"Tôi nghĩ hiện nay chúng ta nên ưu tiên giải pháp chính trị và ngừng cung cấp vũ khí cho các hoạt động quân sự ở Dải Gaza", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra lời kêu gọi trên đài phát thanh France Inter.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau đó phản ứng trong một tuyên bố: “Trong khi Israel đang phải đối đầu với những lực lượng do Iran hậu thuẫn, các quốc gia văn minh nên đứng về phía Israel”.
“Tổng thống Macron và các nhà lãnh đạo phương Tây khác giờ đây lại muốn cấm vận Israel, thật đáng xấu hổ thay”, ông Netanyahu nói thêm. “Dù có sự hỗ trợ của họ hay không, Israel vẫn sẽ chiến thắng, nhưng nỗi hổ thẹn của họ sẽ còn mãi”.
Đây không phải lần đầu ông Macron kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí cho Israel.
Trước đó, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), tổng thống Pháp cũng cho rằng việc kêu gọi ngừng bắn trong khi tiếp tục cung cấp vũ khí tới Dải Gaza là hành động “không nhất quán”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng duy trì lập trường trung dung trong vấn đề xung đột ở Trung Đông. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, phát ngôn lần này của ông Macron dường như đã kích động người đứng đầu chính quyền Israel.
Giới phân tích không bất ngờ trước lời kêu gọi của ông Macron. Tổng thống Pháp trước nay vẫn cố duy trì một cách tiếp cận trung dung trong vấn đề xung đột Trung Đông.
Một mặt, ông Macron ủng hộ việc tự vệ của Israel trước các hoạt động quân sự của lực lượng nước ngoài. Mặt khác, tổng thống Pháp chỉ trích những đợt tấn công kéo dài làm gia tăng thương vong ở Dải Gaza và Lebanon - vùng đất từng nằm dưới sự bảo hộ của Pháp thời Thế chiến I.
Thái độ này cũng tương ứng với phong cách của cá nhân ông Macron. Chính trị gia 46 tuổi có ý định duy trì khát vọng truyền thống của Pháp là trở thành một cường quốc quốc tế độc lập và được biết đến với chính sách đối ngoại táo bạo, theo New York Times.
David Khalfa, chuyên gia về Trung Đông tại Tổ chức Jean-Jaurès, nhận xét rằng ông Macron đưa ra lời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí nói trên vào “thời điểm đặc biệt nhạy cảm” - chỉ vài ngày trước dịp kỷ niệm một năm xung đột Israel-Hamas.
Cảnh tượng đổ nát sau một cuộc không kích của Israel ở Qmatiyeh, cách Beirut khoảng 24 km, vào ngày 7/10. Ảnh: New York Times. |
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Pháp hầu như cung cấp rất ít vũ khí cho Israel. Hơn 90% lượng vũ khí Israel nhận được đến từ Mỹ và Đức.
Lời kêu gọi ngừng cung cấp vũ khí của ông Macron được cho là một nỗ lực để xoa dịu mọi bên trong cuộc xung đột.
“Trong vấn đề đối ngoại, khi cố gắng làm hài lòng cả hai phía của một mâu thuẫn, ta chẳng làm hài lòng được ai cả”, giáo sư về Trung Đông Karim Émile Bitar thuộc Đại học St. Joseph ở Beirut (Lebanon) nhận định.
Kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas nổ ra vào tháng 10/2023, ông Macron đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel và liên tục yêu cầu Hamas trao trả con tin.
Tuy nhiên, tổng thống Pháp cũng yêu cầu Israel tuân thủ luật pháp quốc tế để tránh thương vong cho dân thường và kêu gọi ngừng bắn ở cả Gaza lẫn Lebanon để mở đường cho các giải pháp ngoại giao.
Pháp có mối quan hệ lịch sử và văn hóa sâu sắc với Lebanon. Rym Momtaz, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Pháp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Châu Âu, nhận xét: “Tại Lebanon, Pháp vẫn có thể hành xử như một thế lực siêu cường dù nước này không còn là một siêu cường nữa”.
Trong nhiều tháng, Pháp đã bắt tay với Mỹ trong nỗ lực ngăn chặn xung đột kéo dài giữa Hezbollah và Israel.
Vào tháng 9, hai Tổng thống Macron và Joe Biden đã kêu gọi hiệp định ngừng bắn kéo dài 3 tuần ở biên giới Lebanon-Israel để dọn chỗ cho các giải pháp hoà bình.
Đáp lại, Israel bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ và Pháp, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu và tiêu diệt lực lượng lãnh đạo của Hezbollah.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phản ứng trước lời kêu gọi ngưng cung cấp vũ khí cho Dải Gaza từ phía Tổng thống Macron. Ảnh: New York Times. |
Sau những phát ngôn đáp trả của Thủ tướng Netanyahu, văn phòng Tổng thống Macron đã cố gắng xoa dịu tình hình bằng cách nhắc lại rằng “Pháp là người bạn không lay chuyển của Israel” và lưu ý rằng Pháp đã cung cấp viện trợ quân sự để giúp Israel chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran.
Nhấn mạnh đến nhu cầu về "các giải pháp ngoại giao", văn phòng tổng thống Pháp cũng cho rằng ông Netanyahu đã “phản ứng quá mức và không nên ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa Pháp và Israel".
Vào ngày 6/10, Tổng thống Macron và Thủ tướng Netanyahu đã có cuộc điện đàm. Buổi trò chuyện này dường như không giúp hàn gắn rạn nứt giữa lãnh đạo hai nước, tờ New York Times nhận định.
“Hai nhà lãnh đạo chấp nhận những khác biệt về quan điểm, cũng như mong muốn được hiểu nhau”, văn phòng tổng thống Pháp cho biết.