Hải quân các nước ASEAN đang phát triển khả năng tác chiến thủy bộ một cách nhanh chóng. Tuy vậy, mục đích của họ vẫn chưa rõ ràng.
|
Tàu KRI Bintuni của Indonesia. Ảnh: Sabumi.com |
Do đặc tính tự nhiên của vị trí địa lý gần gũi với biển và những thách thức an ninh nội địa phức tạp, các chương trình hiện đại hóa hải quân ở Đông Nam Á luôn đòi hỏi sự cân bằng về lực lượng. Điều này không chỉ phản ánh nhu cầu riêng biệt của mỗi nước, mà còn cả điều kiện kinh tế vốn khiến họ phải dành sự ưu tiên khác nhau.
Trong bài toán này, lực lượng tác chiến thủy bộ, vốn thường được xem là nhánh kém hấp dẫn hơn của hải quân, không được xếp ngang hàng ưu tiên với lực lượng khác, như tàu chiến trang bị hỏa tiễn hay tàu ngầm.
Tuy nhiên, trong thập niên qua, điều này đã dần thay đổi. Sáu trên chín nước thành viên của Hiệp hội các Nước Đông Nam Á đang sở hữu lực lượng tác chiến thủy bộ đặc biệt với quy mô khác nhau. Các lực lượng này tương đương với Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ hay Hải quân Bộ chiến của Nga.
Điều này không phải là ngẫu nhiên, bởi đây là lực lượng khá đặc thù so với lực lượng bộ binh, do đó việc duy trì hoạt động có thể rất tốn kém. Hơn nữa, những chiến thuyền được thiết kế để tạo sự cơ động cho đội quân này, gọi là tàu chiến đổ bộ cỡ lớn, cũng rất đắt.
Hạn chế về kinh phí
Vào đầu những năm 1990, Indonesia mua 12 tàu bổ độ loại Frosch của Đông Đức cũ. Hành động này khiến Malaysia phải mua KD Sri Inderapura, tàu chiến cũ nặng 8.450 tấn loại Newport của Hải quân Mỹ dùng cho đổ bộ (LPD). Đây là loại tàu đổ bộ lớn có hầm chứa cho thuyền cỡ nhỏ và các phương tiện chiến đấu, cũng như hệ thống dừng đỗ cho một hoặc hai máy bay trực thăng cỡ trung bình.
Sau động thái của hai nước láng giềng, Singapore đã thay thế đội thuyền đổ bộ cũ kỹ của mình với 4 chiếc Endurance loại LPD được lắp ráp tại chỗ vào cuối những năm 1990.
Do hầu hết hạm đội đổ bộ của các nước Đông Nam Á chỉ có tàu chiến từ thời Chiến tranh Thế giới thứ nhất hay mua từ Liên Xô, đây là những thay đổi rất quan trọng.
Dẫu vậy, sự thiếu hụt về khả năng tác chiến đổ bộ đã khiến nhiều nước ASEAN không đủ khả năng tham gia vào các chiến dịch cứu trợ sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004.
Ngay sau đó vài năm, Indonesia, và đặc biệt là Thái Lan, đã triển khai việc sở hữu LPD.
Indonesia đã mua 5 chiếc LPD mang tên Makassar, nặng 11.400 tấn, dựa trên thiết kế của Hàn Quốc. Thái Lan cho ra mắt chiếc HTMS Ang Thong, một chiến thuyền phát triển dựa trên chiếc Endurance của Singapore, vốn hoạt động hiệu quả trong các chiến dịch cứu trợ nạn nhân sóng thần ngoài bờ biển Banda Aceh của Indonesia.
Tuy nhiên, mối quan tâm của các nước trong việc xây dựng khả năng đổ bộ nhanh chóng bị đình trệ, bởi sự thiếu hụt tài chính khiến họ phải dành ưu tiên cho các quan ngại an ninh hàng hải trước mắt.
Dấu hiệu tái cam kết
Tuy thế, đã có dấu hiệu của việc tái cam kết hiện đại hóa lực lượng tác chiến thủy bộ ở khu vực trong một vài năm trở lại đây.
