Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc hôn nhân kỳ lạ của cựu vô địch Grand Slam Li Na

Li Na, nhà vô địch Grand Slam đầu tiên của châu Á, là một nữ VĐV giàu cá tính. Một phần cá tính đó được chuyển vào trong cuốn tự truyện “Li Na: My Life” của chị.

Hôn nhân là đỉnh điểm mối quan hệ của tôi với Jiang Shan, đó là một lẽ tự nhiên. Chúng tôi không thảo luận nhiều về nó trước khi nó xảy ra. Cuối tháng 1/2006, tôi chạm trán với Serena Williams ở vòng đầu tiên tại Australian Open. Tôi thua trong ba set. Tôi mệt và không nói gì, lấy vé về thẳng Vũ Hán. Mỗi khi thi đấu xong, tôi muốn nhanh chóng về nhà.

Hôn lễ là thứ lãng phí và nhàm chán

Jiang Shan đến sân bay đón tôi. Chúng tôi về nhà, một số người bạn muốn chúng tôi đi ăn tối và hát karaoke. Tôi nép mình vào chiếc ghế sofa và nói, “Em quá mệt, em muốn đi ngủ”. Jiang Shan nhẹ nhàng nói: “Chúng ta hãy đi một lúc, mọi người đều muốn gặp em”.

Li Na anh 1

Năm 2002, Li Na bỏ đội tuyển quần vợt Trung Quốc đi học, lý do chính là ban huấn luyện đội cấm các VĐV yêu nhau. Khi đó, cô bắt đầu yêu Jiang San.

Sau bữa tối, chúng tôi đi hát karaoke, và khi chúng tôi bước vào phòng, có một chiếc bánh kem khổng lồ và một bó hoa hồng khổng lồ, có tất cả 99 bông hoa. Đây là thời điểm mà Jiang Shan chọn để cầu hôn tôi. Tôi cảm động, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy hơi xa hoa. Một bó hoa lớn như vậy, thứ không thể ăn uống được, chẳng phải là rất lãng phí sao? Bó hoa thực sự rất đẹp, nhưng chúng tôi đã qua cái tuổi cần sự lãng mạn trong cuộc sống hàng ngày.

Bó hoa khổng lồ khiến tôi cảm thấy lời cầu hôn không thực tế cho lắm. Ngày hôm sau chúng khô héo, vì vậy tôi vứt chúng đi. Jiang Shan không phản đối. Tôi nghĩ lý do chính anh ấy tặng tôi 99 bông hồng là để làm tôi vui. Tôi đã rất hạnh phúc, không phải vì những bông hoa, mà vì anh ấy suy nghĩ rất nhiều về nó. Cả hai chúng tôi đều không giỏi tạo ra bầu không khí lãng mạn. Chúng tôi hạnh phúc hơn khi sống trong thế giới thực.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến cơ quan hành chính nhận giấy chứng nhận kết hôn. Chúng tôi thậm chí còn không chọn ngày lành tháng tốt. Chúng tôi tình cờ có thời gian vào ngày hôm đó, vì vậy chúng tôi đi làm điều đó. Khi xong việc, chúng tôi về nhà, ăn một bữa tối ngon lành và cảm thấy ổn định hơn.

Lúc này, chúng tôi đang sống cùng nhau trong một ngôi nhà đã mua khi bắt đầu học đại học. Nó nằm trong một khu dân cư yên tĩnh, dễ chịu ở ngoại ô Vũ Hán. Ngôi nhà lý tưởng với tôi là có tầm nhìn ra biển. Ở Vũ Hán, nhiều ngôi nhà có tầm nhìn ra sông, nhưng tôi không thích ý tưởng sống bên sông Dương Tử, nơi bị ô nhiễm và lầy lội.

Sau khi tôi vô địch giải Roland Garros 2011, chúng tôi đặt chiếc cúp vào quầy bar, ngoài ra còn có một chiếc cúp bạc khác. Tôi không nhớ nữ hoàng của quốc gia nào đã tặng nó cho tôi, nó được khắc dòng chữ “Gửi Li Na của Trung Quốc”. Nữ hoàng gửi nó qua Bộ Ngoại giao, Bộ này gửi nó cho Hiệp hội quần vợt Trung Quốc, hiệp hội chuyển nó cho tôi. Ngoài hai chiếc cúp này, nhà tôi không có bất cứ thứ gì khác liên quan đến quần vợt. Những danh hiệu tôi giành được đều được cất trong hộp ở nhà mẹ tôi. Tôi cũng không thích treo hình mình chơi quần vợt. Tôi không muốn cuộc sống chỉ có quần vợt.

