Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, đã đăng nhiều hình ảnh về tấm bản đồ Trung Quốc theo chiều dọc do Nhà xuất bản Bản đồ Hồ Nam phát hành hôm 25/6 với chú thích ngang ngược rằng “các đảo ở Biển Đông có cùng tỷ lệ với đại lục và được thể hiện rõ hơn so với các bản đồ truyền thống”.
Thậm chí trong bản đồ mới, Trung Quốc đã thay “đường 9 đoạn” bằng “đường 10 đoạn”, nuốt gần trọn Biển Đông, sát với bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Tấm bản đồ phi lý mới Trung Quốc có "đường 10 đoạn" nuốt trọn Biển Đông. Ảnh: Reuters |
“Tấm bản đồ sẽ cung cấp cho người đọc một nhận thức toàn diện và trực quan về bản đồ tổng thể Trung Quốc... Do đó, người đọc sẽ không bao giờ phải phân vân về việc lãnh thổ của Trung Quốc có tuyên bố chính và phụ”, Tân Hoa Xã ngang ngược trích tuyên bố ngông cuồng của Lei Yixun, tổng biên tập của Hồ Nam cho biết.
Tuy nhiên, nhiều độc giả lên tiếng phản đối và cho rằng đây là hành động không cần thiết. “Nếu Mỹ muốn sở hữu Hawaii và Guam hay Anh, Pháp muốn có các lãnh thổ hải ngoại thì họ chỉ cần tung ra một tấm bản đồ thế giới… Liệu hành động gom hết các quần đảo có thực sự hữu ích? Nó rõ ràng chỉ phơi bày tham vọng. Tấm bản đồ chỉ cho thấy sự hời hợt của lòng yêu nước một cách mù quáng”, Wu Ge, nhà bình luận quân sự toàn cầu, mỉa mai trên mạng xã hội Weibo.
Trong khi đó, Philippines cũng tiếp tục lên tiếng phản đối tấm bản đồ mới của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho rằng, việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ khổ dọc mới là một bước đi sai trái để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Ông Charles Jose nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc là trái với luật pháp quốc tế. Chính chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền của họ là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông”.
Trước làn sóng phản đối kịch liệt, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ tầm quan trọng của tấm bản đồ.
“Nhiều nhà phát hành bản đồ tại các tỉnh đã giới thiệu một phiên bản mới của tấm bản đồ Trung Quốc. Tôi tin rằng, mục đích của họ là nhằm phục vụ công chúng”, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lý luận tại cuộc họp báo thường kỳ vào hôm 25/6.
Dù Trung Quốc tiếp tục đưa ra những tuyên bố như cố để thể hiện trách nhiệm nhưng nhiều học giả và các nhà nghiên cứu lại cho rằng, chính Trung Quốc mới là nhân tố gây bất ổn trong khu vực. Thời gian gần đây, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng như hoạt động cải tạo đất trái phép của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa đã thổi bùng căng thẳng ở Biển Đông.