HLV Park Hang-seo đã có cuộc đấu trí căng thẳng với người đồng nghiệp Shin Tae-yong, trong cuộc so tài mà báo giới Hàn Quốc gọi là “trận chiến Ju-mong”. Cũng giống HLV Park Hang-seo trong ngày đầu đến Việt Nam, ông Shin Tae-yong tái cấu trúc Indonesia từ tuyến phòng ngự. Đối đầu với hàng thủ của đội bóng xứ vạn đảo, dĩ nhiên HLV Park phải chọn cách tiếp cận khác.
Tuyển Việt Nam từ bỏ sơ đồ 3-4-3 sở trường để đá 3-5-2. Ông không dùng số đông tiền đạo để đối chọi với số đông hậu vệ Indonesia, mà sử dụng các cầu thủ di chuyển thông minh, khôn khéo để khai thác khoảng trống ở tuyến hai - khu vực HLV Park Hang-seo từng nhận định có thể là điểm nổ quyết định trận đấu. Nguyễn Quang Hải, trong ngày thi đấu xa cầu môn và phải hỗ trợ phòng ngự nhiều hơn, đã có trận đấu ấn tượng.
Bàn thắng tung lưới Indonesia ở phút 62 rất đẹp, nhưng pha lập công này chưa nói lên hết cái hay của Quang Hải.
Nghệ thuật săn tìm khoảng trống
HLV Park Hang-seo đã rất lo lắng khi Đỗ Hùng Dũng dính chấn thương. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, Hùng Dũng là mẫu cầu thủ có thể làm cùng lúc 3 việc: đánh chặn, kết nối khâu tấn công và đột phá. Để thay thế vai trò của Hùng Dũng, HLV Park Hang-seo buộc phải đào tạo một cầu thủ có phẩm chất tương tự, hoặc thay đổi hệ thống.
Ông chọn cách thứ hai với một hàng tiền vệ trung tâm 3 người gồm Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh và Phan Văn Đức. Nếu Tuấn Anh lùi sâu để đánh chặn và thoát bóng, còn Văn Đức chơi lệch trái để tạo thành tam giác tấn công với Nguyễn Tiến Linh và Nguyễn Phong Hồng Duy, Quang Hải được chơi linh động hơn.
Anh di chuyển len lỏi giữa hàng tiền vệ và hậu vệ của Indonesia để tìm lối thoát. Trong trường hợp tiền đạo Việt Nam bị vây chặt, sự xuất hiện của Quang Hải ở lối thoát sẽ tạo ra khác biệt, đẩy tình huống trận đấu sang diễn biến mới.
Đây không phải trận đầu tiên, Quang Hải được giao đá tiền vệ trung tâm. Ở AFF Cup 2018, Hải “con” nhiều lần hợp với Lương Xuân Trường ở tuyến giữa, nhưng HLV Park thường xem đây là giải pháp tình thế. Quang Hải nguy hiểm nhất khi đá gần khung thành, trong hệ thống 3-4-3 năng động và giải phóng cầu thủ tấn công tốt hơn.
Dù vậy, ngay cả khi lùi xa khung thành, Quang Hải vẫn biết tạo ra khác biệt giữa hàng phòng ngự dày đặc. Indonesia có số đông, còn Quang Hải có khối óc để nhìn thấy khoảng trống.
Quang Hải di chuyển theo hướng trực diện vòng cấm ở pha tấn công nhanh của tuyển Việt Nam. |
Bằng một cái liếc mắt sang cánh phải và không thấy hậu vệ dâng cao, Quang Hải đổi hướng di chuyển vào trung lộ từ trước khi Hồng Duy nhận bóng. |
Quang Hải bình tĩnh chờ đợi khoảng trống mở ra, nhận đường chuyền rồi xử lý nhanh. Khoảng thời gian từ lúc bóng chạm chân Quang Hải đến khi lưới Indonesia rung lên kéo dài chưa tới 2 giây. |
Bàn nhân đôi cách biệt ở phút 62 là cú sút xa đẹp mắt, nhưng tinh túy của Quang Hải còn nằm ở pha di chuyển trước đó. Ở tình huống diễn ra bàn thắng, Nguyễn Hoàng Đức dốc theo hướng lệch trái và chuyền cho Hồng Duy. Lúc này, Quang Hải đang di chuyển về phía vòng cấm để tạo cân bằng quân số và hỗ trợ tiền đạo Tiến Linh. Trước khi Hồng Duy nhận bóng, Quang Hải liếc sang cánh phải. Nhận thấy không có cầu thủ nào băng lên tiếp ứng, đồng nghĩa với tình huống tấn công chỉ có thể phát triển tối đa vào khu vực giữa sân (khi Hồng Duy không thể chuyển cánh tạo bất ngờ), Quang Hải đột ngột đổi hướng di chuyển. Anh xuất hiện ở khoảng không tuyến hai, lúc này đã bị hậu vệ Indonesia bỏ lại.
