Nghị sĩ Miloslav Ransdorf, thành viên Nghị viện châu Âu EU trả lời phỏng vấn về việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Ông Miloslav Ransdorf nói đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy Trung Quốc chà đạp luật pháp quốc tế.
“Trung Quốc không thể chối cãi việc vi phạm luật pháp quốc tế, gây căng thẳng trên Biển Đông. Nước này là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng đã không làm gì cho hòa bình của khu vực, thậm chí còn khiến tình hình ở Đông Nam Á trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết”, ông Miloslav Ransdorf cho hay.
- Ông đón nhận thông tin Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thế nào?
Tôi không thể tin nổi Trung Quốc lại hành xử như vậy trên Biển Đông. Khi biết tin giàn khoan Hải Dương 981 được hạ đặt ở gần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tôi hết sức phẫn nộ.
Nghị sĩ Miloslav Ransdorf. Ảnh: Phương Mai |
Rõ ràng Trung Quốc đã vi phạm Công ước quốc tế về luật biển, vi phạm các thông lệ quốc tế về an ninh, an toàn hàng hải mà cụ thể ở đây là khu vực Biển Đông. Tôi cho rằng, bất cứ quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế và có trách nhiệm, lợi ích chung về biển đảo.
Ngay từ thời Tổng thống Mỹ George Bush còn cầm quyền, Trung Quốc cũng từng có xung đột trên biển với Mỹ. Chính quyền Trung Quốc luôn có những hành động gây căng thẳng trong quan hệ với các nước, nhất là về vấn đề lãnh thổ.
- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc bất chấp dư luận nhiều nước phản đối để hành xử hung hăng như vậy. Các tàu nước này còn hành xử vô nhân đạo khi cố ý đâm chìm tàu cá Việt Nam bằng được mới thôi?
Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi ở đây là bài toán năng lượng. Trung Quốc đang thiếu hụt năng lượng khủng khiếp. Hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD mà Bắc Kinh ký kết với Moscow là minh chứng rõ rệt cho điều này: Trung Quốc đang quá thiếu năng lượng để phát triển kinh tế.
Tôi xem nhiều báo cáo tài chính và được biết Bắc Kinh đang đối mặt tỷ lệ nợ công lên đến 215%, nếu không giải quyết được vấn đề này thì khó mà thực hiện "Giấc mơ Trung Hoa" như nước này vẫn nói.
Do đó, dầu khí là chìa khóa duy nhất giúp Trung Quốc giải quyết vấn đề năng lượng phục vụ phát triển kinh tế. Trữ lượng dầu khí ở Hoàng Sa, Trường Sa được cho là rất lớn nên Trung Quốc luôn hướng sự chú ý vào đây.
Tôi có xem những video clip cho thấy tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam một cách dã man. Lối hành xử như vậy của Trung Quốc là điều không thể tin. Tôi thậm chí đã không tin vào mắt mình khi thấy tàu Việt Nam bị chìm sau cú đâm của tàu Trung Quốc.
Bắc Kinh là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng họ không chứng tỏ được sự gìn giữ hòa bình.
Cá nhân tôi chia các lãnh đạo làm hai loại: Loại thứ nhất là những con cáo già, không từ thủ đoạn để đạt được mục đích; loại thứ hai là những con sư tử, dùng sức mạnh vượt trội để đạt được mục đích. Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam hoàn toàn khác, đó là con người dùng đạo đức và trí tuệ để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Tôi nghĩ Trung Quốc nói một đằng, làm một nẻo như thế cho thấy họ đã lộ rõ bản chất cáo già của mình. Trong hoàn cảnh như vậy, việc Việt Nam dùng các biện pháp hòa bình là vô cùng khôn khéo.
Các bạn đã cho cả thế giới thấy bộ mặt thật của Trung Quốc, dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao cách hành xử kiềm chế của Việt Nam.
Nhiều đồng nghiệp của tôi ở Liên minh châu Âu EU cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam trong nỗ lực hòa bình, giải quyết vấn đề theo luật pháp quốc tế.
- Nghị viện châu Âu đã có ý kiến chính thức nào về hành động của Trung Quốc thời gian qua chưa, thưa ông?
Châu Âu đang tập trung chú ý vào tình hình ở Ukraina. Những diễn biến ở Crimea và mới đây là Donetsk và Lugansk – những nơi đòi tách khỏi Ukraina để gia nhập Nga đang là mối quan tâm hàng đầu. Do đó, vấn đề Biển Đông, theo tôi đang bị "mờ đi" ở nghị trường.
Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc Vương Quán Trung không giải thích được "đường lưỡi bò" tại Đối thoại Shangri-La 13. Ảnh: AFP. |
Nhưng tôi cho rằng sẽ đến lúc châu Âu có tiếng nói chính thức về vấn đề này. Đây là một tiền lệ hết sức nguy hiểm và rõ ràng không ai muốn nó tiếp tục xảy ra. Việt Nam và EU lâu nay có mối quan hệ rất tốt. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ tranh thủ được sự ủng hộ của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong hoàn cảnh hiện tại, các chính sách ngoại giao của Việt Nam là rất đáng hoan nghênh bởi sự kiềm chế, ôn hòa. Các bạn có tiếng nói của chính nghĩa, và chính nghĩa thì bao giờ cũng thắng.
- Nhưng theo ông, nếu Trung Quốc tiếp tục hung hăng như thế, bất chấp thiện chí từ phía Việt Nam và bất chấp dư luận thế giới thì tình hình ở Biển Đông sẽ thế nào?
Rất khó đoán được ý định của Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ cho dù có thế nào, Trung Quốc cũng không dám một mình thách thức dư luận thế giới.
Nước này sẽ phải rút giàn khoan bởi một khi hành xử hung hăng, vô nhân đạo như thế, sẽ không nước nào muốn hợp tác làm ăn với Trung Quốc.
Hình ảnh của Bắc Kinh tại Liên Hiệp quốc đang rất xấu trong mắt các thành viên của tổ chức lớn nhất thế giới này. Tôi còn nhớ năm 1972, khi Mỹ ném bom rải thảm miền bắc, dư luận khắp nơi và ngay chính tại nước Mỹ cũng dấy lên làn sóng ủng hộ Việt Nam.
Việc người Việt Nam anh dũng chiến đấu và những hình ảnh cho thấy sự tàn phá kinh hoàng của bom đạn Mỹ và những cuộc biểu tình khắp nơi đã góp phần khiến Mỹ chùn bước.
Tôi nghĩ một làn sóng tương tự cũng sẽ xảy ra ở Liên Hiệp Quốc. Nhiều nước sẽ chất vấn Trung Quốc vì sao hành xử theo kiểu chà đạp luật pháp và vô nhân đạo như vậy. Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc dám tiếp tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam nếu vấn đề được đưa ra ở Liên Hiệp Quốc.
Các học giả Mỹ và Italy cho rằng nếu muốn trỗi dậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự đối kháng mạnh mẽ từ phía Ấn Độ, Nhật Bản và Việt Nam. Nếu 3 quốc gia này liên kết lại, Trung Quốc sẽ khó tiếp diễn hành động hung hăng.
- Ông có cho rằng việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sẽ khiến thế giới hiểu được bản chất hung hăng của nước này?
Như tôi đã nói, Việt Nam đã rất khéo léo để giải quyết vấn đề và được nhiều nước tôn trọng bởi cách ứng xử hòa bình. Việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng là một biện pháp ôn hòa và được thế giới công nhận.
- Ông nói đến vấn đề năng lượng là nguyên nhân Trung Quốc xua giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Theo ông còn có nguyên nhân nào khác không, liệu có thể coi đây là hành động nhằm phô trương sức mạnh, chứng tỏ chủ quyền?
Tôi vẫn cho rằng năng lượng là nguyên nhân chủ yếu. Như tôi được biết, năm 1974, Trung Quốc lợi dụng lúc Việt Nam đang kháng chiến chống Mỹ để dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Tôi còn được biết rằng từ xưa đến nay, nhiều nước trên thế giới và khu vực đều thừa nhận chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa. Khi Việt Nam khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này đã không gặp phải sự phản đối nào, trừ của Trung Quốc.
Luật pháp quốc tế không công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc. Tôi muốn nhắc lại là các bạn Việt Nam có tiếng nói của chính nghĩa. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam rồi nay lại nói là của họ thì rõ ràng đây là việc không thể chấp nhận.
- Ông đã theo dõi tình hình và xem những video clip tố cáo tội ác của Trung Quốc, liệu ông có đưa vấn đề này ra trước Nghị viện châu Âu?
Tôi vừa tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm, hiện tại là lúc Nghị viện bầu các thành viên cho những Ủy ban trong Nghị viện.
Sắp tới tôi sẽ nói chuyện với các đồng nghiệp ở Nghị viện châu Âu về vấn đề này. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ giành được sự tôn trọng, ủng hộ ở châu Âu không chỉ bởi chúng ta là đối tác tốt lâu nay mà còn bởi cách ứng xử ngoại giao hòa bình của Việt Nam.
Vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được nêu ra ở Nghị viện châu Âu sau khi tình hình ở Ukraina dịu bớt. Tôi sẽ nói với các đồng nghiệp của mình về tình hình hiện tại ở Biển Đông và sẽ nêu vấn đề này ở Ủy ban đối ngoại của Liên minh châu Âu EU.