Giải thích về vấn đề này trên tạp chí National Interest (Mỹ), cố vấn chính trị Hạ viện Philippines Richard Javad Heydarian nhận định “thảm họa” đó chính là việc Trung Quốc đang tự làm vấn đề tranh chấp ở Biển Đông được quốc tế hóa nhanh hơn, điều mà Bắc Kinh không bao giờ muốn thấy.
Tàu Trung Quốc tấn công tàu cá Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa ngày 7/6. Ảnh: Tuổi Trẻ |
Càn quấy, bất chấp lý lẽ
Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. UNESCO đề nghị các bên liên quan hết sức kiềm chế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO và OIF đã gửi các công hàm và bản ghi nhớ lên lãnh đạo hai tổ chức này để lưu ý về những diễn biến đặc biệt căng thẳng trên Biển Đông thời gian qua.
Ông Heydarian cho rằng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, Bắc Kinh đang chui đầu vào thảm họa do chính họ gây ra.
Bằng chứng là Trung Quốc càng “hung hăng tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông thì càng khiến các vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở khu vực này được quốc tế hóa nhanh hơn.
“Bắc Kinh đang đẩy vấn đề đi chệch quỹ đạo do chính mình đặt ra là luôn muốn khép mọi cuộc đối thoại về tranh chấp ở Biển Đông theo hướng song phương”, ông Heydarian cho biết.
Giới chuyên gia quốc tế cho rằng Bắc Kinh khá bất ngờ trước việc Chính phủ Việt Nam công bố đoạn phim cho thấy các tàu Trung Quốc đã dùng những biện pháp vũ lực, đe dọa chống lại lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam ngày 7/5.
Sau đó, truyền thông Việt Nam và quốc tế liên tục trưng ra những bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang ngụy biện cho những hành động ức hiếp hung hăng của mình ở khu vực quanh nơi hạ đặt giàn khoan 981 trái phép.
“Hành động càn quấy, bất chấp lý lẽ của Bắc Kinh cho thấy nước này đang mưu đồ sản sinh ra thời đại mới trong việc đòi chủ quyền ở Biển Đông”, giáo sư Lowell Bautista, giảng viên Đại học Wollongong (Australia), nhận định.
Chuyên gia Heydarian cho rằng đứng trước sự “cứng đầu” của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á đã xích lại gần nhau hơn nhằm tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược - cùng chống Trung Quốc.
Báo động trước nhiều hậu quả từ những hành động của Trung Quốc, đe dọa đến sự ổn định và tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế, các nước không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đang tăng cường những nỗ lực “giảm căng thẳng ở Biển Đông”.
Cụ thể, Mỹ, Nhật Bản cùng với các nước như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc đã tìm cách khẳng định vai trò nhiều hơn trong việc ổn định các tuyến thông thương trên biển (SLOC), khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng cũng như lợi ích thương mại của khu vực.
Ngụy biện bằng động cơ thương mại
Bắc Kinh cứ khăng khăng việc hạ đặt giàn khoan 981 ở cách đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 17 hải lý là quyết định thương mại của Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).
Trung Quốc còn tranh luận rằng động thái mới nhất của nước này đơn thuần chỉ là việc mở rộng “hợp lý” các cuộc thăm dò trong khu vực giàu khí đốt mà trước đó nước này đã làm.
Song theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam có toàn quyền tài phán ở khu vực mà giàn khoan 981 đang thăm dò. Do đó, Trung Quốc đã xâm phạm các đặc quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Giới chuyên gia cho rằng chiến lược này đang khiến Trung Quốc phải trả giá đắt về danh dự trên trường quốc tế. Giáo sư Lowell Bautista nhận định nếu Trung Quốc không tuân thủ luật pháp quốc tế thì nước này không chỉ gây nguy hiểm và phá vỡ lề thói luật pháp, mà còn đe dọa đến hòa bình, an ninh và sự ổn định trong các mối quan hệ quốc tế.
“Trong tranh chấp lãnh thổ, các quốc gia trên thế giới thường tuân theo luật pháp quốc tế để giữ vị thế và danh tiếng của mình là một thành viên biết tuân thủ luật pháp của cộng đồng quốc tế, để tránh những lệnh trừng phạt gián tiếp hay trực tiếp khi họ vi phạm”, ông Bautista cho biết.
Ông Heydarian nhận định Bắc Kinh đã gián tiếp biện minh cho học thuyết “đường chín đoạn” của mình và sử dụng học thuyết này như một tài liệu cơ sở để nhai đi nhai lại vấn đề chủ quyền “cố hữu” và “không thể tranh chấp”, hòng chiếm trọn Biển Đông.
Thừa biết “đường chín đoạn” của mình còn nhiều điểm yếu, Trung Quốc luôn sử dụng chiến lược “mập mờ” trong ngôn ngữ giải thích về quan điểm chủ quyền cũng như những vấn đề liên quan đến luật pháp, chứng cứ lịch sử về các đảo ở Biển Đông mỗi khi có những hành động gây hấn với các nước dọc Biển Đông, cụ thể là lần gây hấn hơn một tháng qua đối với Việt Nam.