Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đại biện Mỹ: Cộng đồng LGBTQI+ đang đối mặt nhiều thách thức

Nhân ngày quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển giới 17/5, đại biện lâm thời Mỹ chia sẻ với Zing về những nỗ lực thúc đẩy công bằng cho cộng đồng này.

cong dong LGBTQI+ anh 1

Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein bắt đầu buổi trao đổi với Zing vào sáng 14/5 bằng việc đánh giá cao thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.

Đại dịch ảnh hưởng đến mọi người, và LGBTQI+ (người đồng tính nữ, nam, người song tính, người chuyển giới, người đa giới tính và người liên giới tính) là một trong những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước cuộc khủng hoảng này.

“Tôi nghĩ rằng họ (cộng đồng LGBTQI+) phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến cơ hội việc làm”, đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam nói với Zing.

Đối với cá nhân ông Klein, ông "háo hức và vui mừng" chứng kiến lá cờ LGBTQI+ mới được treo tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội vào đúng ngày 17/5 - ngày quốc tế chống kỳ thị đồng tính và chuyển giới.

Đây được cho là động thái mang tính biểu tượng, đại diện cho nhiều chính sách của Đại sứ quán nói riêng, cũng như chính quyền Tổng thống Joe Biden nói chung, về ủng hộ sự đa dạng và hòa nhập.

Một lá cờ mới bao trùm hơn

- Ngày 17/5, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam treo lá cờ LGBTQI+. Ý nghĩa của lá cờ này là gì?

- Bắt đầu từ ngày 17/5, chúng tôi treo lá cờ Tiến bộ mới cho đến cuối tháng 6. Đây vẫn là lá cờ Tự hào truyền thống mà tất cả chúng ta đều biết và yêu quý.

Năm 2018, một nhà thiết kế đồ họa Mỹ tạo ra thiết kế mới có thêm họa tiết hình tam giác với màu xanh da trời, hồng, nâu và đen. Vạch nâu và đen đại diện cho người da màu. Vạch màu hồng và xanh da trời thể hiện sự ủng hộ đối với người chuyển giới.

Đối với riêng tôi và với chính phủ Mỹ, đây thật sự là biểu tượng của sự tôn trọng, quyền lợi và nhân phẩm.

Tôi rất mong được nhìn thấy lá cờ này tung bay bên ngoài Đại sứ quán và hy vọng sẽ được chụp ảnh bên nó.

cong dong LGBTQI+ anh 2

Đại biện Klein cầm trên tay thiết kế mới có tên Tiến bộ của lá cờ Tự hào truyền thống, biểu tượng của cộng đồng LGBTQI+. Ảnh: Quốc Đạt.

- Theo ông, đây có phải là dấu hiệu cho thấy chính quyền mới của Mỹ sẽ tăng cường thúc đẩy quyền và bình đẳng cho cộng đồng LGBTQI+?

- Chính quyền Tổng thống Biden đã tỏ rõ rằng nhân quyền sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong chính sách ngoại giao tổng thể của Mỹ, bao gồm quyền cho những người LGBTQI+.

Các bạn sẽ thấy chúng tôi chú trọng hơn vào lĩnh vực này. Chúng tôi rất mong đợi được cộng tác với Việt Nam để giúp ủng hộ quyền lợi của cộng đồng LGBTQI+ ở đây.

"Quốc gia trân trọng sự đa dạng là quốc gia thành công"

- Tổng thống Biden đã làm gì trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ để thúc đẩy quyền và bình đẳng cho cộng đồng LGBTQI+?

- Tổng thống đã có những bước đi rất rõ ràng. Trong những tháng đầu tiên sau khi nhậm chức, tổng thống đã tiến hành một loạt các biện pháp hành pháp, bao gồm hai văn bản đáng chú ý nhất.

Đầu tiên là Sắc lệnh hành pháp số 13988, yêu cầu cơ quan chính phủ không được từ chối tuyển dụng căn cứ vào xu hướng tính dục của ứng viên hay vì người đó có thể là người LGBTQI+.

Thứ hai là Biên bản ghi nhớ Tổng thống số NSM-4, có ý nghĩa về mặt ngoại giao quốc tế, chỉ đạo tất cả cơ quan chính phủ Mỹ ở nước ngoài cần đảm bảo rằng ngoại giao Mỹ và viện trợ của Mỹ dành cho nước ngoài sẽ thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của người LGBTQI+.

