Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người miền Tây nuôi sâu lạ như thế nào?

Không ít nông dân miền Tây đã mở trang trại nuôi sâu gạo và thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Việc sâu gạo bị cấm nuôi tại một số địa phương khiến người dân khá bất ngờ.

Nhiều nông dân miền Tây vài năm gần đây có thu nhập ổn định từ nuôi sâu gạo cung ứng ra thị trường làm thức ăn cho chim, cá cảnh. Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, loài sâu này là từng được dự đoán sẽ soán ngôi hầu hết thực phẩm trong tương lai để trở thành món ăn chính của loài người.
Trại nuôi của anh Nguyễn Hữu Thanh, ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, An Giang xuất bán mỗi tháng thu lãi trên 15 triệu đồng.
Với 2 trại nuôi, mỗi trại hơn 50 khay, hàng ngày anh Thanh bán từ 6 đến 8 kg sâu. Mức giá sỉ hiện là 90.000 đến 120.000 /kg, (tùy thuộc vào khoảng cách vận chuyển). Bên cạnh đó anh Thanh còn làm đầu mối thu gom của 24 hộ ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bình quân khoảng 200 kg sâu mỗi ngày để cung ứng cho các điểm bán chim, cá cảnh khắp miền Tây, TP.HCM.
Ngoài nuôi sâu thương phẩm, anh Thanh còn duy trì trên 6.000 con bọ giống chuyên sinh sản trứng sâu gạo.
Sau khi bọ giống sinh sản, trứng sẽ được để trong khây riêng có trộn với trấu, cám gạo, giúp nhanh nở ra sâu con.
Sau 10 ngày trứng nở thành sâu con nhỏ hơn đầu tăm.
Người nuôi cho biết, sâu từ 45 đến 50 ngày tuổi là thời điểm lý tưởng có thể xuất bán. 1 kg sâu khoảng 1.200 con.
Theo anh Thanh, nuôi sâu gạo tuy không tốn nhiều vốn, diện tích nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ thuật. Mỗi ngày anh cho sâu ăn một lần vào buổi sáng và thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển, sinh sản của bọ, trứng và sâu con.
Thức ăn cho sâu gạo khá đa dạng nhưng không tốn nhiều. Để nuôi 1 kg sâu gạo chỉ cần  250 gr thức ăn công nghiệp (loại cho gà,  chim...) và cho thêm các bữa phụ như củ sắn và bánh mì... Điều quan trọng nhất là phải luôn giữ nhiệt độ cố định từ 28-29 độ C.
Người nuôi sâu gạo chia sẻ: "Công việc này ai cũng làm được, chi phí lại thấp, chỉ cần mua con giống, dụng cụ nuôi (chủ yếu là thau, khay nhựa). Điều đặc biệt là vòng đời nuôi ngắn, đầu ra ổn định nên mô hình này rất phù hợp với hình thức chăn nuôi trong gia đình. Nhiệt độ miền Nam  thích hợp nên nghề này mang lại thu nhập cao so với nuôi những loài khác".
Anh Thanh cho biết, nuôi sâu gạo nhiều năm nay, anh chưa thấy sâu hay bọ giống bay ra ngoài phá hoại mùa màng. Theo chu kỳ, con bọ giống sau 2 tháng đẻ hết trứng sẽ tự động chết.

Theo các cơ quan chức năng, việc cấm nuôi sâu gạo xuất phát từ thực tế loài này ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi, có thể gây nguy hại cho mùa màng.

Ngọc Trinh

Bạn có thể quan tâm