Cuối thập niên 1980, ông trùm ma tuý khét tiếng lịch sử Pablo Escobar mua lậu về cho vườn thú của mình 4 con hà mã. Giờ đây, sự sinh sôi của chúng gây đau đầu cho các nhà chức trách Colombia.
Người dân địa phương coi hà mã là một linh vật không chính thức. Song đối với các nhà khoa học, hà mã đe dọa đến hệ sinh thái, cạnh tranh với động vật hoang dã bản địa và gây ô nhiễm nguồn nước địa phương. Đôi khi, chúng thậm chí tấn công con người.
Guardian ngày 10/2 dẫn lời một nhóm nhà khoa học cho rằng những con hà mã này phải bị tiêu hủy. Nếu không, số lượng cá thể của chúng có thể đạt khoảng 1.500 con vào năm 2035.
Hà mã được nhìn thấy tại công viên giải trí Hacienda Napoles - nơi từng là khu dinh thự của trùm ma túy khét tiếng nhất Colombia - vào ngày 12/9/2020. Ảnh: AFP/ Raul Arboleda. |
Vì đâu nên nỗi?
Một nghiên cứu dự báo rằng quần thể hà mã - loài xâm lấn lớn nhất trên hành tinh - sẽ tăng lên gần 1.500 cá thể vào năm 2040. Khi đó, con người sẽ không thể phục hồi tác động của chúng lên môi trường hay kiểm soát số lượng loài này. Do đó, Colombia cần hành động ngay lập tức.
Tuy nhiên, việc thiến hà mã là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề. Các nhà khoa học phải tiêm cho nó một loại thuốc an thần mạnh để đảm bảo an toàn trước khi tiếp cận con vật. Việc xác định vị trí các bộ phận của con hà mã rất khó ngay cả khi nó bất động.
"Rất kinh khủng. Bạn không thể chỉ lên mạng và tìm kiếm: 'Phải làm gì với một con hà mã?'", David Echeverri Lopez, nhà nghiên cứu tại cơ quan môi trường khu vực Cornare và người dẫn đầu nỗ lực thiến hà mã năm 2013, nhớ lại.
Ban đầu, chỉ có 4 con hà mã trong vườn thú tư nhân của Pablo Escobar. Các quan chức Colombia quyết định thả rông những con to lớn hung dữ này sau khi Escobar qua đời vào năm 1993.
Môi trường nhiệt đới ở Colombia là "thiên đường của hà mã", theo Echeverri, với mưa nhiều, nguồn thức ăn dồi dào và không có loài ăn thịt nào đủ lớn để đe dọa chúng. Những con vật dành 5 giờ mỗi ngày gặm cỏ và thời gian còn lại để ngâm mình trong làn nước mát của sông Magdalena và các hồ lân cận.
Du khách tại vườn thú Santa Fe ở Medellin, Colombia, đang xem lễ kỷ niệm sinh nhật của hà mã Jakira 4 tuổi, hậu duệ của những con hà mã do Escobar nhập lậu. Ảnh: AFP/ Joaquin Sarmiento. |
Trong khi hầu hết cộng đồng châu Phi rất cảnh giác với những con hà mã - loài sinh vật giết người hàng năm nhiều hơn bất kỳ loài động vật có vú lớn nào khác, người dân Colombia lại cực kỳ yêu thích con vật này.
Thế nhưng, các tương tác giữa người và hà mã thường không được thân thiện. Vào năm 2009, 3 con hà mã trốn khỏi Hacienda Napoles đã khủng bố các trang trại địa phương, khiến cơ quan môi trường của Colombia phải cử một nhóm thợ săn truy lùng con vật với lệnh bắn ngay.
Nhưng sau đó, một bức ảnh chụp cảnh những người lính tạo dáng với xác của Pepe - một con hà mã trưởng thành vừa bị bắn chết - đã khiến các nhà hoạt động vì quyền động vật lên án việc giết hại. "Chúng có thể bị bắt và giữ tạm thời ở một nơi an toàn cho đến khi tìm được nơi ẩn náu lâu dài cho chúng", Marcela Ramirez, một thành viên mạng lưới bảo vệ động vật địa phương, chia sẻ với Reuters vào thời điểm đó.
Quyết định đình chỉ việc săn bắt Pepe và bạn đời của nó được đưa ra, đồng thời việc giết hà mã trong nước trở thành bất hợp pháp. Đây là khi Echeverri khởi động chiến dịch triệt sản cho hà mã.
Năm 2020, một chủ trang trại đã bất ngờ đụng phải một con hà mã khi đang đi lấy nước. Con vật đã cắn vào chân và ném người này lên không trung, khiến anh ta bị gãy chân, xương hông và một số xương sườn.
