Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bốn cuộc khủng hoảng của nước Mỹ và 100 ngày nhiệm kỳ ông Biden

Trong lễ nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Joe Biden đã chỉ ra 4 cuộc khủng hoảng mà nước Mỹ phải đối mặt: đại dịch Covid-19, khí hậu, kinh tế và công bằng chủng tộc.

Trang tin Guardian ngày 1/5 đã có những đánh giá về tiến triển của chính quyền ông Joe Biden trong việc giải quyết 4 cuộc khủng hoảng này.

Đại dịch Covid-19

Đối với cuộc khủng hoảng đầu tiên và cấp bách nhất, Tổng thống Joe Biden đã thành công to lớn trong việc thay đổi quỹ đạo của đại dịch. Phân phối vaccine được đẩy nhanh và Nhà Trắng đã tích cực thuyết phục những người Mỹ do dự đi tiêm vaccine.

Joe Biden giai quyet 4 cuoc khung hoang nuoc My anh 1

Tính đến cuối tháng 4, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã vượt mốc 200 triệu mũi tiêm chủng cộng đồng. Ảnh: CNN.

Jeffrey Zient, điều phối viên ứng phó với Covid-19 của Nhà Trắng, cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước: "Đạt được 200 triệu mũi tiêm vaccine trong vòng chưa đến 100 ngày là một dấu mốc quan trọng. Hơn một nửa dân số trưởng thành khắp đất nước đã được tiêm ít nhất một mũi, đồng nghĩa với việc hơn 135 triệu người Mỹ sẽ được bảo vệ khỏi Covid-19".

"Quan trọng hơn nữa, chúng ta đã thấy tỷ lệ tử vong giảm 80% và tỷ lệ nhập viện giảm 70% ở người cao tuổi", ông nói.

Nhưng ngay cả khi chính quyền Tổng thống Biden đang nghĩ đến việc chấm dứt đại dịch, một số bang tại Mỹ vẫn đang phải vật lộn với các ca nhiễm Covid-19. Ngoài ra còn có một câu hỏi nổi bật là ông Biden sẽ làm gì để giúp phần còn lại của thế giới chiến đấu với đại dịch.

Khủng hoảng khí hậu

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm cố vấn đặc biệt của tổng thống phụ trách vấn đề khí hậu, đồng thời đưa vị trí này vào nội các Mỹ.

Ông đã ban hành một số lệnh hành pháp nhằm đảo ngược các động thái của chính quyền ông Donald Trump, vốn làm suy yếu các tiêu chuẩn về xả thải và hiệu quả năng lượng.

Tuần trước, Tổng thống Biden đã triệu tập một hội nghị thượng đỉnh với 40 nhà lãnh đạo thế giới để thảo luận về cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông phát biểu tại hội nghị: "Các biện pháp mà chúng ta thực hiện từ bây giờ đến khi hội nghị thượng đỉnh khí hậu diễn ra tại Glasgow sẽ giúp bảo vệ cuộc sống của người dân trên toàn thế giới và giữ sự nóng lên toàn cầu ở mức tối đa là 1,5 độ C".

Tuy nhiên, chính quyền Biden đang phải vật lộn với việc cố gắng hoàn thành các mục tiêu về biến đổi khí hậu vì các đề xuất chính sách của chính quyền rất khó được thông qua với một Thượng viện bị chia rẽ.

Joe Biden giai quyet 4 cuoc khung hoang nuoc My anh 2

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, từ Nhà Trắng vào ngày 22/4. Ảnh: AP.

Phục hồi kinh tế

Nền kinh tế Mỹ có thêm 379.000 việc làm trong tháng 2 và 916.000 việc làm trong tháng 3, vượt quá mọi kỳ vọng. Tỷ lệ thất nghiệp hiện là 6%, trong đó số người thất nghiệp hàng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tăng trưởng kinh tế lên đến 6,4% trong quý đầu tiên của năm 2021 so với mức tăng trưởng 4,3% trong quý cuối năm ngoái.

Joe Biden giai quyet 4 cuoc khung hoang nuoc My anh 3

Tỷ lệ thất nghiệp giảm và các doanh nghiệp đang mở cửa trở lại. Ảnh: CNN.

Với sứ mệnh "xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn", Tổng thống Biden đã nhanh chóng ký thông qua một gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD hồi tháng 3. Đây là nỗ lực phục hồi liên bang lớn nhất trong một thế hệ và lớn hơn gấp đôi so với gói kích thích kinh tế của Barack Obama sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Gói cứu trợ được kỳ vọng sẽ tăng thu nhập của nhóm người thu nhập thấp nhất thêm 20%, qua đó đánh dấu sự phục hồi niềm tin của người dân vào chính phủ. Trong khi đó, gói nâng cấp cơ sở hạ tầng trị giá 2.000 tỷ USD của ông Biden với cam kết tạo thêm nhiều việc làm có thể sẽ phải đối mặt với nhiều sửa đổi quan trọng hơn tại Quốc hội.

Các chuyên gia dự đoán rằng nền kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng nhanh tới 7% trong năm nay - một lợi thế lớn cho đảng Dân chủ khi bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022.

Công bằng chủng tộc

Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm một chính quyền đa dạng chủng tộc chưa từng có trong lịch sử, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland, người Mỹ bản địa đầu tiên phục vụ trong nội các.

Chính quyền tuyên bố sẽ đưa công bằng chủng tộc vào các chính sách của mình hơn bao giờ hết. Chẳng hạn, Dự luật cứu trợ Covid-19 trị giá 5 tỷ USD dành cho nông dân da đen được mô tả là đạo luật quan trọng nhất cho nhóm người này kể từ Đạo luật Quyền Công dân hơn nửa thế kỷ trước.

100 ngày đầu tiên của ông Biden cũng trùng với phiên tòa xét xử cựu cảnh sát Derek Chauvin, người bị kết tội giết công dân da đen George Floyd ở Minneapolis. Trước đó, Bộ Tư pháp nước này cũng đã mở một cuộc điều tra đối với Sở cảnh sát Minneapolis.

"George Floyd đã bị sát hại gần một năm trước. Chúng ta không thể mất cả một năm để giải quyết chuyện này", ông Biden nói sau phiên xét xử cựu cảnh sát Chauvin.

Joe Biden giai quyet 4 cuoc khung hoang nuoc My anh 4

"Giấc mơ công lý cho tất cả mọi người sẽ không còn bị trì hoãn nữa", Tổng thống Biden nói trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Ảnh: AP.

Trong khi vào năm ngoái, người tiền nhiệm Donald Trump đứng về phía cảnh sát chống lại phong trào "Black Lives Matter", Tổng thống Joe Biden thể hiện quyết tâm giám sát liên bang với cảnh sát bằng cách thúc đẩy Quốc hội thông qua Đạo luật Công lý George Floyd với mục đích cải thiện việc đào tạo cảnh sát và hạn chế sử dụng vũ lực quá mức.

https://www.theguardian.com/us-news/2021/apr/30/joe-biden-crises-pandemic-climate-economy-racial-justice-100-days

Lê Ngọc

Bạn có thể quan tâm