Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc: Tham vọng đại dương vô bờ bến

Cuối tuần qua, tin về hoạt động trên Biển Đông của Trung Quốc và việc hải quân nước này sẽ diễn tập tận Địa Trung Hải vào năm tới đã làm nóng báo chí quốc tế.

Cảnh chụp từ trên cao hòn đảo Phú Lâm (Yongxing) cho thấy rõ phi đạo đã được kéo dài, sẽ thích hợp với máy bay của không quân Giải phóng, công bố trên SCMP Ảnh: SCMP
Cảnh chụp từ trên cao hòn đảo Phú Lâm (Yongxing) cho thấy rõ phi đạo đã được kéo dài, sẽ thích hợp với máy bay của không quân. Ảnh: SCMP

Khát vọng xa, tham vọng gần

Theo Duowei News, cuộc diễn tập hải quân giữa Trung Quốc và Nga tại Địa Trung Hải trong năm 2015 không có nghĩa Trung Quốc sẽ là đồng minh với Nga trong một cuộc chiến nào đó, mà là vì lợi ích của Trung Quốc trước hết. Đó là tăng cường sức mạnh trên biển của nước này, mà theo một nghiên cứu của hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc chưa tinh nhuệ so với các cường quốc hải quân khác. 

Vụ tìm kiếm chuyến bay Malaysia Airlines 370 đã trở thành cuộc diễn tập lớn và dài ngày của hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh huy động đến 12 tàu không chỉ quanh quẩn Biển Đông và eo biển Malacca mà còn ra đến Ấn Độ Dương, nơi đang là ước ao của Trung Quốc.

Thường trực trên Ấn Độ Dương nhằm bảo vệ tuyến vận chuyển dầu hỏa Trung Đông của Trung Quốc, nhất là sau khi dự án cảng Kyaukphyu cùng tuyến đường sắt cao tốc nối liền cảng này với Côn Minh đột ngột bị “bạn cũ” Myanmar dẹp bỏ. 

Song Ấn Độ Dương hay Địa Trung Hải là chuyện xa xôi, còn chuyện Biển Đông đang là chuyện trước mắt và gần chạm đích. Tựa của tờ Daily Mail 23/11 của Anh rất khác thường, phải chăng phản ánh một âu lo cho tương lai: “Tại sao Trung Quốc lại xây một hòn đảo nhân tạo đủ chỗ cho một sân bay trong vùng biển tranh chấp?”.

Hòn đảo nhân tạo đó được mô tả chi tiết trên trang web tình báo quốc phòng IHS Jane’s Defense, với ảnh vệ tinh chụp hình tàu hút bùn và tàu cuốc Trung Quốc dài cả trăm mét đang đắp đất đá nhằm dựng lên trên rạn san hô Chữ Thập của Việt Nam một hòn đảo nổi dài khoảng 3.000 m và rộng 200-300 m, đủ lớn để đón được tàu chở dầu, tàu chiến và tàu chở quân.

Các ảnh khác nữa cho thấy các rạn san hô Gạc Ma (Nam Johnson), Đá Châu Viên và Gaven đều được mở rộng. 

Thật ra ngay từ ngày 20/6 giữa cao trào “màn xiếc” giàn khoan 981, IHS Jane’s Defense Weekly đã cảnh báo “Trung Quốc đang dốc toàn lực xây dựng lớn lao trên đảo ở Trường Sa...

Việc sử dụng hệ thống AISLive theo dõi các tàu cuốc của Trung Quốc bằng định vị toàn cầu (GPS) đã cho phép khẳng định các cáo giác của Philippines rằng Trung Quốc tiến hành khai phá tại 5 địa điểm ít nhất là từ tháng 9/2013...

HS Jane’s Defense Weekly đã mô tả trông thấy qua ảnh vệ tinh: “Một phi đạo, các kho chứa máy bay phản lực vận tốc nhanh, một cảng biển, điện gió cùng các nhà kính”. 

Mỹ kêu gọi Trung Quốc dừng xây dựng ở Biển Đông

Washington một lần nữa chính thức lên tiếng trước động thái bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc dừng ngay mọi hành vi xây dựng đảo nhân tạo.

