Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc tính đưa tàu chiến mới nhất tới Hoàng Sa

Theo báo chí Trung Quốc, hải quân nước này đang lên kế hoạch triển khai tàu hộ vệ Type 056 mới nhất mang tên Lô Châu tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tân Hoa Xã ngày 4/6 đưa tin, một chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 056 sắp chính thức gia nhập Hải quân Trung Quốc. Cùng ngày, tờ báo Jiucheng Daily News của thành phố Lô Châu cho hay, Bắc Kinh đang có kế hoạch điều tàu hộ vệ Lô Châu đến Hoàng Sa.

Theo Jiucheng Daily News, Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu 13 tàu chiến hạng nhẹ Type 056. Nó được thiết kế để hoạt động trong các vùng nước nông và Trung Quốc dự định đóng tổng cộng 20 tàu chiến loại này.

Một tàu hộ vệ Type 056 của hải quân Trung Quốc. Ảnh: WantChinaTimes.
Một tàu hộ vệ Type 056 của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: WantChinaTimes.

Nhiệm vụ của tàu hộ vệ là tác chiến gần bờ, tuần tra cảnh giới, hộ tống các tàu của lực lượng khác để tác chiến săn ngầm, tăng cường phòng vệ cho Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc đã quyết định đặt tên cho con tàu mới là Lô Châu theo đề xuất của chính quyền thành phố Lô Châu tại tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc hồi năm ngoái. Đây là lần đầu tiên, người ta đặt tên tàu chiến theo tên thành phố. Giới chức địa phương từng tới tham quan tàu hồi tháng 4 năm nay.

Phát hiện tàu Trung Quốc tại hai bãi đá ngầm thuộc Trường Sa

Tổng thống Philippines Benigno Aquino III hôm nay tiết lộ rằng ông đã nhận báo cáo về "sự di chuyển" của tàu Trung Quốc tới ít nhất hai bãi đá ngầm ở Biển Đông.

Thông tin về việc triển khai tàu Lô Châu được tiết lộ trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục phái thêm nhiều tàu công vụ, tàu hải giám tới Biển Đông sau khi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Sau hơn một tháng đặt giàn khoan trái phép, Trung Quốc đã đâm va 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển Việt Nam và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.

Trung Quốc thậm chí còn đang sử dụng chiến thuật mới khi vào ban đêm họ bố trí một tàu dùng đèn pha rọi vào tàu kiểm ngư để phun vòi rồng. 

Hành động ngang ngược của Trung Quốc vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng quốc tế. Trong bài viết trên tờ The Daily Caller của Mỹ hôm 3/6, luật sư Paul J. Leaf đồng thời là cựu biên tập viên của tờ Stanford Law Rivew cho rằng, Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và điều tàu, máy bay giám sát khu vực này. Qua hành động này, Bắc Kinh đang dò xét quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Do vậy, theo ông Paul, Mỹ phải thôi đứng ngoài cuộc trong khi Trung Quốc tăng cường gây hấn ở Biển Đông.

Ông nhấn mạnh Việt Nam nên tiếp tục đối thoại với Bắc Kinh, nhưng nhất định không được đơn phương rút tàu trước theo yêu cầu của Trung Quốc.

Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, với tư cách là diễn giả chính của hội nghị, đã thẳng thắn chỉ trích hành vi mang tính khiêu khích, thô bạo của Bắc Kinh tại Biển Đông thời gian qua. 

Ông Abe không chỉ đưa ra những lời trích suông mà còn cam kết “hỗ trợ tối đa” để các nước ASEAN bảo vệ chủ quyền trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng sử dụng ngôn từ mạnh mẽ và trực diện để phê phán Trung Quốc trong khi Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cảnh báo Trung Quốc đang “lầm đường lạc lối”. 

Đuối lý, Trung Quốc quay sang đổ lỗi

Truyền thông Trung Quốc hôm qua lại dùng giới chuyên gia đổ trách nhiệm cho Mỹ gây ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông.

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm