Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Câu chuyện năm Canh Tý vua Lê có hai niên hiệu

Năm Canh Tý 1600, cách nay 420 năm, vua Lê Kính Tông đã làm một việc khá hiếm trong lịch sử Việt Nam là sử dụng tới hai niên hiệu khác nhau.

Mỗi khi lên ngôi vua, các vị vua Việt đều đặt cho mình một niên hiệu để xác định thời đại trị vì của mình. Niên hiệu đầu tiên của vua Việt Nam là niên hiệu Thiên Đức, khi vua Lý Nam Đế xưng đế năm 544. Sau đó, trong thời kỳ nước ta bắt đầu xây nền tự chủ, vua Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu cho mình là Thái Bình (sử dụng từ năm 970 đến 980).

Thông thường, mỗi vua có thể có từ một đến nhiều niên hiệu. Như vua Lý Thái Tông, trong 26 năm trị vì của mình (1028-1054), đã đặt 6 niên hiệu (Thiên Thành, Thông Thụy, Càn Phù Hữu Đạo, Minh Đạo, Thiên Cảm Thánh Vũ, Sùng Hưng Đại Bảo). Vua Lý Nhân Tông là vua sử dụng nhiều niên hiệu nhất, tới 8 niên hiệu khác nhau. Trong khi đó, các vua triều Nguyễn chỉ dùng một niên hiệu, như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị...

Sử sách thời xưa tính năm tháng thông qua niên hiệu của nhà vua, như việc vua Lê Thánh Tông sai Sử quan tu soạn là Ngô Sĩ Liên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư vào năm Hồng Đức thứ 10, chúng ta có thể tra ra đó là năm 1479, vì năm Hồng Đức thứ nhất là năm 1470. Trước đó, vua Lê Thánh Tông dùng niên hiệu là Quang Thuận (1460-1469).

Mỗi niên hiệu được nhà vua sử dụng trong vài năm, và việc đổi niên hiệu được thực hiện khi đất nước có một sự kiện quan trọng, như nhà vua vừa có võ công thắng giặc, hoàng thái tử sinh, hay để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Tuy nhiên, trong đời Lê trung hưng, vua Lê Kính Tông chỉ trong một năm Canh Tý (1600) đã sử dụng tới hai niên hiệu. Đây là một chuyện khá hiếm trong lịch sử Việt Nam.

Vua Lê Kính Tông là con thứ của vua Lê Thế Tông - người được trở về trị vì ở Thăng Long sau khi chúa Trịnh Tùng đánh thắng vua Mạc Mậu Hợp năm 1592, hoàn thành công cuộc trung hưng nhà Lê. Theo Đại Việt sử ký tục biên, ngày 24 tháng 8 âm lịch năm Kỷ Hợi (1599), vua Lê Kính Tông băng hà. Lúc đó, quyền hành trong nước đã thuộc hết về tay chúa Trịnh là Bình An vương Trịnh Tùng, bắt đầu cho thời kỳ cầm quyền kéo dài 200 của các chúa Trịnh mà vua Lê chỉ còn là hư vị.

Chúa Trịnh Tùng bàn với triều thần là thái tử (sử không ghi rõ tên), tính không thông minh, bèn lập con thứ là hoàng tử Duy Tân, lúc đó mới 12 tuổi, lên làm vua, chọn ngày 27 tháng 8 lên ngôi, đại xá cho thiên hạ, đổi niên hiệu, lấy ngày đầu năm sau là năm Thuận Đức thứ nhất. Sử viết, vua Lê Kính Tông là người có “tướng mạo hùng vĩ”.

Năm đó, ngay những ngày đầu tháng Giêng, xảy ra sự kiện Đoan quốc công Nguyễn Hoàng xui bọn Kế quận công Phan Ngạn, Tráng quận công Ngô Đình Nga, Mỹ quận công Bùi Văn Khuê làm phản để Nguyễn Hoàng mượn cớ đem quân trốn về Thuận Hóa. Vì cuộc nổi loạn này, Chúa Trịnh Tùng đưa vua Lê Kính Tông về Tây Đô (Thanh Hóa).

