Các chuyên gia của hãng tư vấn địa chính trị Wikistrat (Mỹ) phân tích những yếu tố gây căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời dự đoán 4 kịch bản có thể xảy ra tại hai vùng biển ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong báo cáo Căng thẳng leo thang trên Biển Đông và biển Hoa Đông, hãng Wikistrat khẳng định tình hình chính trị trên Biển Đông và biển Hoa Đông đang trở nên hết sức phức tạp.
Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự và ngày càng hung hăng đòi chủ quyền một cách vô lý đã khiến các quốc gia khu vực vô cùng lo ngại. Trung Quốc đang nâng cấp đáng kể năng lực của hải quân và không quân trong 10 năm qua, châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang khu vực. Hơn 70 chuyên gia địa chính trị của Wikistrat từ nhiều quốc gia trong khu vực đã cùng nhau phân tích các yếu tố dẫn tới tình trạng bất ổn trên Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời dự báo 4 kịch bản có thể xảy ra trong khu vực.
Những yếu tố này là chủ nghĩa dân tộc bùng phát, năng lực đàm phán và đường hướng ngoại giao quốc tế, tham vọng kiểm soát tài nguyên ngoài khơi và cuộc đua vũ trang đang diễn ra.
Kịch bản tồi tệ nhất
Theo Wikistrat, trường hợp tồi tệ nhất có thể xảy ra trên Biển Đông và biển Hoa Đông là Bắc Kinh nắm thế chủ động trong khi Mỹ buộc phải lùi bước. Trong kịch bản này, chủ nghĩa dân tộc cực đoan bùng phát ở Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh tự do mở rộng ảnh hưởng khu vực bằng các công cụ ngoại giao và quân sự.
Hạm đội tàu ngầm cùng sức mạnh tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo giúp Bắc Kinh “thực hiện chủ quyền” bất hợp pháp trên khắp Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bắc Kinh có thể lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn Biển Đông và triển khai tàu ngầm tuần tra khắp nơi. Đồng thời Bắc Kinh sẽ ồ ạt khai thác nguồn năng lượng và tài nguyên trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Không có sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật và các nước ASEAN sẽ buộc phải lập liên minh đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Việc các nước tăng cường sức mạnh hải quân là cơ hội để khu vực hạn chế tầm với chiến lược của Bắc Kinh.
Vấn đề là ASEAN bị chia rẽ và có năng lực quân sự hạn chế, nên Trung Quốc hoàn toàn đủ sức giành các vùng lãnh thổ không thuộc về mình thông qua các phương tiện quân sự và ngoại giao.
Sự căng thẳng sẽ dẫn tới nguy cơ đụng độ quân sự trên biển. Nhật có thể sẽ tăng hỗ trợ quân sự cho các nước Đông Nam Á để duy trì cán cân quyền lực với Trung Quốc. Và có khả năng Ấn Độ sẽ lấp chỗ trống do Mỹ để lại nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Ở kịch bản thứ hai, cả Mỹ và Trung Quốc đều cùng lùi một bước. Bắc Kinh sẽ bận rộn đối phó với các vấn đề trong nước như khủng hoảng ở Tân Cương, hoặc ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Nhưng căng thẳng khu vực vẫn tồn tại và nhiều nước sẽ tiếp tục tăng cường nâng cấp sức mạnh quân sự để đề phòng nguy cơ Trung Quốc bất ngờ gây hấn.
Đại bàng và rồng cạnh tranh
Kịch bản thứ 3 gần với hiện thực nhất, đó là Mỹ (đại bàng) và Trung Quốc (rồng) cạnh tranh dữ dội để khẳng định vị thế dẫn đầu trong khu vực.
Washington tiếp tục thực hiện chiến lược “xoay trục”, chính quyền Trung Quốc leo thang căng thẳng do sức ép từ các thế lực dân tộc cực đoan trong nước. Bắc Kinh tăng cường triển khai máy bay và tàu ngầm tuần tra trong khu vực, dẫn đến nguy cơ đụng độ trên biển và trên không.
Trong kịch bản này, việc Trung Quốc quyết kiểm soát các nguồn tài nguyên trên biển vẫn đóng vai trò lớn.
Tàu chiến Trung Quốc tập trận trên biển. |
Mỹ sẽ phải đẩy mạnh quan hệ kinh tế và quân sự - bao gồm việc đạt thỏa thuận quốc phòng song phương - với các nước Đông Nam Á nhằm ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Washington sẽ triển khai tuần tra trên không và trên mặt nước ở biển Đông, qua đó cản trở việc Bắc Kinh đe dọa các nước láng giềng. Bắc Kinh sẽ chọn giải pháp thúc đẩy quan hệ với Nga nhằm tạo thế đối trọng.
Kịch bản được đánh giá lạc quan nhất, có nghĩa là khó xảy ra nhất, là việc Trung Quốc thực hiện đúng cam kết “trỗi dậy hòa bình” và chấp nhận việc Mỹ duy trì ảnh hưởng truyền thống tại khu vực.
Chính quyền Bắc Kinh sẽ tập trung xử lý các vấn đề trong nước như Tân Cương, chấp nhận tuân thủ luật pháp quốc tế và tìm cách kiềm chế làn sóng chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước.
Việc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ tạo điều kiện cho các nước khu vực đàm phán những giải pháp đa phương để giải quyết tranh chấp, hợp tác khai thác tài nguyên trên biển.
Wikistrat nhận định dù tình hình trên Biển Đông và biển Hoa Đông diễn biến theo kịch bản nào thì Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự.
Bắc Kinh có thể khiến Biển Đông và biển Hoa Đông trở thành những vùng nguy hiểm với các nước và chính nước này nếu quyết dùng sức mạnh để đòi chủ quyền. Bởi các vụ tai nạn có thể bùng phát trở thành xung đột quân sự. Và Nhật sẽ đóng vai trò quan trọng đối với an ninh khu vực, có thể duy trì đối trọng với Trung Quốc.
Sức mạnh hải quân là tàu ngầm
Các chuyên gia Wikistrat đánh giá sức mạnh hải quân lợi hại nhất ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện tại là tàu ngầm.
Việc quân đội Trung Quốc tăng cường hạm đội tàu ngầm giúp nước này thực hiện chiến lược “ngăn chặn tiếp cận” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tuy nhiên các nước khu vực cũng đang phát triển lực lượng tàu ngầm, ngăn chặn sự độc bá của Trung Quốc.