Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo vào ngày 10/5 rằng họ sẽ cải thiện những biện pháp bảo vệ người đồng tính và chuyển giới trong việc tiếp cận y tế, theo The Hill.
Văn phòng Phụ trách Nhân quyền (OCR) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) sẽ ra lệnh cấm phân biệt giới tính trong y tế, áp dụng cho các trường hợp phân biệt đối xử vì xu hướng tình dục hoặc bản dạng giới.
Điều này được xem là nỗ lực khôi phục một phần Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) và cũng là một phần nỗ lực của Tổng thống Biden trong việc thúc đẩy các quyền lợi cho cộng đồng LGBT - người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Từ bỏ dịch vụ y tế vì bị phân biệt
“Nỗi sợ hãi bị phân biệt giới tính khi sử dụng dịch vụ y tế sẽ khiến cho các bệnh nhân e ngại hoặc từ bỏ việc tiếp cận y tế. Điều này sớm muộn cũng sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe. Mọi người - bao gồm cả những người thuộc cộng đồng LGBT - đều có quyền được tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tự do và bình đẳng”, Xavier Becerra, Bộ trưởng của HHS, phát biểu.
Người biểu tình chờ đợi phán quyết của Tòa án Tối cao về vấn đề phân biệt đối xử cộng đồng LGBT trong môi trường làm việc. Ảnh: AFP. |
Theo đó, HHS đã trích dẫn số liệu cho thấy 1/4 số người thuộc cộng đồng LGBT đã quyết định tạm dừng hoặc thậm chí từ bỏ dịch vụ y tế sau khi hứng chịu sự phân biệt đối xử trong môi trường này.
Mặc dù các chính sách y tế của HHS trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump vẫn duy trì các biện pháp bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử vì sắc tộc, màu da, quốc tịch gốc, tuổi tác, khiếm khuyết và giới tính. Tuy nhiên, định nghĩa về “giới tính” sau đó đã bị giới hạn lại thành “giới tính sinh học” và hoàn toàn loại bỏ người chuyển giới khỏi vòng bảo vệ.
Ngoài ra, trong một thông báo của HHS, ông Becerra cũng cho biết sự thay đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 10/5/2021 và là một cách để thể hiện phán quyết của Tòa án Tối cao trong lĩnh vực y tế.
Cách đây một năm, Tòa án Tối cao đã quyết định việc phân biệt đối xử vì khuynh hướng tình dục hoặc bản dạng giới đã vi phạm điều VII của Đạo luật Quyền Công dân năm 1964. Phán quyết của tòa án được xem là “một bước tiến quan trọng” trong việc xác định mọi người đều bình đẳng và có quyền được sống tự do và tự hào với bản thân mình.
Dựa trên các chính sách mới, OCR sẽ điều chỉnh định nghĩa về giới tính khi giải quyết các đơn khiếu nại và điều tra. Các bệnh viện và các nhà cung cấp dịch vụ y tế sẽ có nguy cơ chịu án phạt nếu kết quả điều tra cho thấy họ có dấu hiệu phân biệt đối xử về bản dạng giới hay xu hướng tình dục.
Ý định thời ông Trump
Trước đó, chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump từng định đưa ra điều luật loại bỏ các chính sách không phân biệt đối xử trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe của Obamacare. Nếu chính sách được thông qua khi đó, nhân viên y tế có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho người bệnh dựa trên bản dạng giới hoặc xu hướng tình dục.
Cuộc biểu tình trên đường phố New York sau khi cựu Tổng thống Donald Trump ra lệnh cấm người chuyển giới nhập ngũ. Ảnh: Getty. |
Chính quyền Trump công bố sự thay đổi này vào tháng 6/2020, hay còn được xem là tháng Tự Hào/Pride của cộng đồng LGBT. Chính sách mới nhận được ủng hộ từ phía những bảo thủ tôn giáo nhưng cũng hứng chịu chỉ trích từ những người ủng hộ cộng đồng LGBT.
Ngay sau thời điểm công bố, Kaiser Family Foundation - KFF, tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các vấn đề và chính sách y tế, đã nhận thấy điều luật này tước bỏ sự bảo vệ xu hướng tính dục và bản dạng giới trong 10 quy định hiện hành.
Một ngày trước khi điều luật có hiệu lực, một thẩm phán liên bang đã phản đối chính sách của Trump với lý do rằng chính sách của Trump mâu thuẫn với phán quyết của Tòa án Liên bang về phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Theo AP, các quan chức thuộc chính quyền Trump đã phản bác rằng các chính sách phân biệt đối xử về y tế và chăm sóc sức khỏe và chính sách phân biệt đối xử tại nơi làm việc là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, sau khi phán quyết trên được công bố, chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã hủy bỏ họp báo về chính sách này và không bình luận gì thêm.