Tự tạo ra vị trí thuận lợi, Quang Hải cũng tận dụng tối đa không gian với một nhịp đỡ bóng, căn chỉnh, lấy đà rồi dứt điểm luôn trong 1 giây - khoảng thời gian vàng trước khi Indonesia kịp nhận ra vấn đề. Từ việc khai thác khoảng trống đến thực hiện các động tác, chỉ cần có sai số ở một trong các bước, bàn thắng có thể không đến. Song, mọi kỹ thuật của Quang Hải đều hoàn hảo như được lập trình.
Huyền thoại Johan Cruyff của Hà Lan từng có câu nói đúc rút triết lý chơi bóng: “Trong mỗi trận đấu, trung bình các cầu thủ chỉ cầm bóng 3 phút. Quan trọng là họ trong khoảng thời gian 87 phút còn lại. Điều đó sẽ quyết định đấy có phải cầu thủ đẳng cấp hay không”. Công bằng mà nói, Quang Hải chưa chắc là cầu thủ kỹ thuật, tốc độ nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh. Nhưng ở khả năng chạy chỗ và nhìn ra khoảng trống trước đối thủ một tích tắc, Quang Hải vượt trội phần còn lại. Anh hạn chế va chạm, tránh xử lý rườm rà, luôn xoay đầu để quan sát tìm vị trí phù hợp, thuận lợi nhất cho pha xử lý tiếp theo.
Tình huống dàn xếp tấn công hỏng ăn của tuyển Việt Nam cuối hiệp 1 cũng cho thấy sự thính nhạy của Quang Hải. Hồng Duy thực hiện pha leo biên, rồi chuyền vào cho Tiến Linh, nhưng tiền đạo này xử lý hỏng. Trước khi Tiến Linh đỡ bóng, Quang Hải đã âm thầm tách khỏi cầu thủ Indonesia để đón lõng vùng không gian rất lớn ở tuyến hai. Nếu Tiến Linh làm tường thành công hoặc nhả bóng, Quang Hải sẽ có khoảng trống ghi bàn.
Đây là pha dàn xếp gần giống bàn mở tỷ số của U23 Việt Nam vào lưới U23 Hàn Quốc ở giải châu Á 2018, khác biệt là ở tình huống 3 năm trước, cú nhấc chân của Nguyễn Công Phượng đã giúp Quang Hải lập công.
Quang Hải di chuyển thông minh ra phía sau Tiến Linh để chờ đợi cú sút tuyến hai. Đây cũng là vùng không gian hoạt động yêu thích của Quang Hải. |
Để vượt qua lớp phòng ngự sẵn sàng chơi thô bạo, triệt hạ của Indonesia, tuyển Việt Nam đã hạn chế rê dắt, mà thực hiện những pha đập nhả quãng ngắn để mở ra không gian. Điều quan trọng nhất để phá vỡ hệ thống phòng ngự nhiều tầng là sở hữu những cầu thủ “mũi kim”, nhẫn nại tìm ra vị trí thuận lợi. Với 1 hoặc 2 cầu thủ bọc lót, không khó để theo kèm những cầu thủ ham rê bóng, bứt tốc, nhưng để hóa giải một cầu thủ nhạy bén về không gian, các đội bóng cần cả một hệ thống.
Đêm qua, những “mũi kim” lanh lợi như Quang Hải đã làm tê liệt hệ thống của Indonesia.
Nỗi lo của HLV Park Hang-seo
Trước khi trút 4 bàn vào lưới Indonesia, tuyển Việt Nam chỉ ghi 5 bàn sau 5 trận ở vòng loại World Cup 2022. 40% trong số đó được ghi từ những pha bóng cố định. Số còn lại được ghi từ những pha phối hợp gọn gàng. Theo chuyên gia Phan Anh Tú, tuyển Việt Nam luôn tính toán được những thời điểm để đánh bại đối thủ bằng những tình huống cụ thể. Sự ưu việt về thế trận không phải ưu tiên hàng đầu.
