Nhật Báo Quảng Châu ngày 16/6 cho rằng, Nhật Bản đã để lộ tham vọng trở thành một nước xuất khẩu vũ khí mới ở châu Á thông qua việc thúc đẩy thương vụ bán 12 chiếc tàu ngầm lớp Soryu cho Hải quân Hoàng gia Australia.
Theo tờ báo giấy hàng đầu của Trung Quốc, sau khi Tokyo thông qua 3 nguyên tắc chuyển giao trang thiết bị quốc phòng vào tháng 4, 14 công ty quốc phòng lớn của Nhật Bản, gồm Mitsubishi Heavy Industries, đã tham dự Hội chợ triển lãm quốc phòng Eurosatory từ ngày 16 đến 20/6 tại Paris. Tại hội chợ, Nhật Bản trưng bày hàng loạt thiết bị quân sự do họ sản xuất (bao gồm xe bọc thép và tàu quét mìn) nhằm thu hút các khách hàng tiềm năng từ châu Âu.
Nhật Bản thông qua 3 nguyên tắc chuyển giao trang thiết bị quốc phòng cho nước ngoài vào tháng 4/2014. Ảnh: defendence.pk |
Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản cấm các công ty quốc phòng bán mọi hệ thống vũ khí cho nước ngoài kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Tuy nhiên, để thúc đẩy chính sách “xoay trục châu Á”, chính quyền Mỹ đã cho phép Nhật Bản xem xét lại quy định thông qua việc ban hành Chiến lược An ninh Quốc gia và sửa đổi Hướng dẫn Hợp tác Quốc phòng Mỹ - Nhật vào tháng 12/2013. Dựa trên hai văn bản, Nhật Bản đã có cơ sở pháp lý để ban hành 3 nguyên tắc về chuyển giao thiết bị quốc phòng và nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí.
Văn bản pháp lý mà chính phủ Nhật Bản thông qua hồi tháng 4 cho phép Tokyo theo dõi và điều chỉnh việc xuất khẩu thiết bị quân sự ra nước ngoài, bao gồm việc thảo luận về thương vụ bán 12 chiếc tàu ngầm sang Australia. Nhật báo Quảng Châu cho rằng, văn bản là một “mối đe dọa đáng kể” bởi nó tạo cơ hội cho ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản thu lợi nhuận bằng cách kích động chiến tranh và xung đột toàn cầu.
Thậm chí tờ báo còn nhận định, việc Nhật Bản công bố 3 nguyên tắc mới là vấn đề “rất nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Bài viết của Nhật báo Quảng Châu xuất hiện trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang vô cùng căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không phận trên biển Hoa Đông.
Nhật Bản cáo buộc hai chiến đấu cơ Su-27 của Trung Quốc áp sát hai máy bay trinh sát của Nhật Bản vào ngày 11/6. Sự việc xảy ra trong vùng nhận diện phòng không chồng chéo giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Nhật Bản đã công bố hình ảnh cho thấy máy bay Trung Quốc bay rất gần máy bay của họ.
Một ngày sau đó, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc của Nhật Bản, đồng thời công bố đoạn video để chứng minh chính máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản cố tình khiêu khích máy bay do thám Tu-154 của Trung Quốc trước.
Hôm 6/6, Nhật Bản tố tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này xung quanh một trong những hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông.
Theo thông tin mới nhất từ Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (ICG), vào khoảng 10h sáng ngày 20/6, hai tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng lãnh hải của Nhật trên biển Hoa Đông. Chúng di chuyển xung quanh và đỗ tại khu vực trong vòng hai tiếng trước khi rời khỏi đó, hãng Kyodo đưa tin. Đây là lần thứ 14 tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Nhật Bản từ đầu năm.