Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Học giả Trung Quốc 'đội lốt khoa học' xuyên tạc về Biển Đông

Sau hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc tại khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan ở vùng biển Việt Nam, một số nhà khoa học Trung Quốc biện minh cho hành động sai trái.

Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Trường nhằm phản bác những luận điệu xuyên tác đội lốt khoa học đó.

Cận cảnh tàu Trung Quốc ngang ngược va đâm, dùng vòi rồng tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Sơn Bách.

"Gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng khá chính thống ở Trung Quốc như Thời báo Hoàn cầu, Iternational Herald Leader có đăng một số bài của Hà Tiều Trại, Tôn Tiểu Nghênh, Lục Kiến Nhân làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Đại học Quảng Tây liên quan tới sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Theo định nghĩa phổ cập thì nghiên cứu khoa học là thu thập và xử lý thông tin để tìm ra bản chất các sự kiện, hiện tượng, quá trình. Nhưng tiếc rằng các “học giả” nói trên lại đánh tráo hiện tượng và bản chất với cách thể hiện hết sức thô kệch.

Trước hết xin có đôi lời về bài của ông Hà Tiểu Trại dưới đầu đề rất giật gân là “Mê cung Biển Đông khiến Việt Nam bí quá hóa liều”. Đọc bài này có thể thấy đây là cả một mê cung những lập luận hồ đồ cho thấy thực sự tác giả bí quá nói liều.

Để có vẻ “khoa học”, tác giả vẽ ra và phân tích về 4 “mê cung”. Theo tác giả, “mê cung thứ nhất” là Việt Nam “luôn có ý thức đấu tranh với Trung Quốc một cách tự nhiên”. Có lẽ học giả này không đọc lịch sử và không biết rằng, người Việt Nam chưa bao giờ sang xâm lấn Trung Quốc, ngay trên đất Quảng Tây núi sông cùng một dải với Việt Nam cũng chưa bao giờ có bóng dáng quân Việt Nam, trừ một lần sang hiệp đồng với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc ở Tây Côn lĩnh.

Cũng với tư duy như vậy ông Hà bịa ra rằng, năm 2007, khi chưa kết thúc việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ, Việt Nam đã đưa ra “Chiến lược biển đến năm 2020” mở rộng phạm vi Biển Đông và đây chính là nguồn cơn làm gia tăng mâu thuẫn giữa hai nước.

Tuy nhiên, từ hàng nghìn năm nay dân Việt Nam đã thuộc lòng huyền thoại về Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi đàn con, 50 người theo cha xuống biển, nửa còn lại theo mẹ lên núi. Điều đó nói lên ý thức biển của dân tộc Việt đã được nuôi dưỡng từ ngàn xưa chứ đâu phải chờ tới năm 2007, vì lẽ đơn giản là toàn bộ mặt tiền của đất nước hướng ra biển, 28/63 tỉnh - thành Việt Nam nằm dọc theo ở bờ biển.

Có lẽ không cần bình luận về lời kết tội của ông Hà đổ vấy cho Việt Nam “mở rộng phạm vi Biển Đông” vì nó quá hồ đồ. Biển Đông vẫn là Biển Đông từ hàng triệu triệu năm nay, chẳng ai có thể mở rộng hay thu hẹp nó.

Còn nếu ông Hà muốn nói tới sự chiếm hữu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì xin thưa rằng, trên quần đảo Hoàng Sa người Việt Nam đã có mặt từ vài thế kỷ nay và thậm chí bản đồ từ mấy thể kỷ nay của Trung Quốc cũng chỉ khẳng định biên giới cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, mãi tới năm 1956 Trung Quốc mới đưa quân chiếm khu vực phía đông và năm 1974 chiếm nốt khu vực phía tây quần đảo này của Việt Nam.

Tương tự như vậy, Việt Nam có mặt liên tục, hòa bình trên quần đảo Trường Sa từ lâu. Mãi tới năm 1988, 1989 và 1995 quân Trung Quốc mới nhảy vào chiếm 7 bãi. Vậy hỏi ai mở rộng phạm vi hiện diện, chiếm hữu?

Chưa hết, Trung Quốc chứ không phải Việt Nam vẽ ra "đường lưỡi bò", choán hầu hết Biển Đông, không theo một quy định pháp luật nào; còn Việt Nam chỉ hoạch định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình đúng theo luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982 mà Trung quốc cũng đặt bút ký. Vậy ai mở rộng vùng quyền chủ quyền?