Tất nhiên, để tiến sâu ở vòng loại World Cup, công thức trên phải thay đổi. Trong trận gặp Indonesia, HLV Park đã bắt đầu cải tiến chiến thuật. “Tôi cũng yêu cầu những cầu thủ đá biên phải đánh cả vào trung lộ nữa. Họ đã cố gắng và làm tốt điều đó”, ông nhấn mạnh.
Hồng Duy, Văn Thanh không còn bám biên đơn thuần, mà chủ động tiến vào trung lộ. Bộ đôi của HAGL rất giỏi tấn công và phối hợp tam giác. 6 tháng rèn luyện cùng HLV Kiatisuk Senamuang ở sơ đồ 3 hậu vệ càng giúp những cầu thủ này nhạy bén hơn với yêu cầu của Park Hang-seo. Hồng Duy có 2 đường kiến tạo, còn Văn Thanh lập siêu phẩm ấn định chiến thắng 4-0.
Số bàn thắng tăng đột biến từ những tình huống dàn xếp bóng sống (3 bàn, bằng 5 trận trước cộng lại) dù không thể hiện được nhiều do Indonesia quá non kinh nghiệm và thiếu kỷ luật trong lối chơi, nhưng cho thấy tuyển Việt Nam đang chuyển mình với những ý tưởng mới. Các bài tấn công đa dạng, khó lường và được thực hiện ở nhiều vị trí trên hơn.
HLV Park Hang-seo luôn nhấn mạnh: không cầu thủ nào ở ĐTQG là không thể thay thế. Không có Hùng Dũng, Quang Hải và Tuấn Anh đã chơi tốt để khỏa lấp lỗ hổng trung tuyến. Nguyễn Trọng Hoàng bị treo giò, Văn Thanh chơi xuất sắc với vai đóng thế, tương tự là Hồng Duy - người chơi thay vị trí của Đoàn Văn Hậu.
Văn Thanh và cả Hồng Duy cùng tỏa sáng ở vị trí hậu vệ biên, điều đó cho thấy HLV Park Hang-seo đang xây dựng rất nhiều phương án tấn công khác nhau. Ảnh: Y Kiện. |
Tuy nhiên, dù chơi với chiến thuật hay nhân sự nào, các HLV cũng cần có ít nhất từ 1 đến 2 cầu thủ biết cách xâm nhập hiệu quả, bởi mọi hình thái chiến thuật tấn công, suy cho cùng đều quy về việc phải tạo ra khoảng trống để ghi bàn. Không phải học trò nào của HLV Park cũng có tố chất này.
Điều đó khiến Quang Hải trở nên đặc biệt, và việc vắng cầu thủ này ở trận tới sẽ khiến ban huấn luyện tuyển Việt Nam lo lắng. HLV Park Hang-seo có gần một tháng tập trung đội tuyển để giải bài toán thiếu Hùng Dũng, Văn Hậu, nhưng ông chỉ có 4 ngày để tìm ra chiến thuật làm vơi nỗi nhớ Quang Hải.
Hải “con” đã ra sân liên tục 21 trận cho tuyển Việt Nam từ ngày HLV Park mới đặt chân đến Việt Nam (năm 2017) đến nay. Chưa bao giờ, chiến lược gia người Hàn Quốc cầm quân ra trận mà không có Quang Hải trong đội hình. Một lần nữa, HLV Park sẽ phải tính toán nhân sự và cách chơi, nhiệm vụ không dễ dù tuyển Việt Nam đã có sẵn những kế hoạch B, C, D để phòng bị cho biến động về nhân sự.
Hoàng Đức có thể được trao cơ hội đá chính bên cạnh Tuấn Anh hoặc Lương Xuân Trường. Trước đối thủ nhiều khả năng đá tấn công như Malaysia, sơ đồ 3-4-3 sẽ phù hợp hơn với những quân bài HLV Park đang có trong tay.
Quang Hải sẽ có 1 trận nghỉ ngơi, trước khi trở lại ở trận đánh quan trọng nhất với UAE.