Đại gia 76 tuổi Lê Ân dùng 2.000 tỷ đồng làm từ thiện
Ngày 31/5, trong sinh nhật lần thứ 76, Chủ tịch HĐQT công ty Lê Hoàng (Bà Rịa - Vũng Tàu) - đại gia Lê Ân - đã công bố việc chuyển giao 14 loại tài sản, chủ yếu là những biệt thự cao cấp, nhà lầu, bất động sản tại Vũng Tàu, TP.HCM cho Quỹ từ thiện Lê Ân. Từ đây, giá trị tài sản thuộc Quỹ từ thiện Lê Ân có giá trị lên tới 2.000 tỷ đồng, được sử dụng để kinh doanh và trích lợi nhuận làm từ thiện.
Số tiền trên dùng để hỗ trợ cho trẻ em bất hạnh, người già neo đơn, tặng nhà, xây cầu, thậm chí mua quan tài và đất để chôn cất những người xấu số. Trước đó, ông Lê Ân từng sắm siêu giường giá 6 tỷ đồng và cùng vợ dẫn các trẻ em bất hạnh chiêm ngưỡng chiếc giường ngay khi nó vừa được chuyển về Việt Nam. Vợ chồng ông cũng từng ngỏ ý nhận nuôi một bé gái bị cha dượng bạo hành, nhưng chưa được chấp nhận.
Nghề câu cua núi mùa mưa của người miền Tây
Vào mỗi mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch, nhiều người dân miền Tây lại đi săn cua núi, loài cua cạn có giá trị kinh tế cao, không chỉ là đặc sản cho dân nhậu miền Tây mà còn là món ăn chuyên trị bệnh còi xương cho trẻ. Mỗi ngày, một người đi câu có thể thu hoạch từ 1-4kg cua, với giá bán khoảng 120.000 đồng/kg.
Dù mang lại thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, song công việc săn cua núi khá vất vả. Người đi săn phải leo lên đỉnh núi, đổ dốc hơn 2 km toàn đường mòn, sau đó gửi xe, đi bộ xuống triền núi. Mồi câu cua là những sợi thun buộc trên đầu cây trúc. Do cua núi rất khỏe và hung hăng nên trúc, tre làm cần câu phải thật già, để chống cua bẻ cần chạy tháo thân.
Những thợ săn cua núi mùa mưa tại ấp Thiên Tế cũng truyền nhau kinh nghiệm, cua trong hang phần lớn là cua cái. Loại này có kích thước và chất lượng kém hẳn cua đực. Tuy vậy, cua đực thường trầm mình dưới nước nên để tìm được, thợ săn cần có kinh nghiệm.
2,5 triệu đồng/kg tỏi đen Lý SơnVốn là vị thuốc có nguồn gốc từ Nhật Bản, tỏi đen hiện được rao bán nhiều trên thị trường Việt Nam với nguồn cung từ hàng nhập khẩu và sản phẩm tự lên men trong nước. Tuy có chất lượng tương đương, nhưng giá các sản phẩm này có sự chênh lệch khá lớn.
Cụ thể, giá mỗi kg tỏi đen thường của Việt Nam (loại nhiều nhánh, sản xuất từ tỏi Lý Sơn, Phan Rang hoặc Hải Dương) dao động 1,2 triệu tới 1,5 triệu đồng/kg. Riêng loại được sản xuất từ tỏi một nhánh (tỏi cô đơn) nổi tiếng của Lý Sơn có giá tới 2,5 triệu đồng/kg, và thường được đóng gói nhỏ chỉ 125g. Trong khi đó, giá tỏi nguyên tép nhập khẩu dao động từ 3-5 triệu đồng/kg, còn mỗi hộp nước ép (60mlx30 gói) là 1,5 triệu đồng.
Chi phí sản xuất tỏi đen khá lớn, khoảng 700 - 800 triệu đồng để ra một tấn tỏi thành phẩm. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu thiếu là khó khăn để các doanh nghiệp Việt tiếp cận sản xuất sản phẩm này. Giá tỏi một nhánh Lý Sơn khá cao, nhưng mỗi năm người dân chỉ trồng một vụ, mỗi hộ chỉ thu được vài kg. Vì vậy, nguyên liệu để lên men tỏi đen rất hiếm, đó cũng là lý do khiến giá tỏi một nhánh Lý Sơn lại đắt hơn nhiều so với sản phẩm thường.
Chi tiền tỷ dựng phim trường chụp ảnh cưới tại Sài GònTại TP.HCM, gần đây khá nhiều phim trường chụp ảnh hàng tỷ đồng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu của giới trẻ với mốt chụp hình cưới theo phong cách nước ngoài. Mỗi ngày, một phim trường tiếp trung bình 10 đến 20 lượt khách. Giá chụp ảnh giới hạn ê kíp 5 đến 6 người là 700.000 đến 800.000 đồng/giờ, quay phim là 3 triệu đồng/giờ.
Phim trường được xây dựng chủ yếu bằng các vật liệu nhẹ, dễ tháo dỡ để tiện thay đổi cấu trúc theo gu của khách hàng. Theo một chủ đầu tư, chỉ cần 2 tháng là có thể hoàn thiện một phim trường dạng này. Mức chi phí đầu tư cho một phim trường rộng khoảng 1.200m2 là khoảng 2 tỷ đồng, chưa kể phí thuê đất vài chục triệu mỗi tháng.
Ảnh chụp trong phim trường sẽ không bị ảnh hưởng bởi nắng mưa thất thường. Tuy nhiên, để chụp được một bộ ảnh cưới ưng ý, các cặp đôi này cũng tốn không ít chi phí. Nếu là thợ chuyên nghiệp, đã quen góc chụp thì chỉ cần 60 đến 90 phút là có thể chụp xong một bộ ảnh đẹp. Tuy nhiên, với người chưa có kinh nghiệm thì phải mất vài giờ cũng chưa chắc có ảnh như ý muốn, nên các cặp đôi ngoài mất vài triệu tiền thuê phim trường còn mất cả tiền thuê thợ, làm album...., có khi chi phí lên đến hơn chục triệu đồng.
Bánh truyền thống của Trung Quốc bị 'cấm cửa' ở 20 nướcCục kiểm định xuất nhập cảnh và kiểm dịch Bắc Kinh cho biết, vì một số bánh truyền thống Zongzi của Trung Quốc nhân thịt, hay còn được gọi là bánh bao gạo, có nguy cơ mang virus như cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng. Vì vậy, nhiều nước và vùng lãnh thổ bao gồm cả Đức và Pháp đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu bất kỳ loại bánh Zongzi nào của Trung Quốc. Mới đây nhất, sáu quốc gia, bao gồm Australia, New Zealand và Anh đã cấm nhập khẩu bánh Zongzi nhân thịt hoặc lòng đỏ trứng gà.
Zongzi là một loại bánh một loại bánh bọc bột gạo. Đây là món ăn truyền thống của Trung Quốc phục vụ trong lễ hội Duanwu, hoặc Lễ hội Thuyền Rồng, thường được tổ chức vào ngày thứ năm của tháng thứ năm âm lịch hàng năm tại Trung Quốc.