Hà tiên sinh còn nói khi sang thăm Việt Nam năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường có “thành ý” về khai thác chung nhưng Việt Nam không chịu vì cho rằng, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình không có tranh chấp.

Đó là thực tế. Trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam đã và đang “khai thác chung” với hàng chục công ty nước ngoài trên cơ sở thực hiện quyền chủ quyền của Việt Nam.

Không phải một lần Việt Nam đã có nhã ý mời các công ty Trung Quốc, kể cả Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tham gia nhưng các bạn khăng khăng đòi “khai thác chung” với cái nghĩa “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra là của Trung Quốc, nay chiếu cố cho Việt Nam tham gia khai thác.

Nếu có thể xin ông cho biết, nhà ông có vườn do ông bà cha mẹ để lại không? Nếu có thì liệu ông có bằng lòng cho láng giềng tự ý vào nuôi gà trong đó với cái lý rằng, khu vườn đó không hẳn của ông mà là khu vực tranh chấp giữa hai gia đình?

Dựa trên các lập luận “hoang tưởng” (chữ dùng của ông Hà) như vậy mà Hà tiên sinh còn cao giọng rao giảng rằng: “Tư duy hoang tưởng và thái độ cứng rắn sẽ đưa Việt Nam đi đến con đường nguy hiểm xung đột với Trung Quốc”.

Ông nói đúng quá, chỉ có điều phải đảo lại trật tự hai chữ “Việt Nam” và “Trung Quốc”.

Mê cung thứ hai mà Hà tiên sinh bịa ra là, Việt Nam muốn sử dụng vụ việc này để thực hiện “hòa giải dân tộc”, hy sinh quan hệ Việt - Trung để đổi lấy yêu cầu đó.

Thử hỏi có ai đó đến hạ đặt giàn khoan khổng lồ trên vùng biển thực sự thuộc Trung Quốc theo luật pháp quốc tế thì người Trung Quốc, kể cả những người làm ăn sinh sống ở Hong Kong, Macau, Đài Loan sẽ suy nghĩ và hành xử ra sao?

Ngọn nguồn câu chuyện chính là hành vi sai trái của phía Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam chứ không phải điều ông tưởng tượng ra là Việt Nam muốn lợi dụng vụ việc để hòa giải dân tộc.

Mê cung thứ 4 mà Hà tiên sinh muốn gán ghép cho chúng tôi là đã sử dụng bài học sức mạnh toàn dân mà chính ông cũng thừa nhận là “kinh nghiệm quý báu để Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ” nay áp dụng để giáo dục, động viên toàn dân có ý thức và quyết tâm bảo vệ quyền lợi biển đảo. Điều này Hà tiên sinh hoàn toàn đúng; chỉ có điều xin mạn phép bổ sung thêm vài thiển ý.

Một là, đó không chỉ là bài học kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến vừa qua mà là bài học ngàn năm dựng nước, giữ nước đấy. Hai là, dân tộc chúng tôi có “đặc ân” luôn phải chống chọi với ngoại bang mạnh hơn nhiều lần về vật chất, không lấy sức mạnh và trí tuệ nhân dân thì làm sao đối phó cho được? Ba là, Nhà nước chúng tôi là nhà nước của dân, do dân, vì dân; không dựa vào dân thì dựa vào ai?

Tiếc rằng, Hà tiên sinh đưa ra mệnh đề đúng nhưng lại đi tới kết luận sai rằng ngoại giao chính phủ Việt Nam lại “mất đi sự điềm tĩnh, lý trí và linh hoạt nên không thể và cũng không dám thỏa hiệp hợp tác với Trung Quốc, chỉ có thể trông đợi Trung Quốc đơn phương nhượng bộ và như vậy sẽ tạo nên làn sóng dân túy, dẫn đến bí quá làm liều”.

Hà tiên sinh nói như vậy phải chăng muốn dạy ngoại giao Việt Nam đi ngược lại lợi ích và nguyện vọng của người dân, thỏa hiệp vô nguyên tắc? 

Xin chân thành mong Hà tiên sinh kiên trì đi theo con đường khoa học mà đã khoa học thì điều quan trọng nhất là khách quan, thực sự cầu thị chứ không nên bẻ cong ngòi bút, đổi trắng thành đen.

http://www.vietnamplus.vn/hoc-gia-trung-quoc-doi-lot-khoa-hoc-xuyen-tac-ve-bien-dong/263853.vnp

Theo Vietnamplus

Bạn có thể quan tâm