Vừa tham gia tập trận RIMPAC do Mỹ chủ trì, song Bắc Kinh còn đưa vào thành phần hải đội tham dự một tàu do thám loại tương tự chiếc 851 này, mà phía Mỹ gọi là “không được mời”. Ảnh: usni.org
Vừa tham gia tập trận RIMPAC do Mỹ chủ trì, song Bắc Kinh còn đưa vào thành phần hải đội tham dự một tàu do thám loại tương tự chiếc 851 này, mà phía Mỹ gọi là “không được mời”. Ảnh: usni.org

Một ADIZ trên Biển Đông

Lần đó, Philippines đã sớm lên tiếng phản đối các hoạt động biến cải này và yêu cầu giữ nguyên trạng, song phía Trung Quốc bác bỏ. Thế nhưng đến ngày 910, tờ South China Morning Post của Hong Kong (Trung Quốc) đã lại khoe: “Trung Quốc công bố các bức ảnh độ phân giải cao đầu tiên về một phi đạo mới được xây. Cảnh chụp từ trên cao đảo Phú Lâm cho thấy rõ phi đạo đã được kéo dài, sẽ thích hợp với máy bay của không quân".

Một nhà phân tích cho biết việc công bố các bức ảnh này nhằm gửi đi một cảnh cáo tới Việt Nam và Mỹ rằng Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đã nổi giận bởi việc Mỹ loan báo vào đầu tháng sẽ gỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí từ 40 năm qua đối với Việt Nam”.

Cách mượn cụm từ “các nhà phân tích” để gọi là bình luận, xa lạ với nguyên tắc dẫn nguồn của báo chí, chẳng qua để che đậy giùm các “ông chủ” Bắc Kinh lý do tại sao lại rình xây dựng phá nguyên trạng trên đảo Phú Lâm.

Và nay, theo trích thuật của Daily Mail 23/11, đến lượt một đại tá thuộc Bộ tư lệnh Không quân Trung Quốc tên Jin Zhirui khẳng định Trung Quốc cần xây dựng các cơ sở ở Biển Đông do “chúng tôi cần phải bước ra ngoài, để đóng góp cho hòa bình khu vực và toàn cầu. Chúng tôi cần những cơ sở hỗ trợ như thế này, bao gồm radar và tình báo”. 

Vấn đề ở chỗ san bồi, mở rộng hết đảo Phú Lâm đến các rạn Chữ Thập, Gạc Ma Đá Châu Viên và Gaven để làm gì? Điều mà viên đại tá không quân họ Jin gọi là “những cơ sở hỗ trợ, bao gồm radar và tình báo” chẳng qua chính là tiền đề vật chất cho việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. 

IHS Jane’s Defense mô tả: “Các cấu trúc hiện có trên cạnh phía tây nam của rạn san hô này (Chữ Thập) là một trại đóng quân và một bến tàu, súng phòng không, phòng thủ chống người nhái, thiết bị thông tin liên lạc và một nhà kính”.

Câu hỏi mà cách đây một năm khi Trung Quốc tự tiện ấn định ADIZ trên biển Hoa Đông, “khi nào đến lượt một ADIZ trên Biển Đông?” mà các phát ngôn viên Trung Quốc ỡm ờ chưa trả lời, nay có thể có rồi: một khi radar ở đó hoạt động, đây sẽ là cơ sở của một ADIZ trên Biển Đông.

Y hệt như để có thể nhận dạng thông tin và dẫn đường hàng không dân dụng, phải có một trung tâm kiểm soát không lưu khu vực (ACC) hoạt động hữu hiệu với đầy đủ radar và thông tin liên lạc 24/24 giờ.

Thế nhưng ADIZ mới chỉ là một mặt của lá bài mà Trung Quốc đang nắm trong tay. IHS Jane’s Defense nhận định: "Trung Quốc trước đây đã cho thấy họ sẵn sàng đổ máu và tiền của để giành chủ quyền lãnh thổ trong khu vực này".

The Diplomat: Chẳng ai đứng về phía Trung Quốc ở Biển Đông

Hành động hung hăng và phi lý khiến cho Trung Quốc đơn độc ở Biển Đông. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam, đặc biệt là Nhật và Mỹ.

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/quoc-te/20141130/trung-quoc-tham-vong-dai-duong-vo-bo-ben/677607.html

Theo Hữu Nghị/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm