Business Insider dẫn báo cáo cho biết thị trường máy bay không người lái (UAV) quân sự toàn cầu sẽ đạt 8,3 nghìn tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, có thể Mỹ sẽ không còn là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua hao tiền tốn của này. Trong một thập kỷ tới, nhiều khả năng Washington sẽ xếp sau Nga và Trung Quốc về số tiền đầu tư cho UAV dù Mỹ từng là quốc gia đi tiên phong.
Máy bay không người lái của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Theo Wantchinatimes, Bắc Kinh đầu tư mạnh cho phi cơ không người lái nhằm (UAV) phục vụ mưu đồ thống trị địa chính trị và kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng sẽ giúp Bắc Kinh giành lợi thế trước Nhật Bản trong nỗ lực chiếm quyền kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng như các quần đảo khác trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Trong thập kỷ qua, Mỹ đã cho cả thế giới thấy rõ sự lợi hại của phi đội UAV mà nước này đang sở hữu. Chúng đóng vai trò tích cực trong các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan và Iraq cũng như nỗ lực chống khủng bố ở Pakistan và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhu cầu của Mỹ với UAV đang ngày càng giảm trong khi nhiều quốc gia khao khát sở hữu loại chúng.
Sự hững hờ của Mỹ buộc các tập đoàn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực máy bay không người lái - gồm Northrop Grumman, Boeing, General Atomics và Lockheed Martin - tìm kiếm những thị trường mới. Bài viết trên tạp chí Jane's (Anh) cho biết, thị trường máy bay không người lái đang dịch chuyển dần sang châu Á.
Theo tạp chí, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ là những thị trường béo bở nhất. Số máy bay không người lái của Nhật Bản sẽ tăng 6 lần trong 10 năm tới. Nga và Trung Quốc không chỉ nhập khẩu máy bay không người lái mà còn đầu tư những khoản kinh phí khổng lồ để phát triển chúng.
Các chuyên gia tin rằng, Nga và Trung Quốc sẽ dồn sức phát triển phi đội máy bay không người lái và đủ khả năng cạnh tranh với Mỹ trong một thập niên tới. Ở thời điểm hiện tại, Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Israel là 11 quốc gia đầu tiên sở hữu phi cơ không người lái phục vụ mục đích quân sự, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.