Tháng 7 năm nay, Myanmar được cho là đã bắt đầu đàm phán với công ty đóng tàu của Indonesia nhằm mua một lượng tàu LPD nhất định, thiết kế dựa trên loại Makassar. Nếu thương vụ này hoàn thành, nó sẽ là dấu mốc quan trọng cho lực lượng tác chiến thủy bộ của Myanmar, vốn hiện chỉ gồm một đội thuyền đổ bộ nhỏ và tiểu đoàn hải quân bộ chiến.
Philippines cũng đã đồng ý thúc đẩy chương trình Thuyền Hỗ trợ Chiến lược khi họ ký hợp đồng mua một cặp LPD loại Makassar được chỉnh sửa. Trước đó, thuyền đổ bộ đa dụng BRP Tagbanua, nặng 570 tấn và lắp ráp tại chỗ từ 2011, là sự bổ sung duy nhất cho hạm đội thuyền đổ bộ cũ kĩ từ Chiến tranh Thế giới thứ nhất của Philippines.
Hầu hết các nhà bình luận đều cho rằng sự tiến triển dần của lực lượng thủy bộ tác chiến ở Đông Nam Á có nguyên do từ những thảm họa thiên nhiên, gần đây như siêu bão Hải Yến. Sự phỏng đoán này có thể được củng cố bởi các kế hoạch trong tháng Sáu vừa qua của Singapore nhằm mua một tàu sân bay cỡ nhỏ, được gọi là Tàu Phối hợp Đa chức năng. Chiếc tàu này sẽ lớn hơn loại tàu Endurance và với năng lực chuyên chở trực thăng tốt hơn.
Tuyên bố này tương thích với đề nghị của đảo quốc Sư tử nhằm biến Singapore là nơi đặt trụ sở của Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thảm họa Khu vực (HADR) một vài tháng trước đó. Đây được coi là nỗ lực nhằm giải quyết sự hợp tác nghèo nàn cũng như khả năng ứng phó chậm chạp của các nước ASEAN trước siêu bão Hải Yến.
Trong khi tiến triển này, có thể coi là hành động nhằm nâng cao năng lực của HADR tại Đông Nam Á, có nhiều nhân tố khác nên được xem xét. Sự trỗi dậy của tác chiến thủy bộ không chỉ đơn thuần là có thêm khí tài trên biển. Ít nhất ở một vài quốc gia, nó bao gồm việc hiện đại hóa và cơ giới hóa lực lượng thủy quân bộ chiến, cũng như thay đổi về mặt học thuyết tác chiến vốn vượt xa nhu cầu của HADR.
Ví dụ, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin đac cho báo giới biết, kế hoạch cải tiến lực lượng thủy đánh bộ sẽ được tiến hành sau vụ đụng độ của chính quyền với lực lượng phiến quân Suhu ở Lahad Datu.
Trong chuyến thăm Hawaii vào tháng 1, ông Hishammuddin cũng cho biết sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của Mỹ trong việc phát triển lực lượng thủy quân bộ chiến dựa trên mô hình thủy đánh bộ Mỹ. Cuộc tập trận Malaysia - Mỹ về thủy quân bộ chiến (Malus Amphex) vừa mới kết thúc có lẽ sẽ là bước đầu tiên cho kế hoạch này.
Tương tự, Indonesia đang tái xây dựng khả năng vận tải khí tài trên biển, sau khi mới cho ra mắt tàu chiến đổ bộ mới có tên gọi KRI Teluk Bintuni. Nước này lên kế hoạch sở hữu sáu chiếc tàu loại này.
Lực lượng Thủy đánh bộ Indonesia cũng đang trong quá trình hiện đại hóa và cơ giới hóa. Vào tháng 7/2013, Jakarta được cho là đã thiết lập tiểu đoàn thủy đánh bộ số 10 như là một phần trong kế hoạch mở rộng lực lượng hải quân.
Đợt chuyển giao xe chiến đấu bộ binh BMP-3F dòng số hai, được lắp ráp tại Nga và chuyên dụng cho chiến dịch đổ bộ, đã được hoàn thành vào tháng 1, nâng số lượng loại xe này ở Lực lượng Thủy đánh bộ của nước này lên 54. Cũng có những báo cáo cho rằng Jakarta đã kết thúc đàm phán hợp đồng dự thảo để mua tàu chuyên chở quân đổ bộ BTR-4 từ Ukraine.
Theo Khắc Giang/Vietnamnet