Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Cuộc giao tranh bước sang tuần thứ ba, Nga áp sát Kyiv

Hy vọng hòa bình sớm trở lại đã bị dập tắt sau cuộc hội đàm giữa hai nhà ngoại giao cấp cao của Ukraine và Nga, trong lúc cuộc giao tranh bước sang tuần thứ ba.

ngay giao tranh thu 15 tai Ukraine anh 1

Hôm 10/3, ngày thứ 15 của cuộc giao tranh tại Ukraine, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã hội đàm tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây là cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai nước kể từ khi xung đột bùng nổ nhưng cuộc gặp này không đem lại kết quả đột phá như nhiều người hy vọng.

Giao tranh trên bộ vẫn diễn ra căng thẳng. Quân đội Nga mỗi lúc một siết chặt vòng vây quanh thủ đô Kyiv, đồng thời tiếp tục công kích các thành phố khác khắp Ukraine.

Thành phố Mariupol ở miền Đông vẫn bị bao vây và hứng chịu nhiều đợt pháo kích, với gần 400.000 người mắc kẹt tại đây trong điều kiện thiếu thốn. Ở miền Bắc, thành phố Chernihiv với 300.000 dân cũng bị vây hãm và oanh tạc liên tục, theo New York Times.

Hy vọng ngoại giao bị dập tắt

Với độ dài khoảng 90 phút, cuộc hội đàm cấp cao nhất giữa Nga và Ukraine kể từ khi xung đột bùng nổ kết thúc mà không đạt thỏa thuận chấm dứt giao tranh. Ngoại trưởng Lavrov cho biết vấn đề lệnh ngừng bắn thậm chí còn không được đề cập trên bàn đàm phán.

Sau cuộc hội đàm, ông Lavrov cho rằng các nước phương Tây đã tạo ra xung đột này vì họ buộc Ukraine chọn giữa phương Tây và Nga. Vị ngoại trưởng cũng chỉ trích những chuyến hàng chở vũ khí “nguy hiểm” tới Ukraine.

Ông Lavrov cho biết Nga vẫn muốn tiếp tục thương lượng với Ukraine nhưng nhấn mạnh vai trò trung tâm của quá trình đối thoại theo khuôn khổ tại Belarus, theo TASS. Trước đó, hai bên đã có 3 vòng đàm phán tại Belarus nhưng không đạt được bước tiến đột phá.

ngay giao tranh thu 15 tai Ukraine anh 2

Ngoại trưởng Lavrov (trái) ngồi đối diện Ngoại trưởng Kuleba (phải) trong cuộc hội đàm hôm 10/3 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngồi giữa là ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, tại buổi họp báo riêng, Ngoại trưởng Kuleba nói quan điểm của người đồng cấp Lavrov đưa ra cho thấy Nga sẽ tiếp tục tấn công cho tới khi Ukraine đáp ứng yêu cầu, trong đó tối thiểu là đầu hàng. Ông Kuleba khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ đầu hàng.

Hai nhà ngoại giao dường như chê trách lẫn nhau. Ngoại trưởng Kuleba cho biết ông cảm thấy ông Lavrov tới đây để trao đổi chứ không phải để ra quyết định. Trong khi đó, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng ông Kuleba chỉ hội đàm cho có.

Nếu cuộc gặp hôm 10/3 có điểm tích cực, có lẽ đó là thái độ của hai bên. Là người ngồi giữa ông Lavrov và Kuleba trong buổi gặp, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định cuộc hội đàm “cực kỳ lịch sự”, không có bên nào lớn tiếng.

“Không nên trông chờ phép màu sẽ xảy ra chỉ trong một buổi gặp mặt”, ông Cavusoglu nói. “Buổi gặp mặt cấp chính trị này là sự khởi đầu quan trọng”.

Kyiv bị siết vòng vây, một nửa dân số đã rời thủ đô

Trong ngày đầu của tuần giao tranh thứ ba, quân đội Nga gõ cổng thủ đô của Ukraine.

Giao tranh đã xảy ra ngay bên ngoài địa phận Kyiv ở làng Skybyn, ngôi làng nằm cách cột mốc cuối cùng đánh dấu địa phận đông bắc của thành phố chỉ vài trăm mét. Ngày 10/3, AFP đưa tin một đoàn xe bọc thép của Nga bị phá hủy một phần khi cố tiến vào.

Trước đó, vùng Đông Bắc Kyiv phần lớn vẫn an toàn. Nhưng trong hơn một tuần qua, khu vực này đã phải chịu nhiều đợt oanh tạc dữ dội, một số khu vực tại đây bị san phẳng.

ngay giao tranh thu 15 tai Ukraine anh 3

Người dân được sơ tán qua sông Irpin để tới Kyiv. Ảnh: New York Times.

