Tờ South China Morning Post hôm 8/6 dẫn lời ông Li Jie, một chuyên gia hải quân thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đang tìm cách biến căn cứ tại bãi đá ngầm Chữ thập thuộc quần đảo Trường Sa thành một đảo nhân tạo toàn diện, bao gồm đường băng và cảng biển, với ý đồ triển khai hiệu quả hơn sức mạnh quân sự ở Biển Đông.
Theo giáo sư Jin, đảo nhân tạo này sẽ gấp đôi căn cứ quân sự Mỹ ở Diego Garcia - đảo san hô có diện tích 44 km vuông nằm ở giữa Ấn Độ Dương.
Hiện tại Trung Quốc đã xây vài công trình trên bãi đá ngầm Chữ thập, bao gồm một trạm quan sát do Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của UNESCO ủy nhiệm.
South China Morning Post dẫn lời một số chuyên gia nhận định, nếu kế hoạch bành trướng lãnh thổ này thành công, nó cho thấy sự thay đổi chính sách của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền từ thế phòng thủ sang thế tấn công. Đây có thể là bàn đạp để Bắc Kinh tiến tới việc tuyên bố thành lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
Trung Quốc dựng nhà trên bãi đá ngầm Chữ thập tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Chinese Defence. |
Zhang Jie, một chuyên gia về an ninh khu vực của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu khai hoang đảo từ rất lâu. Các viện nghiên cứu và công ty đã soạn thảo nhiều thiết kế khác nhau trong thập kỷ qua. Chính Zhang từng tham gia thảo luận về một bản thiết kế vào năm trước.
"Trung Quốc có khả năng xây dựng hòn đảo nhân tạo trong nhiều năm trước, nhưng chúng tôi đã không tiến hành việc xây dựng bởi chúng tôi không muốn tạo ra nhiều tranh cãi", bà Zhang nói. Bà nói thêm rằng việc lấn biển tại bãi đá ngầm Chữ thập sẽ càng làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước láng giềng và gây ra sự mất ổn định trong khu vực.
Abigail Valte, người phát ngôn của của Tổng thống Philippines, cho biết, Manila đang xem xét các báo cáo rằng Trung Quốc đã làm tổn hại các bãi san hô trên Biển Đông. Bà nhắc lại rằng Philippines sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp ngoại giao để giải quyết tranh chấp, AFP đưa tin.
"Chúng tôi không phản ứng nóng vội với hành động khiêu khích, đặc biệt là hành động quân sự. Philippines muốn thông qua các kênh ngoại giao, cũng như các biện pháp pháp lý khác có thể", bà Valte nhấn mạnh.