Chỉ có thể sống và phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ từ 21-27 độ C, rất dễ tổn thương khi bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc gặp thời tiết quá ẩm, lạnh, sâu gạo (còn được gọi là Super Worm) được nuôi nhiều tại các khu vực có nhiệt độ cao và ổn định quanh năm. Có nguồn gốc từ Nam Mỹ, loài sâu này là nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp sản xuất thức ăn dành riêng cho chim, cá cảnh, và từng được dự đoán sẽ soán ngôi hầu hết thực phẩm trong tương lai để trở thành món ăn chính của loài người.
Du nhập vào Việt Nam từ gần 10 năm, nhưng sâu gạo chỉ trở nên phổ biến từ năm 2010, khi mô hình nuôi loài này được nhân rộng tại các tỉnh thuộc khu vực Trung và Nam Bộ. Với đặc điểm thích khí hậu nóng, loài sâu này đang là hướng thoát nghèo của nhiều người dân miền Tây Nam Bộ.
Sâu gạo từng được nghiên cứu để trở thành thực phẩm cho con người. |
Giá sâu gạo bán buôn cho đầu mối dao động từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng, riêng giá bán lẻ thường là 200.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Chứa nhiều chất béo, chất đạm và canxi, loài này được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chim, cá cảnh, thậm chí cả cá giống. Theo khá nhiều người nuôi chim, cá cảnh, sâu gạo là thức ăn được liệt vào hàng cao cấp, và ngày càng được ưa chuộng ở Việt Nam. Khi vận chuyển, sâu được cho vào hộp ức chế nhiệt, nhằm ngăn chặn việc nhộng sau biến đổi thành côn trùng và giữ được tối đa lượng dinh dưỡng.
Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2012 của các nhà khoa học Hà Lan cho rằng, sâu gạo sẽ nhanh chóng thay thế các loại khác để trở thành nguồn cung protein chính cho loài người trong tương lai. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, nuôi sâu gạo chỉ chiếm 10% diện tích đất so với nuôi bò, 30% diện tích của nuôi lợn, 40% diện tích dành nuôi gà, trong khi mức cung cấp chất đạm của loài sâu này lại cao tương đương với các loại thực phẩm trên. Brian Fisher - nhà côn trùng tại Viện hàn lâm khoa học Califfornia từng cho rằng, nếu con người có thể ăn được sushi thì việc ăn côn trùng cũng tương tự như thế. "Hơn nữa, mọi người không cần thiết phải ăn trực tiếp côn trùng, chúng ta có thể nghiền nát và sử sụng như một thực phẩm bổ sung giàu protein".
Trước khi có quy định cấm chăn nhân nuôi, phóng thích sâu gạo, nhiều người dân tại An Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai đã có thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng từ nghề này. Vì thức ăn của sâu gạo rất dễ kiếm, là tất cả các loại thực vật, thậm chí cả cá chết, nên việc nhân nuôi rất dễ dàng. Thông thường, sâu gạo được nuôi trong khay nhựa hoặc khay nhôm, chúng khó có thể thoát ra ngoài vì không có khả năng cất cánh từ mặt đất.
Theo nhiều hộ dân nuôi sâu gạo ở An Giang, vốn ít, vòng đời ngắn, đầu ra ổn định là nguyên nhân khiến mô hình nuôi loài sâu này phù hợp với hình thức chăn nuôi trong gia đình. "Không có tài liệu nào chứng minh rằng sâu gạo có thể phá hoại môi trường hoặc mùa màng. Tên của loài sâu này có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng chúng phá hoại thóc lúa, nhưng thực chất không phải vậy. Nếu đặt một bông lúa lên những con sâu này, bạn sẽ thấy bông lúa không hề bị tổn hại gì", anh Nguyễn Hữu Thanh, chủ hai trang trại nuôi sâu gạo ở An Giang cho hay.