Tướng Vương Quán Trung, trưởng đoàn Trung Quốc tại Shangri-La đã phải nhận hàng loạt lời chỉ trích gay gắt từ quan chức các nước khác. |
Trên tạp chí Foreign Policy, nhà phân tích Gary Sands - giám đốc Hãng tư vấn Highway West Capital Advisors - đánh giá Trung Quốc đang dùng chiến lược “kéo” và “đấm” mang tính gây hấn, do đó đã đến lúc Việt Nam phải phản ứng bằng “giấy”, nghĩa là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để dư luận và truyền thông thế giới thấy rõ bản chất hiếu chiến của chính quyền Bắc Kinh.
Trong khi đó, trong bài phân tích trên tạp chí Asia Times, chuyên gia Tim Kumpe thuộc ĐH Goethe (Frankfurt, Đức) nhận định phản ứng cộc cằn của tướng Vương Quán Trung - Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - tại Đối thoại Shangri-La cho thấy Bắc Kinh không tôn trọng luật pháp quốc tế trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo chuyên gia Kumpe, việc Bắc Kinh hành động bất chấp luật pháp và lẽ phải đã hủy hoại hoàn toàn hình ảnh nước này trưng ra là hòa bình, hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau... Đó là những yếu tố tối cần thiết của “quyền lực mềm”.
“Trung Quốc cần ASEAN để hiện thực hóa giấc mơ phát triển, nhưng lại xâm hại rất nhiều thành viên ASEAN. Bắc Kinh cần phải hiểu rằng nước này cần đồng minh chứ không thể một mình một đường. Nhưng Bắc Kinh dường như quên mất nguyên tắc cơ bản này”, ông Tim Kumpe nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Kumpe, các hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ khiến các nước khu vực buộc phải tăng cường vũ trang để đối phó với nguy cơ xâm lược. Mỹ sẽ càng có cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự tại khu vực.
“Trung Quốc đang thua thiệt về cả sức mạnh quyền lực cứng và quyền lực mềm trong khi Mỹ và các đồng minh hưởng lợi”, chuyên gia Kumpe đánh giá. Ông cho rằng quyền lực thông minh là sự kết hợp khéo léo giữa quyền lực cứng và mềm, dựa trên sức mạnh quân sự và mối quan hệ liên minh, đối tác hữu hảo.
Trong thời điểm Trung Quốc gây hấn, Mỹ và Nhật đã siết chặt quan hệ đối tác với các nước khu vực. Nhật đóng góp vào an ninh khu vực khi hỗ trợ năng lực tuần tra trên biển của các nước Đông Nam Á. Do đó, chuyên gia Kumpe đánh giá tại Đối thoại Shangri-La, Trung Quốc là kẻ thua cuộc.
Chiến thuật quyền lực thiếu thông minh của Bắc Kinh khiến nước này mất bạn trong khu vực. Nỗ lực tăng quyền lực của Bắc Kinh có tác dụng ngược, khiến nước này thiệt hại cả quyền lực cứng và mềm. Trong khi Trung Quốc đánh mất quyền lực mềm, Mỹ và Nhật nhận được sự tín nhiệm và niềm tin.