Hai đứa trẻ phải rời bỏ nhà cửa do bạo lực băng nhóm tá túc trong một quảng trường ở thủ đô Port-au-Prince. Ảnh: Reuters. |
Được coi là quốc gia nghèo nhất ở Tây Bán Cầu, Haiti đã phải đối mặt với tình trạng mất ổn định triền miên trong hàng thập kỷ qua.
Dù vậy, trong những tuần gần đây, tình hình tại quốc gia này đã càng thêm tồi tệ sau khi một kho trung chuyển dầu quan trọng tại Haiti bị băng nhóm có vũ trang phong tỏa từ tháng 9, Reuters cho biết.
Do đó, Haiti phải đối mặt với tình trạng thiếu xăng dầu diện rộng, khiến giao thông vận tải ngưng trệ. Từ đó, tình trạng thiếu hàng thiết yếu - bao gồm cả nước sạch - xảy ra.
Nguyên nhân khủng hoảng
Vụ phong tỏa gây ra bởi một liên minh các băng nhóm có tên “G9”, lực lượng hoạt động ở thủ đô Port-au-Prince và vùng phụ cận. Lãnh đạo liên minh - Jimmy "Barbecue" Cherizier - là một cựu cảnh sát đã bị Mỹ trừng phạt do liên quan tới một vụ thảm sát năm 2018.
“Barbecue” và các lãnh đạo băng nhóm khác được coi là “chính quyền trên thực tế” ở nhiều khu vực, bao gồm Cite Soleil - một thị trấn ven biển nằm ở ngoại ô Port-au-Prince, nơi ghi nhận tình trạng bạo lực băng nhóm tăng mạnh kể từ đầu năm nay. Đây cũng được coi là địa điểm khởi nguồn của dịch tả chết người đang càn quét Haiti.
Hôm 12/9, nhóm G9 đào chiến hào quanh lối vào trạm trung chuyển xăng dầu Varreux để phản đối quyết định cắt giảm trợ cấp xăng dầu của chính phủ do Thủ tướng Ariel Henry đứng đầu.
Thủ lĩnh “Barbecue” tuyên bố quyết định này sẽ gây tổn hại tới lợi ích của người dân Haiti. Trong một video được chia sẻ trực tuyến vào tháng 10, ông yêu cầu Thủ tướng Henry từ chức.
Tác động của vụ phong tỏa
Tình trạng thiếu hụt xăng dầu đã khiến hầu hết hoạt động kinh tế tại Haiti bị đình trệ.
Các bệnh viện hoặc phải đóng cửa, hoặc phải hạn chế hoạt động vì không có đủ dầu diesel để chạy máy phát điện, trong bối cảnh điện lưới ở Haiti có thể bị cắt bất cứ lúc nào.
Liên Hợp Quốc tuyên bố Haiti đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng, với hơn bốn triệu người (trong tổng số gần 12 triệu dân) bị mất an ninh lương thực trầm trọng.
Khi sự bất mãn của người dân đang tăng lên, các cuộc biểu tình chống chính phủ đôi lúc đã biến thành cướp phá. Các vụ đấu súng trong khu dân cư diễn ra liên miên, đôi khi là giữa băng đảng và cảnh sát, đôi khi là giữa các băng đảng đối thủ.
Các băng nhóm cũng coi bạo lực tình dục - bao gồm với cả trẻ em và người cao tuổi - là công cụ để duy trì sự sợ hãi trong dân chúng, Liên Hợp Quốc cho biết.
“Trong 20 năm làm việc tại Haiti, chúng tôi chưa từng thấy điều gì như vậy”, bà Fiammetta Cappellini, đại diện tại Haiti của tổ chức phi chính phủ Avsi Foundation, nói với Guardian. “Bạo lực ở khắp mọi nơi, tác động tới mọi người. Những người dễ bị tổn thương nhất đang phải vật lộn sống qua ngày vì không thể tiếp cận hàng cứu trợ nhân đạo”.
Trong khi đó, dịch tả cũng đang hoành hành trở lại tại Haiti, các tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực y tế cho biết. Nhà tù quốc gia tại thủ đô Port-au-Prince là trung tâm lây bệnh, khiến ít nhất 14 phạm nhân thiệt mạng.
Phản ứng từ quốc tế
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hồi đầu tháng 10 đã đề xuất thành lập một “lực lượng phản ứng nhanh” để đối phó với băng nhóm và mở lại kho chứa dầu.
Trong khi đó, Mỹ và Mexico hôm 17/10 đề xuất thành lập một phái bộ an ninh để lập lại trật tự tại Haiti được dẫn dắt bởi một “nước đối tác”, nhưng không tiết lộ danh tính quốc gia này.
Những đề xuất này được đưa ra sau khi chính phủ Haiti yêu cầu cộng đồng quốc tế gửi một “lực lượng vũ trang đặc biệt” để giúp đỡ họ giải quyết khủng hoảng.
Một số quốc gia như Mỹ và Canada đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Haiti, nhưng chưa chính thức đề nghị gửi quân. Hai quốc gia này cũng đã gửi các phương tiện thiết giáp tới Haiti để giúp lực lượng nước này tăng cường năng lực, AP cho biết.
Trong khi đó, Bahamas thậm chí tuyên bố sẵn sàng gửi quân tới Haiti nếu được Liên Hợp Quốc hoặc Cộng đồng Caribe (CARICOM) đề nghị.
Tuy vậy, nhiều quốc gia lo ngại về mặt tiêu cực của một cuộc can thiệp quân sự. Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hoạt động tại Haiti trong giai đoạn 2004-2017 từng đối mặt chỉ trích về nhiều vấn đề, bao gồm vai trò của họ trong một đợt bùng phát dịch tả chết người.
Vấn đề nan giải
Không chỉ G9, nhiều băng nhóm khác tại Haiti đã mở rộng quyền kiểm soát trên khắp lãnh thổ nước này kể từ sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise hồi năm 2021.
Vụ ám sát có sự tham gia của lính đánh thuê Colombia này đã tạo ra khoảng trống quyền lực tại Haiti. Kể từ thời điểm đó, ông Henry đã cầm quyền với tư cách tổng thống kiêm thủ tướng lâm thời của đất nước.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính tại Haiti đã xảy ra từ trước vụ ám sát ông Moise. Nước này đã không thể tổ chức các cuộc bầu cử vào năm 2019 như dự kiến. Quốc hội nước này cũng không còn hoạt động vì nhiệm kỳ của các nghị sĩ đã hết hạn. Dù vậy, ít người tin rằng họ có thể tổ chức bầu cử trong tương lai gần.
“Mọi cấp chính quyền đều không có chính sách rõ ràng và khả năng quản trị”, ông Judes Jonathas, quản lý chương trình tại Haiti của tổ chức Mercy Corps, nói. “Mọi cơ cấu cần thiết để giải quyết các vấn đề của đất nước đều đã suy yếu”.