Cho đến cách đây vài tháng, việc mở trang trại nhân giống và nuôi dưỡng động vật hoang dã vẫn được chính quyền Trung Quốc khuyến khích như một cách làm giàu hiệu quả cho nông dân ở vùng hẻo lánh.
Nhưng đợt bùng phát của dịch bệnh do virus corona chủng mới - tới nay đã khiến 2.666 người thiệt mạng và 77.700 người nhiễm - đã khiến chủ trương này bị đặt dấu hỏi. Virus được cho là xuất phát từ một loài động vật hoang dã chưa xác định bày bán ở chợ hải sản Vũ Hán, và điều đó khiến giới chức phải suy nghĩ lại về cách quản lý ngành chăn nuôi đầy lợi nhuận này.
Mặc dù được xác định là có liên quan đến đợt bùng phát dịch SARS vào năm 2003, cầy hương vẫn được nhân giống, nuôi nhốt và buôn bán làm thức ăn ở Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Cần một cách tiếp cận khác
Cuối tháng 1, chính quyền đã ban hành lệnh cấm tạm thời với việc buôn bán động vật hoang dã nhằm hạn chế sự lây lan của virus, và bắt đầu cưỡng chế ngừng hoạt động các cơ sở chăn nuôi động vật vào đầu tháng 2.
Cơ quan lập pháp trung ương đã gấp rút sửa đổi luật bảo vệ động vật hoang dã, và có thể cơ cấu lại các quy định về việc sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm hoặc nguyên liệu trong y học cổ truyền Trung Quốc.
Phiên bản hiện tại của luật được các nhóm bảo tồn động vật hoang dã cho là còn bất cập, vì nó tập trung vào các quy định sử dụng động vật hơn là bảo vệ chúng.
"Bệnh dịch do virus corona gây ra đang nhanh chóng thúc đẩy Trung Quốc đánh giá lại mối quan hệ với động vật hoang dã. Có một mức độ rủi ro cao từ quy mô của hoạt động chăn nuôi này tới sức khoẻ con người, và những tác động với quần thể động vật hoang dã trong tự nhiên", ông Steve Blake, trưởng đại diện của tổ chức WildAid ở Bắc Kinh, chia sẻ với Guardian.
Giới chức trách Trung Quốc đã ban hành các biện pháp mới hôm 24/2 nhằm hạn chế buôn bán động vật hoang dã, cấm tiêu thụ thịt thú rừng và bán động vật hoang dã để lấy thịt tại các chợ thú vật từ nay đến thời điểm luật Bảo vệ Động vật hoang dã được sửa đổi và thông qua.
Tuy nhiên, lệnh cấm không nhắc tới hoạt động nhân giống và nuôi nhốt để lấy nguyên liệu cho ngành y học cổ truyền, và các hoạt động với mục đích khai thác lông và da động vật hoang dã.
Trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã quảng bá ý tưởng về việc thuần hoá và nuôi nhốt động vật hoang dã, cho rằng đây là một phần quan trọng trong phát triển nông thôn, du lịch sinh thái và xoá đói giảm nghèo. Một báo cáo năm 2017 của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc đã định giá ngành chăn nuôi động vật hoang dã ở mức 520 tỷ nhân dân tệ, tương đương 73,85 tỷ USD.
Chim công được bọc bằng bao tải trong quá trình vận chuyển để làm chúng không bị rụng lông. Ảnh: Getty. |
Chỉ vài tuần trước khi Covid-19 bùng phát, Cơ quan Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Trung Quốc vẫn tích cực khuyến khích người dân chăn nuôi động vật hoang dã trong đó có cầy hương - loài được xác định là vật chủ trung gian khiến virus gây bệnh SARS lây từ dơi sang người.
"Tại sao vẫn khuyến khích nuôi cầy hương sau khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003? Có thể vì thợ săn, người nuôi nhốt và buôn bán cần việc đó. Họ đã kêu gọi chính phủ hỗ trợ dưới cái cớ phát triển kinh tế", ông Zhou Jinfeng, tổng thư ký tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển xanh Trung Quốc, nhận định.
Con gì cũng tiêu thụ
Ít người biết được quy mô thực sự của ngành công nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Việc cấp phép chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan lâm nghiệp cấp tỉnh và địa phương, và thông tin về những hoạt động này không được công bố đầy đủ.
Báo cáo của Tân Hoa Xã hôm 17/2 cho biết trong giai đoạn 2005-2015, cơ quan lâm nghiệp chỉ cấp 3.725 giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã ở cấp quốc gia. Nhưng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đã có ít nhất 19.000 trang trại chăn nuôi động vật hoang dã trên toàn quốc bị đóng cửa, bao gồm 4.600 cơ sở ở tỉnh Cát Lâm - nổi tiếng với hoạt động y học cổ truyền Trung Quốc.
Có rất ít thông tin về danh sách những loài động vật hoang dã được nhân giống và nuôi nhốt trong các trang trại ở Trung Quốc, nhưng các báo cáo đã đề cập đến cầy hương, chuột tre, đà điểu, lợn rừng, hươu sika, cáo, chim công, gà tây, chim cút, chuột lang, ngỗng hoang, ngỗng mỏ đỏ, chim bồ câu và chim trĩ cổ tròn.
Ông Blake, đại diện của WildAid ở Bắc Kinh, cho rằng lệnh cấm không bao gồm việc tiêu huỷ các loài vật này do chi phí đền bù sẽ rất lớn.
Bên cạnh việc sử dụng làm nguyên liệu y học cổ truyền, phần hoạt động buôn bán động vật hoang dã là để lấy thịt, diễn ra trên các nền tảng trực tuyến hoặc tại các khu chợ thú vật - như chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán, nơi bệnh dịch khởi phát.
Bà Deborah Cao, giáo sư tại Đại học Griffith ở Australia, chuyên gia bảo vệ động vật hoang dã, cho biết: "Tất cả các động vật hoặc bộ phận cơ thể của chúng được sử dụng làm thực phẩm cần phải trải qua quá trình kiểm tra y tế, nhưng tôi không nghĩ những người bán hàng quan tâm đến điều đó".
Khu chợ hải sản Hoa Nam ở thành phố Vũ Hán được cho là nơi virus corona bắt đầu bùng phát tạo thành bệnh dịch. Ảnh: AP. |
Đã có những lời kêu gọi về việc chính phủ cần cải cách để loại bỏ sự mâu thuẫn trong trách nhiệm của các cơ quan, và cần có sự thay đổi trong suy nghĩ của các cấp quản lý, từ việc sử dụng sang bảo vệ động vật.
Các đề xuất bao gồm việc cấm hoàn toàn việc buôn bán động vật hoang dã được bảo vệ hoặc có nguy cơ tuyệt chủng ở trong và ngoài Trung Quốc, cấm nuôi và bán thịt từ những loài được xác định là có khả năng mang mềm bệnh tới con người như cầy hương, dơi và các loài gặm nhấm.