- Trong nội các của Tổng thống Biden, có hai vị trí cấp cao thuộc về người trong cộng đồng LGBTQI+ là Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg, và Thứ trưởng Bộ Y tế Rachel Levine. Đây có phải là tín hiệu cho thấy người LGBTQI+ sẽ có nhiều đại diện hơn trong chính phủ Mỹ?

- Tôi hy vọng là như vậy. Tôi nghĩ điều đó rất tuyệt vời, và có ý nghĩa rất quan trọng.

Hiện, Bộ Ngoại giao đã có viên chức cao cấp phụ trách riêng về đa dạng và hòa nhập là bà Gina Abercrombie Winstanley.

“Được cảm thấy thoải mái ở nơi làm việc là một quyền cơ bản của con người”.

Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein

Bà Winstanley có 12 nhân viên cùng ngân sách hoạt động lớn để xử lý các vấn đề có tính hệ thống của Bộ Ngoại giao trong việc tuyển dụng, thăng chức cho người da màu và cộng đồng bị thua thiệt, cộng đồng thiểu số nói chung, bao gồm người LGBTQI+.

- Theo quan sát của ông, cộng đồng LGBTQI+ gặp khó khăn gì khi làm việc trong chính phủ Mỹ? Điều gì khiến họ không muốn công khai giới tính thật của mình?

- Vấn đề này phần nào có liên quan đến lịch sử và là dấu hiệu cho thấy chúng ta vẫn còn việc phải làm. Khi làm việc ở Washington, tôi rất cố gắng để gỡ bỏ rào cản và giúp Bộ Ngoại giao Mỹ trở thành nơi làm việc thoải mái, chào đón, và hòa nhập.

Cá nhân tôi từng đóng vai trò liên lạc viên lãnh đạo cho các nhân viên đồng tính nam và nữ trong các cơ quan ngoại giao của Bộ Ngoại giao Mỹ. Bản thân tôi không thuộc cộng đồng LGBTQI+, nhưng tôi nghĩ việc những nhóm này có tiếng nói thông qua các lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ để vận động ủng hộ về vấn đề có ảnh hưởng tới họ là rất quan trọng.

Tôi hy vọng rằng sẽ có sự cởi mở hơn khi Mỹ tái chú trọng vấn đề đa dạng và ủng hộ người LGBTQI+ trong chính phủ. Được cảm thấy thoải mái ở nơi làm việc là một quyền cơ bản của con người, và tôi nghĩ điều đó có thể khiến người LGBTQI+ không còn che giấu bản dạng của minh.

cong dong LGBTQI+ anh 3

Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein trong buổi phỏng vấn với Zing ngày 14/5. Ảnh: Quốc Đạt.

- Theo ông, một quốc gia, một chính phủ sẽ có lợi ích gì khi thân thiện, cởi mở hơn với cộng đồng LGBTQI+?

- Tôi tin nếu bất kỳ bộ phận nào của xã hội cảm thấy bị gạt ra rìa, bị làm cho cảm thấy không có giá trị, điều này sẽ dẫn đến sự bất ổn và chia rẽ trong xã hội.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các đội ngũ đa dạng và cân bằng giới tính, với sự tham gia của người da màu và người LGBTQI+, là những đội ngũ thành công nhất.

Trong lĩnh vực tư nhân, đây là đội ngũ mang lại lợi nhuận cao nhất. Những đội ngũ như thế trong chính phủ cũng thường đổi mới hơn, sáng tạo hơn khi giải quyết các vấn đề.

Và tôi tin rằng điều này cũng đúng với một đất nước.

Những quốc gia trân trọng sự đa dạng là những quốc gia thành công nhất trên trường quốc tế. Việc cho phép mọi người có nhân phẩm của mình là điều đúng đắn và nhân đạo. Việc thiếu hụt nhân phẩm sẽ gây ra các vấn đề thực sự.

"Tình yêu nào cũng là tình yêu"

- Tháng 6 tới là tháng Tự hào, tháng rất quan trọng đối với cộng đồng LGBTQI+. Đại sứ quán có kế hoạch tổ chức sự kiện, dự án nào cho người LGBTQI+ tại Việt Nam hay không?

- Có thể cần xem xét để đáp ứng quy định phòng chống Covid-19. Nếu không thể tổ chức sự kiện vào tháng 6, tôi hy vọng có thể làm điều đó vào tháng 9, tháng Tự hào LGBTQI+ của Việt Nam.