Sau đó, ở miền Bắc, mẹ của Mạc Mậu Hợp lại tự xưng là Quốc mẫu, lên thay làm vua, tụ tập dư đảng họ Mạc chiếm đóng kinh thành Thăng Long, rước vua cũ nhà Mạc là Mạc Kính Cung về.

Đến tháng 8, quân nhà Lê tiến ra phủ Trường Yên (Ninh Bình), bắt được mẹ Mạc Mậu Hợp ở thành Trung Đô (thành Thăng Long), sau đó dẹp tan quân Mạc của quận Nhai, Uy Vũ hầu, tháng 9 bắt chém được Ngô Đình Ái, khiến Mạc Kính Cung phải chạy sang Kim Thành (Hải Dương ngày nay).

Nam Canh Ty,  nien hieu vua Viet,  Trinh Tung,  Le Kinh Tong anh 1

Sau sự kiện lấy lại được thành Thăng Long, vua Lê Kính Tông đã đổi niên hiệu là Hoằng Định, vào tháng 11 năm Canh Tý (1600).

Có lẽ vì lấy lại được thành Thăng Long, mà tháng 11 năm ấy, vua Lê Kính Tông tiến hành đổi niên hiệu là Hoằng Định, và áp dụng ngay từ tháng 11 chứ không chờ đến ngày đầu năm sau như thông lệ.

Về sự kiện này, sử nhà Lê, bộ Đại Việt sử ký tục biên không giải thích rõ lý do, còn bộ sử triều Nguyễn là Khâm định Việt sử thông giám cương mục, có ghi rõ lời cẩn án rằng: “Theo "Phàm lệ" chép Cương mục của Chu Tử, về việc đồi niên hiệu, thì phàm ông vua nào đương giữa đời mà đổi niên hiệu khác, thì chỉ chép việc đổi niên hiệu lúc bắt đầu lên ngôi vua, ngoài ra đều nhân chép công việc gì đó mới lấy niên hiệu mới đổi ấy. Nay Lê Kính Tông mới lên ngôi vua mà trong một năm hai lần đổi niên hiệu, thật là không kê cứu gì đến phép đời cổ, cho nên chép cả hai niên hiệu, để tỏ rõ sự sai lầm”.

Vua Lê Kính Tông sử dụng niên hiệu Hoằng Định trong suốt 19 năm tiếp theo, cho đến khi âm mưu ám sát chúa Trịnh Tùng của nhà vua cùng con thứ của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân bị phát giác vào mùa hạ năm 1619. Trịnh Xuân bị bắt, vua Lê Kính Tông phải tự thắt cổ chết khi mới 31 tuổi.

Lúc đó, trong tôn tộc nhà Lê còn có cháu đích của vua Lê Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ lấy con gái của Thế tử Trịnh Tráng, cũng có ý muốn lên ngôi. Hoàng hậu của Lê Kính Tông tên là Trịnh Thị Ngọc Trinh, con gái chúa Trịnh Tùng mới khóc với chúa rằng:

“Tiên quân có tội, chứ đứa con có tội gì? Sao lại bỏ con của con mà đi tìm người khác. Nếu phụ vương lập nó, thì đến muôn đời sau kẻ làm vua vẫn là con cháu của phụ vương vậy”.

Nam Canh Ty,  nien hieu vua Viet,  Trinh Tung,  Le Kinh Tong anh 2Tượng thờ vua Lê Thần Tông (giữa) - con trai cả của vua Lê Kính Tông. Ảnh: Trần Đình Ba.

Chúa mới quyết định, sai đại thần và bách quan rước Trưởng hoàng tử Lê Duy Kì tới điện Cần Chánh lên ngôi, tức là vua Lê Thần Tông.

Lê Tiên Long

Bạn có thể quan tâm