Trước kia, khi đường lên núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) còn chưa thuận tiện, loài cua núi chưa được nhiều người biết đến. Nhưng từ khi đường mở, giao thông dễ dàng, ngày càng có nhiều người tìm mua món đặc sản này, trong đó có khách du lịch. Có cầu thì có cung, nhiều nhà hàng sang trọng cũng săn đón cua núi Cấm để bán cho thượng khách. Giá bán vì thế cũng tăng mạnh. Mức phổ biến là 70.000-80.000 đồng/kg. Vào những ngày cuối tuần, giá tăng lên 120.000-140.000 đồng. Đội săn cua chuyên nghiệp cũng hình thành nhờ đó.
Cua núi chỉ xuất hiện trong những tháng mùa mưa. Người dân tranh thủ săn loài này để phục vụ cho các nhà hàng, quán nhậu. Ảnh Ngọc Trinh. |
Anh Nguyễn Thanh Sang, ở ấp Thiên Tế, xã An Hảo có hơn 4 năm trong nghề săn cua núi, cho biết, loài này có nhiều vào mùa mưa, thường từ tháng 4 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Lúc đó, cua bò từ hang ra các suối mát để tìm mồi. Anh Sang nói thêm, thời điểm này, mưa chưa nhiều nên hàng ngày, anh đến các hang suối tìm câu cua.
Số cua kiếm được bình quân mỗi ngày khoảng1-2 kg, lúc nhiều lên đến 3-4 kg. Giá bán trên 120.000 đồng/kg nên mỗi ngày, anh bỏ túi khoảng 250.000 đồng. “Tôi câu cua về bao nhiêu cũng không đủ bán cho các quán nhậu và nhà hàng ở chân núi”, anh Sang cho biết, và chia sẻ, mấy năm nay lượng cua núi có phần giảm hơn các năm trước do nhiều người đi săn.
Tại ấp Thiên Tế, ông Võ Văn Đen (thường gọi là Sáu Đen, 54 tuổi) được biết đến là một trong những “nghệ nhân” săn cua núi bậc thầy. Ông Sáu cho hay, dù mang lại thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, song công việc săn cua núi khá vất vả.
Người đi săn phải leo lên đỉnh núi, đổ dốc hơn 2 km toàn đường mòn, sau đó gửi xe, đi bộ xuống triền núi. Mỗi chuyến săn cua của ông Sáu Đen bắt đầu vào lúc mặt trời chưa ló rạng. Mồi câu cua là những sợi thun buộc trên đầu cây trúc. “Ở khu vực ven suối, nơi nào cũng có thể tìm thấy cua, nhưng càng lên cao cua càng lớn”, lời ông Sáu. Đây là lý do những người thợ săn muốn bắt được cua to cần phải đi ngược lên đỉnh núi.
“Phải hết sức cẩn thận, cua núi hung hăng gấp trăm lần cua ở ruộng đồng bằng. Một khi nó đã kẹp rồi thì ‘trời gầm’ cũng không nhả”, ông Sáu Đen nói. Tuy hình dáng nhỏ hơn, nhưng cua núi có sức mạnh gấp 10 lần cua đồng. Nhiều khi cua đồng kẹp tay người còn bị rụng càng, nhưng cua núi thì không. Có con cua núi thậm chí còn kẹp đứt ngọt tầm vông để tẩu thoát. Do đó, kinh nghiệm nằm lòng của những người đi săn cua núi Cấm là chọn những cây tre thật già làm cần câu, để chống cua bẻ cần chạy tháo thân.
Giá cua núi Cấm An Giang thường dao động 70.000-80.000 đồng/kg và đội lên 120.000-140.000 đồng/kg vào những thời điểm khan hiếm. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Những thợ săn cua núi mùa mưa tại ấp Thiên Tế cũng truyền nhau kinh nghiệm, cua trong hang phần lớn là cua cái. Loại này có kích thước và chất lượng kém hẳn cua đực. Tuy vậy, cua đực thường trầm mình dưới nước nên để tìm được, thợ săn cần có kinh nghiệm. “Thường muốn bắt cua đực, chỉ cần tìm chỗ nào có nắng xuyên qua tán lá là gặp”, ông Sáu Đen tiết lộ. Nhìn thấy cua, chỉ cần quăng lưỡi câu là nó xông tới, lấy càng kẹp lưỡi câu. Lúc này, thợ săn cua chỉ việc nhấc lên, cho vào giỏ.
Mỗi ngày lùng sục ở khu vực các khe đá ẩm ướt gần khu vực lòng suối, người đi săn như ông Sáu Đen bắt được gần 2 kg cua. Bán với giá khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg, số tiền ông Đen thu về chỉ khoảng 200.000 đồng, mùa nào đắt mới được khoảng 250.000 đồng. “Bây giờ cua có phần hiếm dần, chứ năm trước, chỉ cần đi một vòng là có thể kiếm được cả bao cân nặng khoảng chục kg”, ông Sáu Đen chia sẻ. Thợ săn cua kỳ cựu ở vùng núi Cấm An Giang cũng nói thêm, không chỉ là đặc sản cho dân nhậu miền Tây, cua núi còn là món ăn chuyên trị bệnh còi xương cho trẻ.