Thông thường vào tháng 9, chúng tôi đóng góp tài chính cho các nhóm LGBTQI+, tổ chức các sự kiện tại Câu lạc bộ Mỹ, một địa điểm của chính phủ Mỹ tại Hà Nội.

"Việc cho phép mọi người có nhân phẩm của mình là điều đúng đắn và nhân đạo".

Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein

Sáng nay, chương trình PEPFAR của chúng tôi cũng nhận được phê duyệt cuối cùng từ các cơ quan liên bộ. PEPFAR là chương trình nhằm giúp chính phủ Việt Nam tập trung chống lại HIV trên toàn quốc và được chính phủ Mỹ hỗ trợ hàng chục triệu USD.

Tôi rất vui vì có thể cùng Việt Nam nỗ lực giải quyết vấn đề y tế thực sự ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng người đồng tính nam.

- Theo ông, có những rào cản vô hình nào mà cộng đồng LGBTQI+ ở Việt Nam đang phải đối mặt?

- Tôi thực sự tin rằng mọi xã hội, bao gồm Mỹ, cần cố gắng phá bỏ các rào cản, trong đó có rào cản liên quan đến luật pháp. Nhưng có một số bước đi cơ bản mà người dân và chính phủ Việt Nam, cũng như độc giả Zing, có thể làm để phá bỏ rào cản.

Một là hãy trở thành đồng minh của người LGBTQI+ và thúc đẩy sự tôn trọng đối với họ...

Ngoài ra, việc phổ biến thông điệp về sức khỏe LGBTQI+ cũng rất quan trọng. Ở trên, tôi có nói về chương trình PEPFAR. Chính phủ Việt Nam cũng có chiến dịch sức khỏe với khẩu hiệu “Yêu mới khó, phòng tránh HIV chẳng nhằm nhò”. Mọi hoạt động chia sẻ thông tin về các chương trình nói trên đều mang ý nghĩa tích cực.

cong dong LGBTQI+ anh 4

"Chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi đạt được tiến bộ thực chất liên quan đến nhân phẩm và quyền lợi cho người LGBTQI+" - Đại biện lâm thời Mỹ tại Việt Nam Christopher Klein. Ảnh: Quốc Đạt.

- Trong thời gian tới, cá nhân ông có kế hoạch gì để thúc đẩy quyền và bình đẳng cho cộng đồng LGBTQI+?

- Bước đầu tiên là hành động mang ý nghĩa biểu tượng: treo lá cờ Tiến bộ từ ngày 17/5. Tôi rất vui và rất háo hức với việc này.

Cá nhân tôi cũng dự định tiếp tục thúc đẩy đa dạng và hòa nhập trong Đại sứ quán, bao gồm cả với những người LGBTQI+.

Chúng tôi có một chương trình rất tích cực trong nội bộ phái đoàn Hà Nội và TP.HCM nhằm tăng cường đa dạng và hòa nhập. Chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi đạt được tiến bộ thực chất liên quan đến nhân phẩm và quyền lợi cho người LGBTQI+.

Tôi rất sẵn sàng được cộng tác với đồng nghiệp ở Đại sứ quán, hay với bất kỳ người Việt Nam nào có ý tưởng hay để thúc đẩy bảo vệ nhân phẩm của người LGBTQI+ ở đất nước này.

- Ông muốn gửi thông điệp gì đến những người LGBTQI+ tại Việt Nam?

- Tôi muốn nói rằng “Tình yêu nào cũng là tình yêu”, và chính phủ Mỹ là đối tác tích cực của các bạn trong việc chống lại phân biệt đối xử, bạo lực, hay các cảm xúc tồi tệ mà các bạn gặp phải.

Chúng tôi sẽ ở bên và hoàn toàn ủng hộ các bạn. Chúng tôi rất mong được cộng tác với các bạn để đảm bảo rằng cuộc sống sẽ chỉ tốt đẹp hơn, và các bạn sẽ được hưởng nhân phẩm, sự tôn trọng và các quyền của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Đại sứ quán Mỹ trên toàn cầu được phép treo cờ LGBT trở lại

Ngoại trưởng Antony Blinken đã cho phép các cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới treo cờ cầu vồng lục sắc - biểu tượng của cộng đồng LGBT.

Ông Biden đảo ngược chính sách LGBT thời ông Trump

Tổng thống Joe Biden khôi phục lại chính sách bảo vệ cộng đồng LGBT khỏi sự phân biệt đối xử trong y tế.

Hương Ly - Quốc Đạt thực hiện

Bạn có thể quan tâm