Ngoài đế chế ma tuý hàng tỷ đô, Pablo Escobar còn sở hữu một “sở thú cưng” với nhiều loài động vật quý hiếm. Sau khi Escobar bị tiêu diệt năm 1993, thú hoang dã trong trang trại Hacienda Napoles của ông được thả về môi trường sống tự nhiên.
Sau gần 3 thập kỷ, 4 con hà mã Escobar mua từ châu Phi ngày nào sinh sôi nảy nở thành một đàn hà mã Colombia gồm hàng chục con. Theo ước tính của The Guardian, hơn 80 con hà mã này trở thành loài động vật du nhập lớn nhất trên thế giới.
Một du khách đang cho hà mã ăn tại trại Hacienda Napoles, Colombia. Ảnh: AP. |
Thông thường, con người không có nhiều thiện cảm với các loài động vật du nhập vì chúng hay gây hại tới môi trường sống. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây chỉ ra lợi ích không tưởng của đàn hà mã Colombia lên hệ sinh thái tự nhiên.
Cụ thể, một nhóm các nhà bảo tồn sinh vật học mới tiến hành nghiên cứu về đặc điểm và tác động lên hệ sinh thái của các loài du nhập ăn cỏ hiện đại như hà mã Colombia. Sau đó, họ tiếp tục thực hiện nghiên cứu tương tự trên những loài đã bị tuyệt chủng như voi ma-mút hay gấu túi khổng lồ.
Bằng cách so sánh kích thước, chế độ ăn và môi trường sống, nghiên cứu trên xác định mức độ tương đồng giữa các loài du nhập hiện đại với giống tiền thân đã tuyệt chủng. Kết quả cho thấy vài loài động vật ngày nay, bao gồm hà mã Colombia, có thể phục hồi hệ sinh thái về thời tiền Đại Tuyệt chủng.
“Những con hà mã Nam Mỹ có chế độ ăn uống và kích thước cơ thể giống loài llamas cổ đại. Trong khi đó, một loài có vú đã tuyệt chủng khác - Notoungulata - cũng có kích thước và môi trường sống bán tự nhiên giống hà mã Nam Mỹ”, The Guardian dẫn thông tin từ ông John Rowan, đồng tác giả của nghiên cứu giải thích.
Nghiên cứu kết luận: “Hà mã Nam Mỹ không hoàn toàn giống một loài đã tuyệt chủng nhưng với đặc điểm kết hợp của nhiều loài, chúng có thể khôi phục nhiều phần quan trọng trong hệ sinh thái”.
Nghiên cứu cũng cho hay con người đã vô tình tái tạo nhiều đặc điểm sinh thái tự nhiên trong quá trình du nhập các loài động vật. Ví dụ, lợn rừng hay ăn rễ cây và phá huỷ mùa màng, hành vi giống nhiều loài đã tuyệt chủng trong hệ sinh thái cổ đại.
Nhóm tác giả của nghiên cứu trên đến từ nhiều trường đại học, viện bảo tàng danh giá trên thế giới. Nghiên cứu mới được công bố trên ấn phẩm của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.