Tôi và Jiang Shan chưa bao giờ tổ chức hôn lễ, và mẹ tôi không hài lòng. Nhưng tôi cảm thấy rằng hôn nhân là giữa hai người, những nghi lễ như vậy không quan trọng lắm. Ngày nay, đám cưới của nhiều người không phải là minh chứng cho tình cảm của họ. Họ lãng phí thời gian, tiền bạc, tất cả chỉ vì một buổi lễ nhàm chán. Tôi và Jiang Shan đều nghĩ rằng việc một người có tìm thấy hạnh phúc trong đời hay không, hoàn toàn không phụ thuộc vào nghi lễ này.

Cắn răng hạnh phúc với người mẹ khó chịu

Tôi không đặc biệt thích bản thân mình. Ngoài một chút tài năng quần vợt, tôi không nghĩ mình có phẩm chất phi thường nào. Khi còn trẻ, tôi nhút nhát, hướng nội và rất thiếu tự tin. Điều này liên quan đến cách dạy của mẹ tôi. Khi tôi có con, không đời nào tôi lại sử dụng những phương pháp mà tôi đã chịu đựng thời thơ ấu.

Li Na anh 2

Jiang San sau đó là HLV của Li Na, cô vô địch đơn nữ Roland Garros 2011 và Australian Open 2014, trở thành gương mặt thương mại hàng đầu toàn cầu trong số các nữ VĐV.

Tôi muốn dạy cho con tôi sự tôn trọng và sự tự do. Tôi muốn chúng có quyền nói “không”, tôi muốn chúng có tinh thần và ước mơ của riêng chúng. Khi tôi còn nhỏ, tôi để tóc dài tự nhiên. Nếu buông tóc, nó sẽ dài tới thắt lưng của tôi.

Giống tất cả cô gái nhỏ, tôi hay chải chuốt, làm đẹp trước gương. Một hôm mẹ tôi gay gắt, nói rằng tôi chỉ quan tâm đến hình thức chứ không quan tâm đến việc học hành như những đứa trẻ khác. Sau đó, tôi rất hiếm khi soi gương.

Khi bắt đầu tập quần vợt, tôi buộc tóc đuôi ngựa hoặc thắt bím để thuận tiện. Tôi thậm chí không dùng lược chải tóc mà chỉ luồn ngón tay qua rồi buộc lại. Những lời gay gắt của mẹ theo tôi trong nhiều năm. Bất cứ khi nào tôi nhìn thấy một tấm gương, một loại thất vọng sinh ra từ ký ức đó sẽ tràn ra và bao trùm lấy toàn bộ con người tôi.

Bây giờ tài chính của tôi rất khá, tôi cố gắng giúp đỡ những người thân, như họ từng giúp đỡ tôi. Nhưng việc này lại trở thành vũ khí trong tay mẹ tôi. Tôi thân thiết với mọi người bên gia đình mẹ tôi, hai người cậu của tôi chưa bao giờ coi tôi như người ngoài. Con gái lớn của cậu tôi chỉ kém tôi 5 tuổi, và chúng tôi lớn lên cùng nhau, giống như chị em ruột hơn là chị em họ. Cậu út của tôi chỉ hơn tôi 12 tuổi, và khi tôi còn nhỏ, cậu ấy luôn chơi với tôi.

Bà tôi, một bà già lạc quan, cởi mở, cương quyết từ chối nhận bất kỳ khoản tiền nào của tôi, bà nói: “Đây là số tiền con khó nhọc kiếm ra, bà sẽ rất đau lòng nếu tiêu nó”.

Mẹ tôi dường như coi tiền là bằng chứng không thể chối cãi về tình mẹ con của chúng tôi. Bà sẵn sàng chấp nhận bất kỳ sự “tôn trọng” nào mà tôi trả bằng tiền mặt hoặc các điều kiện vật chất khác. Nhưng bất kỳ sự giúp đỡ nào của tôi dành cho các cậu tôi đều khiến mẹ tôi khó chịu. Tất nhiên, điều này gây ra sự bối rối cho mọi người.

Tôi đem vấn đề này nói với mẹ tôi rằng: “Mẹ đừng như vậy. Đừng luôn nghĩ rằng người khác nợ mẹ. Chúng ta phải nhớ rằng trong lúc khó khăn, họ đã giúp đỡ chúng ta”. Mẹ tôi cũng là một người đặc biệt quan tâm đến thể diện. Khi thành tích thể thao của tôi tốt, bà sẽ yêu cầu tôi gọi cho bà để nói về điều đó khi bà đi cùng bạn bè hoặc đồng nghiệp, để họ nghe lỏm được.

Li Na anh 3

Năm 2014, Li Na giải nghệ do chấn thương đầu gối dai dẳng. Cô sinh bé gái vào năm 2015 và bé trai vào năm 2016.

Mẹ tôi dường như nghĩ rằng đây là một loại vinh quang nào đó cho bà, điều đó khiến tôi cảm thấy khó xử. Nhưng thật khó để nói chuyện với bà về những điều này. Nếu tôi nói quá nhiều, bà nghĩ rằng tôi đang chống đối. Tôi không biết có phải do mãn kinh hay không, nhưng bà dễ tức giận và đau khổ. Nên dù mẹ nói gì, tôi cũng lắng nghe và cố gắng nhẫn nhịn không cãi lại.

Mẹ tôi là người thân nhất còn sống của tôi. Tôi vẫn thường nhớ lại tuổi thơ ở trường thể thao, ngày nào bà cũng đến thăm, mang cho tôi bát chè đậu xanh mát lạnh để giải nhiệt cho tôi trong những ngày nắng nóng nhất. Bà là mẹ tôi, và tôi yêu bà rất nhiều.

Tôi là con gái duy nhất của bà, và tôi biết bà yêu tôi. Chỉ là tôi không biết cách giao tiếp với bà. Tất nhiên, mẹ tôi hiểu điều này hơn ai hết. Sau khi cha tôi qua đời, mẹ rất cô đơn và thực sự muốn dành nhiều thời gian hơn cho tôi. Nhưng chúng tôi ngày càng xa cách, có những quan điểm sống khác nhau.

Bây giờ nếu chúng tôi dành nhiều thời gian cho nhau, chúng tôi sẽ cãi nhau, và điều này khiến cả tôi và mẹ tôi khó chịu. Nhưng bà lại hay phàn nàn rằng tôi không đến thăm bà thường xuyên. Thành thật mà nói, tôi thà ở với mẹ của Jiang Shan hơn. Suy nghĩ của mẹ chồng rất khác với mẹ tôi. Mẹ của Jiang Shan có phương pháp nuôi dạy con cái theo kiểu “hãy làm bất cứ điều gì khiến con hạnh phúc”, và tôn trọng con mình hơn.

Mẹ chồng không can thiệp vào cuộc sống của chúng tôi. Mẹ tôi dường như cảm thấy rằng tôi vẫn còn là một đứa trẻ cần được theo dõi và hướng dẫn, mặc dù tôi đã ngoài 30 tuổi. Khi tôi nói chuyện với bà, bà có thói quen nói những câu như “Mẹ đã ăn nhiều muối hơn cả con ăn cơm”. Bà hay muốn dùng kinh nghiệm bản thân để dẫn hướng cuộc sống của tôi, nhưng bà không nhận ra rằng thế giới đã thay đổi.

Mục Thể thao giới thiệu cuốn tự truyện “Unstoppable: My life so far” xuất bản năm 2017. Trong cuốn sách, Maria Sharapova nói một cách trung thực về mọi điều xoay quanh đời sống bận rộn của một tay vợt chuyên nghiệp, bao gồm cả chuyện tình gây chấn động một thời với Grigor Dimitrov.

Cú ace ấn định chức vô địch Roland Garros thứ 13 của Nadal Rafael Nadal thực hiện cú giao bóng ăn điểm, qua đó đánh bại Novak Djokovic với tỷ số 6-0, 6-2, 7-5 trong trận chung kết Roland Garros 2020 ngày 11/10.

Djokovic và ký ức tập quần vợt dưới tiếng bom

Kỷ lục gia của quần vợt thế giới Novak Djokovic kể về 78 ngày đêm sống dưới căn hầm tránh bom ở Belgrade trong cuốn tự truyện “Serve to Win” của anh.

Khởi nguồn cuộc ganh đua giữa Federer và Nadal

Ở tuổi 20, Rafael Nadal thắng Roger Federer trong 4 trận chung kết liên tiếp, bắt đầu tạo ra cặp kỳ phùng địch thủ hấp dẫn nhất trong lịch sử thể thao thế giới.

Pacquiao như một đứa trẻ vì thiếu tuổi thơ

Cuộc đời thăng trầm của võ sĩ boxing vĩ đại người Philippines hiện lên sống động qua cuốn sách “PacMan: Behind the Scenes with Manny Pacquiao” của tác giả Gary Andrew Poole.

Chính Phong

Bạn có thể quan tâm