Đã nhiều ngày sau khi sự việc đau lòng xảy ra, cư dân chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh) vẫn còn nhắc nhiều về cái chết của bé V.A. (8 tuổi) trên các diễn đàn cũng như các cuộc trò chuyện dưới sảnh.
Chị Ngọc (42 tuổi, nội trợ) sinh sống tại đây đã được nhiều năm và đến giờ vẫn cảm thấy đây là chuyện khó tin.
Nhiều cư dân ở các chung cư tại TP.HCM cũng đau xót trước sự ra đi của cô bé xấu số. Thực tế, một số người vì ưu tiên lối sống riêng tư nên lựa chọn im lặng khi nghe những âm thanh lạ từ nhà hàng xóm hay chứng kiến bạo hành.
Sau sự việc thương tâm này, nhiều người đã nhắc nhở nhau cùng lên tiếng.
"Mong mọi người để tâm và lên tiếng"
“Tôi cũng làm mẹ và hiểu được những nỗi đau mà mẹ bé phải chịu. Đứng chứng kiến lễ tưởng niệm của bé dưới sảnh chung cư cùng các cư dân vài hôm trước, mọi người ai cũng lặng đi, có người rơi nước mắt vì xót thương cho cô bé xấu số”, chị Ngọc nói.
Theo chị Ngọc, việc cô bé bị bạo hành thời gian dài nhưng hàng xóm cũng như ban quản lý không nắm rõ để kịp thời can ngăn có nhiều nguyên nhân.
Chung cư Saigon Pearl được xây dựng cách âm tốt. Nếu căn hộ đóng cửa, chỉ khi khoan đục hay la hét lớn thì người ở cạnh căn hộ mới có thể nghe thấy.
Bên cạnh đó, mỗi cư dân chỉ có thẻ thang máy thuộc tầng của mình. Trong trường hợp không ở cự ly gần, họ khó xác định được căn hộ nào có tiếng khóc trẻ con.
“Cách mà các cư dân hay làm nhất khi nghe căn hộ khác có tiếng ồn chính là báo lễ tân hoặc ban quản lý. Khi đó, những người có chức năng sẽ lên làm việc. Nội quy chung cư có quy định lập biên bản khi căn hộ để rác không đúng chỗ, gây cháy nổ, nuôi động vật trái phép, gây ồn,…”, chị Ngọc tiếp lời.
Tuy vậy, với trường hợp nghi ngờ có bạo hành cũng là điều khó xác định. Dịch bệnh khiến trẻ con chung cư không đi ra ngoài, không đến trường, không chạy xe hay chơi đùa dưới sảnh chung cư nên mọi người không nhìn thấy những dấu vết bầm hay dấu hiệu sức khỏe bất thường từ cơ thể bé V.A..
“Khó ai tin được ở nơi văn minh tại chung cư lại xảy ra cảnh tượng đau lòng như vậy. Sau sự việc này tôi đã nhắn tin đến một số cư dân khác về tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để mọi người có thể gọi nhờ hỗ trợ nếu biết có bạo hành trẻ em”, chị Ngọc bày tỏ.
Chị L.T. (30 tuổi, kinh doanh) cho biết mình dọn về chung cư Saigon Pearl từ đầu năm 2021 cùng gia đình. Là mẹ của hai con nhỏ trong độ tuổi hiếu động nên chị rất quan tâm đến vấn đề môi trường sống.
“Trước khi quyết định chọn mua căn hộ, tôi hỏi qua ý kiến nhiều người bạn và tham khảo các ý kiến trên mạng. Ban quản lý cũng như bảo vệ thân thiện, có thiện chí khi giải quyết các vấn đề của cư dân”, chị T. kể.
Vào tối ngày bé V.A. xảy ra chuyện, chị T. cùng chồng, con đang dùng bữa ở nhà. Lúc nghe tin, một cảm giác bất lực trỗi dậy trong chị, đặc biệt hơn khi chị nhận ra người mẹ kế này từng tiếp xúc với con chị vài lần trước đây.
Ở chung cư, nhiều khi nghe con người ta khóc nhưng chị T. không biết là phòng nào vì không rõ trên dưới trái phải. Chỉ khi đụng chuyện như này, bản thân mới xâu chuỗi lại sự việc.
“Sau câu chuyện này, tôi nghĩ các hộ gia đình gần nhà bé V.A. sẽ là những người day dứt nhất. Sự việc này cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh, mong rằng mọi người sẽ để tâm và lên tiếng khi thấy những trường hợp trẻ em bị bạo hành trong chung cư nói riêng và ngoài xã hội nói chung", chị T. bày tỏ.
Tâm lý ngại can thiệp
Theo quan sát, khuôn viên chung cư Saigon Pearl khá rộng rãi và chia thành 2 khu. Từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào cổng chính, một số hàng quán dưới sảnh chung cư đã hoạt động lại và rất đông người dân tới ăn uống.
Tại khu vực trước tòa nhà Topaz 2, nơi gia đình bé A. sinh sống thì vắng vẻ hơn. Phần lớn diện tích phía trước sảnh chung cư dung làm bãi đỗ ôtô. Đội ngũ bảo vệ luôn túc trực, shipper thường xuyên tới để giao đồ, thỉnh thoảng mới có vài cư dân đi lại.
