Nhân kỷ niệm 100 năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, tờ The National Interest của Mỹ đăng bài phân tích về nguy cơ xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc cùng các giả thuyết xung quanh cuộc đối đầu có thể dẫn tới chiến tranh thế giới lần thứ ba.
Nguyên nhân chiến tranh
10 năm trước, người ta nghĩ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ có thể nổ ra do những bất đồng trên bán đảo Triều Tiên hoặc Đài Loan. Tuy nhiên, sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc đang khiến Mỹ chịu nhiều áp lực từ các đồng minh trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chiến sự có thể nổ ra khi sự kiềm chế của các bên vượt quá giới hạn.
Mô phỏng tàu sân bay Mỹ bị vũ khí Trung Quốc tấn công. Ảnh: Blogspot |
Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ không bắt đầu bằng những trận không kích dữ dội như Mỹ từng thực hiện ở Afghanistan hay Iraq bởi tiềm lực quân sự của Trung Quốc rất mạnh. Bắc Kinh sẽ không để Mỹ tập hợp các hạm đội từ châu Âu và Trung Đông để bao vây Trung Quốc. Vì vậy, Mỹ và đồng minh cần đẩy tình hình leo thang trước khi để vài sự cố xảy ra nhằm từng bước tập hợp lực lượng xung quanh Trung Quốc.
Về mặt kinh tế, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế của nhau, bao gồm động thái phong tỏa tài sản của các công ty, tổ chức và cá nhân. Chúng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp nền kinh tế của các quốc gia ở đôi bờ Thái Bình Dương và phần còn lại của thế giới, làm gián đoạn dòng lưu chuyển hàng hóa toàn cầu, ảnh hưởng tới sản lượng công nghiệp của cả hành tinh.
Sự tương trợ của các đồng minh trong khu vực
Đồng minh nào sẽ hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc phụ thuộc vào cách thức cuộc chiến bắt đầu. Nếu chiến tranh bùng lên trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ nhận sự hỗ trợ từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong trường hợp chiến sự nổ ra trên Biển Đông, Washington sẽ phải dựa vào các đồng minh trong ASEAN. Australia và Nhật Bản cũng có thể hỗ trợ Mỹ.
Trung Quốc cũng có đồng minh thân cận trong cuộc chiến với Mỹ. Nếu chiến sự nổ ra do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ sát cánh cùng Bắc Kinh. Trong trường hợp chiến sự bắt nguồn từ những xung đột trên Biển Đông, Trung Quốc có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga thông qua các hợp đồng mua bán vũ khí. Tuy nhiên, Moscow sẽ duy trì vai trò trung gian trong cuộc chiến Mỹ - Trung.
Mục đích chiến tranh
Washington đối đầu quân sự với Bắc Kinh nhằm đập tan tham vọng gia tăng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc, bẻ gãy những mũi tấn công của Hải quân và Không quân, đồng thời gây khó khăn cho giới lãnh đạo Trung Quốc trên khắp cả nước. Trung Quốc đối đầu Mỹ nhằm tăng cường ảnh hưởng quân sự và làm giảm ảnh hưởng của Washington đối với các đồng minh, phá vỡ hệ thống liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Đông Á.
Kết quả cuộc chiến
Đây là câu hỏi khó nhất nếu xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Để trả lời câu hỏi ấy, người ta cần tìm đáp án cho hàng loạt ẩn số. Thế giới gần như không biết chính xác thực lực của các loại tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc hay khả năng vô hiệu hóa hệ thống máy tính đối phương của các đơn vị tác chiến mạng mà Bắc Kinh và Washington đang sở hữu.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (trên) và Tàu sân bay USS George Washington của Mỹ (dưới). Ảnh: Wiki |
Nếu Mỹ giành chiến thắng, quân đội Trung Quốc sẽ suy yếu nhanh chóng, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẽ là cường quốc trong khu vực, giống như việc Đức vẫn là nền kinh tế số một ở Trung Âu dù thất bại trong Thế chiến thứ hai. Chiến tranh không thể thay đổi quỹ đạo phát triển và sự quyết đoán của Trung Quốc.
Trong trường hợp Trung Quốc giành chiến thắng, họ có thể đập tan ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Mỹ sẽ không thể hỗ trợ quân sự cho các đồng minh Nhật Bản, đảo Đài Loan, Hàn Quốc và Philippines. Thất bại trong cuộc chiến với Trung Quốc, đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất, sẽ khiến nền kinh tế Mỹ gánh những thiệt hại ngoài sức tưởng tượng. Những nhà lãnh đạo đưa Mỹ vào cuộc chiến sẽ phải từ chức.
Chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không kết thúc chóng vánh nếu nó xảy ra. Trước những tác động khó lường của cuộc chiến, nỗ lực ngăn chặn chiến tranh đòi hỏi khả năng và sự nhạy bén của các nhà hoạch định chính sách và ngoại giao các nước. Ngăn chặn chiến tranh đòi hỏi nỗ lực và tinh thần xây dựng của tất cả các phía.