giám thị, tay phóng viên báo mạng là đại diện.
Trẻ em lớn lên trong những ngôi trường không còn cửa sổ, không bao giờ được nhìn ra ngoài để thấy trời xanh, mây trắng, nghe vọng tiếng chim hót… Tất nhiên không bao giờ, đứa trẻ hiếu động có được một kỷ niêm đẹp: nhảy ra ngoài của sổ. Những đứa trẻ như vậy, liệu có thể lớn lên thành một người lớn giàu trí tưởng tượng, mơ mộng?
Rộng hơn, phải chăng Trần Nhã Thụy đang nói đến một thế giới không có cửa sổ, những người lớn sống trong những ngôi nhà không có của sổ, sống trong những định kiến, định chế hà khắc, khô cứng. Họ không bao giờ có thể bay ra ngoài cửa sổ để đến với thế giới rộng lớn hơn, và họ sẵn sàng giết luôn ước mơ bay của những con người khác?…
Nhân vật gã, ở kết truyện, khi chạy trốn sự rắc rối trước sự truy vấn của ban giám hiệu trường học và tay nhà báo đã từ chối mình từng nhảy ra ngoài cửa sổ, gã bảo rằng câu chuyện kia chỉ là do gã bịa, nhưng chắc chắn trong cuộc sống gã đàn ông 40 tuổi “tính gọn luôn quãng đời từ nay về sau, cho tới khi xuống mồ” thì kỷ niệm, hay ký ức, hay câu chuyện một lần “bay ra ngoài cửa sổ” sẽ luôn là câu chuyện đẹp nhất của đời gã, là khoảng sáng hiếm hoi cho thời gian sống lặng lẽ, tuân phục…
Với gã, cái ngày nhảy ra ngoài cửa lớp (mà bây giờ gã vẫn không hiểu vì sao làm vậy), là ngày duy nhất gã sống gần thiên nhiên : vịt bay, chó mèo bay, đám mây như con voi bơi ngửa trên trời, và đặc biêt, gã trở về được nỗi mất mát của tuổi thơ, gã gặp đứa bạn đã chết vì một trái M79 mà bạn bè lấy ném vào nhau vì nhầm tưởng đấy là cục đất… Nỗi đau, mất mát, mà ngay khi xảy ra gã không hề ý thức được.
Viết một câu truyện ngắn từ một việc tưởng là tầm phào “Ba tao bay ra ngoài cửa sổ” thực sự là quá khó, nhưng Trần Nhã Thụy đã nhẹ nhàng lướt qua một cách dễ dàng, viết nhẹ như không, tự nhiên, thoải mái như kể một câu chuyện nhỏ hàng ngày.
Viết được như vậy, tác giả hẳn cũng đã phải "luyện công" ghê lắm, giống như các võ sĩ thượng thặng, múa võ mà nhìn qua cứ nghĩ họ đang tập dưỡng sinh vậy. Ba tao bay ra ngoài cửa sổ là một truỵện ngắn được tác giả viết công phu, các tình tiết truyện chắt lọc, đầy dụng ý. Đó thực sự là Trần Nhã Thụy đang làm văn, còn truyện là một tác phẩm đầy chất văn.