Sinh sống lâu năm tại chung cư Saigon Pearl, cư dân N.L.N. nhìn nhận nơi đây có nhiều căn hộ là khách thuê ngắn hạn chứ không phải cư dân.
Việc này là một trong những nguyên nhân khiến mối liên kết của các cư dân có phần hạn chế. Hơn nữa, vì tôn trọng cuộc sống riêng tư nên cư dân có tâm lý ít can thiệp vào cuộc sống cá nhân của mỗi gia đình.
Ngoài ra, các căn hộ được thiết kế biệt lập và cách âm tốt, cư dân khác tầng sẽ khó nghe được tiếng khóc trẻ con nếu nhà khóa chặt cửa.
“Giả sử nghe tiếng khóc trẻ con thì mọi người sẽ nghĩ đến việc trẻ quấy khóc hay đùa nghịch bị mẹ mắng. Phía ban quản lý họ chỉ can thiệp những sự việc liên quan đến nội quy cư dân, chứ không thể xâm phạm vào gia cư của người khác. Thật sự người mẹ kế phần con đã lấn át phần người mới có thể bạo hành con bé như vậy”, anh N. bày tỏ.
Theo anh N., bạo hành trẻ em là một vấn đề không của riêng ai. Nếu nghi ngờ có bạo hành xảy ra, mong mỗi người hãy góp một tiếng nói để giúp những em bé yếu thế.
Chị Trang Đào (cư dân TP Thủ Đức) cho hay bản thân lựa chọn ở chung cư thay vì nhà mặt đất vì lựa chọn tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân, ngại đụng chạm và can thiệp vào việc riêng của hàng xóm.
Tuy vậy, sau cái chết đau lòng của bé V.A., thì chị Đào nhận thấy việc nói lên tiếng nói cá nhân, phản ánh đúng lúc là cần thiết. Việc này có thể giúp được cuộc sống, tương lai của một con người.
“Sau này khi chứng kiến có bạo hành tôi sẽ báo ngay bạn quản lý để ghi nhận vụ việc, thậm chí báo công an khu vực vào cuộc. Họ là những người có chức trách để giúp những người yếu thế hơn.
Khi lực lượng chức năng chưa có mặt, chúng ta có thể can thiệp kịp thời nhằm bảo vệ những đứa trẻ. Phải làm mọi cách để bảo vệ trẻ con chứ không thể thờ ơ đứng ngoài cuộc được”, chị Đào bày tỏ.
Sau khi du học về, chị Anh Nguyễn (27 tuổi, cư dân The Gold View, quận 4) dọn ra ở riêng, thậm chí thuê căn hộ chung cư để sống một mình.
“Việc tự chủ trong cuộc sống đối với tôi rất quan trọng. Hoặc do từng có thời gian sinh sống ở nước ngoài nên mình cảm thấy ra riêng là cách dạy mình lớn lên lại giúp tránh những xung đột xảy ra khi ở với gia đình”, Anh Nguyễn nhận xét.
Tuy nhiên, chị Anh Nguyễn lại nhìn thấy vài bất lợi từ việc sống ở chung cư như cách âm kém. Dù ở trong nhà nhưng đôi lúc chị lại nghe tiếng ồn, con nít ở nhà hàng xóm khóc.
Đỉnh điểm, chị từng chứng kiến cảnh hàng xóm khu mình ở đánh con. Ông bố đánh đến mức đứa trẻ hoảng loạn chạy ra ngoài cầu cứu mọi người. Không ai dám can ngăn cũng như mở cửa cho đứa bé vào.
Anh Nguyễn kể: “Thật sự lúc đó tôi chỉ biết bấm số gọi công an, đường dây nóng 111 với hy vọng họ sẽ xuống nhanh nhất có thể. Nhưng không ai bắt máy. Qua câu chuyện bé V.A., tôi biết bản thân mình cần dũng cảm hơn khi đối mặt với những vấn đề bạo hành này”.
Trong chiều 29/12, một số cư dân ở chung cư Saigon Pearl đã treo băng rôn kêu gọi hành động khi nghe tiếng khóc trẻ em, nhắc nhở nhau yêu thương con trẻ và đề nghị xử lý nghiêm vụ việc của bé V.A.
Trước đó, đại diện chung cư Saigon Pearl đã viết thông cáo báo chí cho biết họ không nhận được phản ánh gì từ đơn vị bảo vệ về việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành. Ban quản lý chung cư này đang làm việc với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Ngày 28/12, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội Hành hạ người khác.
Qua điều tra, công an xác định bé V.A. sống cùng với cha ruột và Trang tại block Topaz 2, chung cư Sài Gòn Pearl. Trong thời gian sinh sống, bé V.A. bị Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập trong thời gian dài.
Cảnh sát cho rằng Trang đã hành hạ bé V.A. khiến nạn nhân tử vong ngày 22/12, trước khi được đưa vào viện.
Lãnh đạo thành phố giao Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra làm rõ sự việc, xử lý nghiêm các cá nhân liên quan.
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, bày tỏ sự đau buồn trước việc bé gái 8 tuổi tử vong do bị bạo hành. Bà kêu gọi cần hệ thống mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.