Thủ lĩnh băng đảng Jimmy Chérizier và các thành viên G9 ở Port-au-Prince. Ảnh: AP. |
“Điều quan trọng là cần xem xét chúng ta có thể đẩy nhanh tiến trình như thế nào, và đảm bảo chúng ta có thể chặn các băng nhóm có vũ trang tiếp cận các hoạt động. Nếu không nhanh chóng làm điều này, chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ kiểm soát toàn bộ đất nước”, Guardian dẫn lời Đại sứ Haiti tại Mỹ Bocchit Edmond cho hay.
“Nếu viễn cảnh này xảy tới, sẽ không có lợi cho tất cả nước láng giềng của chúng tôi”, ông Edmond nói thêm.
Các băng nhóm có vũ trang tại Haiti đã phong tỏa cảng nhiên liệu chính của nước này, khiến hoạt động phần lớn đất nước ngưng trệ và gián đoạn các dịch vụ thiết yếu, trong bối cảnh cả nước bùng phát dịch tả và nạn đói trên diện rộng.
Liên Hợp Quốc cho hay 96.000 người Haiti đã buộc phải rời bỏ nhà cửa để trốn thoát khỏi bạo lực.
Ông Edmond đưa ra lời kêu gọi trong bối cảnh nghị quyết ủng hộ thành lập lực lượng đa quốc gia không thuộc Liên Hợp Quốc nhằm tiêu diệt các băng đảng bị đình trệ.
Người điều khiển xe máy qua đoạn đường bốc cháy ở Port-au-Prince, Haiti, hồi tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Mỹ và Canada đã và đang có các cuộc đàm phán khẩn cấp để tìm cách phá vỡ thế bế tắc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho hay giải pháp hiện tại đang được đưa ra bàn luận có giới hạn và phạm vi, khi đây là “phái bộ không thuộc Liên Hợp Quốc, do một quốc gia đối tác dẫn đầu, cần có kinh nghiệm” để xử lý tình hình hiệu quả. Ông Price cho hay một số quốc gia đang làm việc với Mỹ về vấn đề này.
Nhiều ý kiến lo ngại việc can thiệp có thể khiến các quốc gia gửi quân bị kéo vào cuộc chiến kéo dài mà không có lối thoát rõ ràng. Trong khi đó, các nhà hoạt động xã hội Haiti cảnh báo điều này có thể làm trầm trọng hơn bạo lực mà không đưa ra giải pháp lâu dài.
Tuy vậy, Đại sứ Edmond khẳng định cần phải có giải pháp cho những trở ngại đó, khi nhìn vào tình hình nhân đạo tại quốc gia này.
Trước đó ngày 21/10, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua gói trừng phạt nhằm vào Jimmy Cherizier, thủ lĩnh băng nhóm hùng mạnh nhất tại Haiti, theo Reuters.
Mục Thế giới xin giới thiệu đến độc giả quyển “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.