Harry Kazianis, chuyên gia phân tích của Mỹ giả định chiến tranh Trung - Nhật nổ ra ngày 1/3/2015 vì sự cố sau các hoạt động tuần tra của Trung Quốc xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, không lâu sau khi tàu sân bay Liêu Ninh và nhiều chiến hạm khác tập trung xung quanh khu vực này, tạp chí National Interest đưa tin.
Mô phỏng khả năng tác chiến của tên lửa chống hạm Trung Quốc. Ảnh: Chinamil |
Dựa vào sự kiện phi cơ chiến đấu Su-27 của Trung Quốc va chạm với một chiếc máy bay tuần tra P-3 Orion ngoài khơi đảo Hải Nam tháng 4/2001, chuyên gia Kazianis đặt giả thuyết chiến đấu cơ Trung Quốc đối đầu phi cơ Nhật Bản trong vùng không phận tranh chấp ở biển Hoa Đông trong tháng 3/2015, thổi bùng chiến sự giữa hai nền kinh tế hàng đầu châu Á.
72 giờ sau cú va chạm chết người, Trung Quốc đưa 20 công dân đổ bộ lên quần đảo tranh chấp trong đêm. Nhật Bản đưa quân tới trục xuất công dân Trung Quốc khỏi quần đảo mà họ khẳng định chủ quyền. Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực nếu công dân của họ bị đe dọa.
Khi lực lượng Hải quân Nhật Bản tới gần hòn đảo, máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc áp sát và có những hành động cảnh báo. Một tàu khu trục của Nhật Bản nổ súng bắn hạ máy bay khi cảm thấy bị đe dọa. Nhằm đáp trả hành vi của đối phương, Trung Quốc phóng tên lửa chống hạm DF-21 về phía các tàu Nhật Bản nhằm cảnh báo Tokyo dừng bước. Tên lửa rơi cách tàu Nhật Bản khoảng 16 km.
Bất chấp tín hiệu cảnh báo, tàu Nhật Bản kiên quyết áp sát hòn đảo các công dân Trung Quốc mới đổ bộ. Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) nã một loạt tên lửa về phía tàu Nhật Bản khiến 3 tàu chìm, gây thiệt hại nghiêm trọng về người.
Ngay sau vụ tấn công, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi điện yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama hỗ trợ theo các điều khoản liên minh giữa Tokyo và Washington. Tuy nhiên, cách thức Mỹ phản hồi Nhật Bản gần như không thể dự đoán.
Chuyên gia phân tích Kazianis đặt các câu hỏi: “Liệu Tổng thống Barack Obama, người sắp kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, có sẵn sàng giúp đỡ Nhật Bản chống lại Trung Quốc trong cuộc xung đột mà nhiều người khẳng định nó ‘không ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của Mỹ’?” hay “Nếu Bắc Kinh tấn công chớp nhoáng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Obama sẽ giúp đỡ Nhật Bản vô điều kiện hay nói rộng hơn là ông Obama sẽ đưa quân tới giúp các đồng minh châu Á trong hoàn cảnh nào?”.
Theo Kazianis, các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á cần hiểu rõ những hạn chế quân sự của Washington nhằm đưa ra những chính sách đối ngoại hợp lý, tránh bùng phát một cuộc chiến như giả thuyết trong tương lai gần. Dù Mỹ nhận thấy lợi ích quốc gia của họ bị đe dọa nhưng Washington vẫn phải cân nhắc nhiều mặt trước khi hạ lệnh xuất quân tham chiến ở châu Á.