Chính quyền Trung Quốc hôm 24/1 đã ban hành lệnh cấm tiêu thụ, buôn bán và nuôi nhốt các loại động vật hoang dã để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona được cho là bắt nguồn từ hoạt động mua bán động vật hoang dã tại một khu chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán.
Cho tới thời điểm này, giả thuyết hàng đầu của các nhà khoa học Trung Quốc về vật chủ trung gian khiến virus corona đi từ dơi sang người là con tê tê - loài vật rất được ưa chuộng ở Trung Quốc vì thịt và vảy của chúng được cho là có tác dụng chữa bệnh trong y học cổ truyền.
Mặc dù việc buôn bán động vật hoang dã bị cấm ở Trung Quốc như một phần của lệnh cấm toàn cầu, tê tê và nhiều loài khác vẫn được nhập lậu từ một số quốc gia ở Đông Nam Á và châu Phi. Nhưng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền Trung Quốc đã quyết tâm siết chặt hoạt động này.
Cảnh sát Trung Quốc thu giữ các sản phẩm từ động vật hoang dã trong một chiến dịch truy quét ở tỉnh An Huy hồi đầu năm nay. Ảnh: AP. |
Sẽ không còn nhu cầu từ Trung Quốc
"Lệnh cấm này là thời điểm thích hợp để chúng tôi xây dựng thêm dữ liệu về những kẻ buôn lậu. Nó sẽ giúp ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã", thiếu tướng Viwat Chaisangka, người đứng đầu phòng tội phạm tài nguyên và môi trường của cảnh sát Thái Lan, nhận định.
Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc ước tính thị trường buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp toàn cầu có giá trị khoảng 23 tỷ USD mỗi năm, khiến nó trở thành hoạt động chợ đen lớn thứ tư thế giới sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí.
Các tổ chức bảo tồn ước tính hoạt động buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á - phần lớn để phục vụ nhu cầu từ Trung Quốc - là một thị trường trị giá 2 tỷ USD.
Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua một nghị quyết theo đó cấm "toàn diện" các hoạt động buôn bán động vật hoang dã. Lệnh cấm này bao gầm việc "săn bắn, đánh bắt, buôn bán, vận chuyển và ăn thịt động vật hoang dã", cùng với đó là một lệnh cấm cho hành vi "tiêu thụ" các loài động vật này.
"Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ động vật hoang dã và mối đe dọa tiềm ẩn của hành vi này với sức khỏe cộng đồng đã thu hút sự chú ý rộng rãi", ủy ban cho biết trong một thông báo được CCTV đưa hôm 24/2.
Chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán - nơi được cho là điểm khởi nguồn của virus gây bệnh Covid-19 - có bán nhiều loại động vật hoang dã. Ảnh: AFP. |
Mối liên hệ giữa động vật hoang dã và virus corona được nhắc tới khi dịch bệnh ngày càng lây lan ở Trung Quốc. Nhiều loài động vật hoang dã - dù được nhân giống trong môi trường nuôi nhốt hay bị săn bắt ngoài tự nhiên - đều bị chế biến thành các món ăn.
WHO cho biết khoảng 70% các bệnh lây nhiễm toàn cầu được phát hiện trong vòng 50 năm qua bắt nguồn từ động vật hoang dã.
Tương lai tươi sáng cho tê tê?
Freeland, một tổ chức bảo tồn có trụ sở ở Bangkok, cho rằng ngành nhân giống và nuôi nhốt các loài động vật hoang dã ở Trung Quốc có quy mô khoảng 7 tỷ USD mỗi năm, bằng một phần ba thị trường buôn lậu động vật hoang dã toàn cầu. Nhưng tổ chức cũng cho rằng việc cấp giấy phép thiếu minh bạch cho các cơ sở nuôi nhốt ở Trung Quốc khiến cho con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Một trong số các động vật hoang dã được nhân giống và nuôi nhốt để lấy thịt ở Trung Quốc là cầy hương - được xác định là loài đã mang virus SARS đến với con người vào năm 2002 và 2003.
Nhu cầu dành cho tê tê đã biến nó trở thành "loài bị buôn bán bất hợp pháp nhiều nhất thế giới chỉ trong vòng vài năm", theo báo cáo về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Nam Á của Văn phòng Ma túy và Tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC). Theo ước tính của UNODC, trong một thập kỷ qua đã có hơn 1 triệu cá thể tê tê bị giết chết để phục vụ cho sự tiêu thụ của con người.
Hầu hết số tê tê được bắt ở châu Phi và buôn lậu qua các quốc gia Đông Nam Á trước khi được đưa tới thị trường Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2019, hơn 30 tấn vẩy tê tê đã bị giới chức ở Sabah, Malaysia thu giữ; 8,3 tấn được phát hiện ở cảng Hải Phòng của Việt Nam và hơn 25 tấn được tìm thấy ở Singapore, theo UNODC.
Điều tương tự cũng diễn ra ở Thái Lan. Ông Steven Galster, người sáng lập tổ chức Freeland cho biết: "Hơn 50% số tê tê đến Trung Quốc được đưa qua Thái Lan. Chúng đến từ Congo, Uganda và các khu vực ở Tây và Trung Phi".
Tới nay, tê tê được các nhà khoa học Trung Quốc cho là vật chủ trung gian giúp cho virus corona lây nhiễm sang con người. Ảnh: New York Times. |
Ông Galster gọi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng sau lệnh cấm ở Trung Quốc là "một kịch bản ngoài dự kiến". Freeland đang có kế hoạch kêu gọi các chính phủ Đông Nam Á đưa ra các biện pháp giống với Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cùng nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn như WWF và TRAFFIC đã gửi thư ngỏ tới thủ tướng chính phủ, trình bày một số vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 và cho rằng việc hạn chế sự tương tác giữa động vật hoang dã và con người, thông qua việc thực thi các biện pháp mạnh mẽ chống lại hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, là cách tiếp cận hiệu quả nhất để giảm thiểu rủi ro với sức khỏe cộng đồng trong tương lai.