Các phương án giải quyết
Chiến dịch của Echeverri gặp khó khăn trong việc bắt giữ những con hà mã khi quá trình này rất nguy hiểm, tốn thời gian và tiền bạc. Echeverri chỉ có thể thiến khoảng một con hà mà mỗi năm, trong khi các nhà khoa học ước tính rằng dân số của chúng tăng đến 10% mỗi năm.
Bên cạnh đó, mặc dù triệt sản cho hà mã đực khá phức tạp khi cơ quan sinh dục của chúng có thể thu vào và ẩn trong một lỗ gọi là ống bẹn, cơ quan sinh sản của con cái thậm chí còn khó tìm thấy hơn.
"Chúng tôi không rành việc giải phẫu cho con cái. Chúng tôi đã thử nhiều lần nhưng không thành công", Echeverri cho biết.
Một con hà mã kiếm ăn tại một trang trại ở ngoại ô Doradal, gần công viên giải trí Hacienda Napoles. Ảnh: AFP/ Raul Arboleda. |
Nataly Castelblanco-Martínez, một nhà sinh thái học người Colombia làm việc tại Đại học Quintana Roo ở Mexico, và nhóm của mình phát hiện hà mã sẽ đạt đến khả năng chứa tối đa của hệ sinh thái vào năm 2039. Do đó, các quan chức sẽ phải tăng tốc độ triệt sản lên khoảng 30 con mỗi năm, một nửa trong đó là con cái, để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực.
Chính quyền Puerto Triunfo trong nhiều năm đã tìm kiếm các vườn thú sẵn sàng bắt con hà mã, nhưng vô ích. Không một quốc gia châu Phi nào muốn đặt số lượng hà mã của họ vào mạo hiểm khi nhận hàng chục con vật có nguồn gốc bí ẩn và hành vi không rõ ràng.
Các nhà khoa học nói rằng Colombia có thể phải xem xét tiến hành một cuộc tiêu hủy.
"Không ai thích ý tưởng bắn một con hà mã. Tôi cũng vậy", Castelblanco-Martínez nói. "Nhưng chẳng có cách nào khác hiệu quả".
Echeverri không chắc giết hà mà là giải pháp duy nhất: "Những con vật này đã trở thành biểu tượng cho cả một cộng đồng người. Không thể cứ như vậy giết chúng".
Ông gợi ý rằng có thể triệt sản hoặc tái định cư 50 con hà mã trong hồ gần Hacienda Napoles, và chỉ tiêu hủy những con đã lang thang xa hơn. Tổ chức phi lợi nhuận Animal Balance của Mỹ đang quyên góp cho kế hoạch này.
Song, ông cũng thừa nhận rằng không còn nhiều thời gian để hành động.
Ảnh hưởng to lớn
Một nghiên cứu năm 2020 phát hiện ra rằng chất dinh dưỡng trong phân hà mã thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và tảo, giảm hàm lượng oxy trong nước và gây độc cho cá.
"Nồng độ oxy có thể đạt đến ngưỡng khiến cá bắt đầu phình bụng", Jonathan Shurin, nhà sinh thái học tại Đại học California, San Diego và là người đã làm việc với Echeverri để đánh giá tác động của hà mã lên môi trường, cho biết. Điều này có thể ảnh hưởng đến ngành đánh bắt cá trong khu vực.
Hà mã bơi tại hồ trong công viên Napoles. Ảnh: AFP/ Raul Arboleda. |
Ở châu Phi, hà mã đóng vai trò là kỹ sư sinh thái khi chuyển chất dinh dưỡng từ đất sang hồ và tạo các kênh nước mới. Chúng thậm chí có thể thay thế vai trò môi trường của những loài động vật có vú khổng lồ đã tuyệt chủng: lạc đà không bướu khổng lồ hay tê giác Toxodon. Song Castelblanco-Martínez tỏ ra nghi ngờ giả thuyết này.
Các hồ và sông của Colombia đã là nơi sinh sống của các loài động vật có vú bản địa lớn. Hà mã tiêu thụ cỏ và hoa quả - vốn là thức ăn của giống chuột lang nước capybaras khổng lồ. Những con lợn biển Tây Ấn Độ cũng bị đe dọa mất môi trường sống tự nhiên.
Đồng thời, việc quản lý vấn đề hà mã sẽ lấy đi tài nguyên dành cho hàng trăm loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng của Colombia, theo Castelblanco-Martínez. Nó cũng khiến các quan chức ít chú trọng hơn vào việc đối phó với khoảng 400 loài xâm lấn đe dọa hệ sinh thái bản địa khác.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật "chỉ quan tâm đến hà mã", bà cho biết. "Họ đang bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh: xã hội, kinh tế và cả sinh thái".