Hàng chục nghìn người dân đã phải rời các thị trấn ngoại ô dành cho tầng lớp lao động chân tay như Bucha và Irpin để sơ tán tới khu vực an toàn tương đối tại thủ đô Kyiv.

Cùng ngày 10/3, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitscho cho biết một nửa dân số thủ đô đã rời đi sau hai tuần giao tranh. Lúc này, Kyiv chỉ còn con đường về phía nam là thông thoáng để tiến hành sơ tán và vận chuyển đồ tiếp tế.

Dù vậy, vẫn có một số tín hiệu tích cực cho quân đội Ukraine. Hôm 10/3, BBC dẫn lời Bộ Quốc phòng Anh cho biết bước tiến của đoàn xe Nga ở tây bắc Kyiv vẫn trì trệ và “tiếp tục chịu thiệt hại do quân đội Ukraine gây ra”.

Bộ cũng chỉ ra rằng hoạt động trên không của Nga đã “giảm đáng kể” tại Ukraine trong những ngày gần đây.

Cho tới bây giờ, lực lượng Ukraine vẫn có thể cầm cự tại thủ đô Kyiv, Chernihiv ở miền Bắc, và Kharkiv ở miền Đông. Tuyến phòng ngự của Ukraine đã có thể làm chậm hướng tiến công của Nga nhắm tới Odessa ở miền Nam.

Tương lai mờ mịt

Bất chấp thành công trong công tác phòng ngự của Ukraine, kết quả không tích cực của cuộc gặp cấp cao hôm 10/3 là tín hiệu cho thấy những ngày sắp tới của cuộc giao tranh có thể đáng ngại.

Dường như quân đội Nga đang chuyển sang giai đoạn tiến công mới và có thể gây thêm thương vong, theo Wall Street Journal.

Theo thị trưởng Mariupol, tính tới ngày 10/3, hơn 1.200 thi thể đã được thu thập trên đường phố của thành phố này sau một tuần pháo kích của Nga.

ngay giao tranh thu 15 tai Ukraine anh 4

Một phụ nữ bị thương được đưa ra khỏi bệnh viện sản ở Mariupol sau khi nơi đây trúng pháo kích hôm 9/3. Ảnh: AP.

Một vấn đề khiến Nga và Ukraine cự cãi trong ngày 10/3 có liên quan tới vụ không kích xảy ra một ngày trước đó vào bệnh viện phụ sản ở Mariupol, làm chết 3 người và 17 người bị thương.

Sau Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 10/3 cũng lên án "cuộc tấn công vào bệnh viện - nơi có khoa sản và khoa nhi - ở Mariupol" là "khủng khiếp", Sputnik đưa tin.

Điện Kremlin đã phần nào thay đổi phản ứng trước vụ việc. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định “lực lượng Nga không bắn vào mục tiêu dân sự”.

Hôm 10/3, ông cho biết sẽ hỏi quân đội về sự việc này vì hiện “chưa có thông tin rõ ràng”.

Trong khi đó, tại buổi họp báo hôm 10/3, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định bệnh viện này từ nhiều ngày trước đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và không còn bệnh nhân hay bác sĩ.

Những đợt pháo kích vào Mariupol và những thành phố khác cho thấy Moscow dường như đang tăng cường bắn phá để bù lại đà tiến chậm chạp trong 2 tuần đầu giao tranh, AP hôm 9/3 dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc.

Moscow luôn khẳng định không cố ý nhắm vào mục tiêu dân sự. Trong khi đó, lực lượng Ukraine thường có xu hướng rút lui về những khu vực đô thị vì không thể sánh ngang với quân đội Nga về số lượng hoặc vũ khí.

Zing từ Ba Lan: Tâm điểm của dòng người tháo chạy khỏi Ukraine Sau gần 2 tuần xung đột quân sự nổ ra ở Ukraine, hơn 1,2 triệu người dân nước này đến tị nạn ở Ba Lan. Các nước cũng đón nhận người sơ tán gồm Hungary, Slovakia, Romania, Moldova.

Ukraine thiệt hại 100 tỷ USD sau hơn 2 tuần

Sau hơn 2 tuần, chiến dịch của Nga đã gây thiệt hại khoảng 100 tỷ USD đối với đường sá, cầu và hoạt động kinh doanh tại Ukraine, quan chức chính quyền Kyiv cho biết ngày 10/3.

Xe bọc thép Nga cách Kyiv vài trăm mét

Quân đội Nga di chuyển xe bọc thép tới rìa phía đông bắc Kyiv và ngày một tiến gần hơn tới mục tiêu bao vây thủ đô Ukraine. Giao tranh đã xảy ra ngay bên ngoài địa phận thành phố.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm