Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nuôi bất ngờ vì thông tin cấm sâu gạo

Thường được gọi với tên sâu gạo, Super Worm được nhân nuôi rộng tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, mang lại thu nhập tốt trước khi bị cấm.

Là loài sâu được nuôi nhiều tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, chủ yếu làm thức ăn cho chim, cá cảnh và một số loại cá giống, sâu gạo (tên khoa học là Super Worm) được nuôi nhiều ở Việt Nam từ năm 2010. Sau hơn 4 năm với hàng ngàn hộ nuôi, chủ yếu tập trung tại các tỉnh Trung và Nam Bộ, từ ngày 14/5 vừa qua, hàng loạt chi cục Bảo vệ thực vật các tỉnh đưa ra khuyến cáo cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo.

Ngoài Lâm Đồng, các tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long cũng đã có thông báo chính thức về sự việc này. Theo ông Nguyễn Công Tú, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, đây là khuyến cáo chung của Cục bảo vệ thực vật gửi các địa phương. Chi cục Đồng Nai đang chỉ đạo điều tra các cơ sở nuôi loài này và tiến hành xử lý. Ông Tú cũng cho hay, người dân nuôi sâu gạo này hoàn toàn tự phát, không hỏi ý kiến chuyên môn và địa phương cũng không khuyến khích nuôi.

Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, sâu gạo có thể gây hại cho môi trường, trong khi người nuôi khẳng định loài này khó phát tán và khó sống trong điều kiện ngoài trời.
Tuy nhiên, nhiều người nuôi tại An Giang lại thấy bất ngờ với thông tin này. Anh Nguyễn Hữu Thanh, một người nuôi sâu gạo từ năm 2012, và đang có thu nhập tốt từ loài này, cho biết, khi bắt đầu nuôi, anh đã có văn bản trình bày, gửi ảnh cho ngành nông nghiệp của địa phương (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, tỉnh An Giang). Địa phương cũng đã cấp giấy phép để gia đình nuôi và cung ứng sâu gạo ra thị trường.

"Tôi và 40 hộ nuôi khác cũng đã nhận được thông tin về văn bản cấm nhân nuôi, phóng thích sâu gạo của các địa phương, nhưng kết luận sâu gạo gây hại cho nông nghiệp là không có căn cứ. Bởi hiện nay chưa có văn bản chính thức nào chứng minh được loài vật này gây ảnh hưởng đến môi trường".

Anh Thanh cũng cho biết, sâu gạo có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thức ăn chủ yếu của chúng là lá cây, một số loại thực vật. Trứng sâu này rất khó sống trong môi trường tự nhiên vì phải đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Ngoài ra, Super Worm không biết bay, nên khả năng phát tán của chúng rất thấp.

"Sâu gạo được dùng làm thức ăn để nuôi cá cảnh, chim cảnh, cá giống, thậm chí làm đồ nhậu với mức giá rất cao. Giá bỏ sỉ thường là 120.000 đồng/kg, còn đến tay người mua lẻ phải là 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Nguồn cầu của sâu gạo cũng có ở Việt Nam, cơ sở của tôi còn bán trực tiếp cho người dùng thay vì qua trung gian, chứ không phải chỉ bán cho các đầu mối để xuất khẩu hay làm gì khác mà người nuôi không biết", anh Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo thông tin từ Cục bảo vệ thực vật, Super Worm (Zophobas morio) là một loài bọ cánh cứng thuộc họ Tenebrionidae. Ấu trùng của chúng còn được gọi là sâu gạo, có kích thước 50-60mm. Chúng thường dùng làm thức ăn cho chim cảnh và cá rồng. Super Worm là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn và có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Chúng chưa có tên trong “Danh sách vật nuôi nông nghiệp tại Việt Nam” và có nguy cơ gây hại đến sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Vì vậy, việc nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Super Worm là hành vi vi phạm pháp luật.

Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cho biết, đơn vị, cá nhân nào nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm (Zophobas morio) mà không được Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho phép bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng. Còn ông Nguyễn Công Tú cho hay, không giống như câu chuyện về gián đất trước đó, loài này không được địa phương khuyến khích nuôi nên sẽ không có chuyện hỗ trợ cho người nuôi tự phát nếu có thiệt hại.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm