Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc chiến chống doping tốn kém của thể thao thế giới

Không dễ để các tổ chức và cơ quan phòng chống doping thế giới phát hiện và ngăn chặn những kẻ gian lận trong các cuộc so tài đỉnh cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc chiến chống doping giống như trò chơi "mèo vờn chuột". Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật giúp quy trình xét nghiệm và phát hiện các loại chất kích thích ngày một tốt lên. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những vận động viên (VĐV) và các "kẻ gian lận" cũng trở nên tinh vi và khôn khéo hơn khi sử dụng các loại thuốc tăng cường thành tích.

Năm 2017, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thống kê tổng chi phí cho việc chống doping lên tới 300 triệu USD (tương đương 279 triệu euro) mỗi năm. Ở thời điểm đó, IOC tài trợ 50% chi phí hoạt động hàng năm (30 triệu USD) cho Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), đơn vị đi đầu trong cuộc chiến kể trên. Song, nguồn ngân sách kể trên được cho là không đủ để WADA chạy đua với những kẻ gian lận.

Thế khó của WADA

David Howman, cựu Giám đốc WADA, cho rằng quy trình và phương pháp xét nghiệm chống doping của thế giới cần có những sự thay đổi mang tính quyết liệt. Howman cho rằng một số quy trình phát hiện chất kích thích, chẳng hạn như xét nghiệm nước tiểu, không có sự thay đổi nhiều so với những năm 1970.

WADA anh 1

Trụ sở Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) tại Montreal, Canada. Ảnh: Reuters.

"Chúng ta đều biết việc phân tích nước tiểu chưa có nhiều tiến bộ", nhà lãnh đạo WADA trong giai đoạn 2011-2016 chia sẻ. "Chúng ta vẫn lâm vào tình cảnh dễ bị những kẻ gian lận và sử dụng doping thao túng và đánh lừa. Chúng ta cần sáng tạo và thay đổi nhiều hơn trong cách thức xét nghiệm doping".

Howman cho rằng những gì WADA và các tổ chức phòng chống doping trên thế giới làm trong nhiều năm qua vẫn chỉ là tập trung vào phát hiện các trường hợp sử dụng doping riêng lẻ, thay vì xây dựng quy chuẩn và hệ thống ngăn ngừa.

"Chúng ta có thể bắt quả tang những kẻ sử dụng doping vì họ thật sự ngu ngốc", người đang là Chủ tịch Ủy ban Liêm chính Điền kinh Thế giới (AIU) nói. "Nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta bắt được những kẻ gian lận thật sự và khôn ngoan hơn".

Tháng 11/2019, WADA công bố kế hoạch cải tổ và thay đổi cơ cấu vận hành. Người đứng đầu Ủy ban Vận động viên của WADA, Beckie Scott, đánh giá tổ chức này gặp nhiều thách thức trong bối cảnh công nghệ sử dụng doping của thể thao liên tục thay đổi.

Nguồn tài chính để WADA vận hành và xét nghiệm chính là một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo nhất. Một lần kiểm tra nước tiểu cho một VĐV có chi phí ước tính rơi vào khoảng 400 USD (số liệu vào năm 2017). Trung bình một năm, WADA tiêu tốn khoảng 180 triệu USD chỉ riêng cho việc xét nghiệm và trả kết quả.

Scott cho biết tính đến tháng 8/2021, chi phí cho việc xét nghiệm chống doping của WADA đã tăng khoảng 30% chi phí so với giai đoạn 2017. Ngoài ra, các dự án giáo dục kiến thức chống doping cho VĐV và những người làm thể thao cũng rất tốn kém, khi chiếm 20% ngân sách hoạt động của WADA. Bên cạnh đó, chi phí cho nghiên cứu khoa học và phát hiện chất cấm mới trong danh mục của WADA cũng tiêu hàng chục triệu USD mỗi năm.

Ngoài ra, WADA cũng có thể dính vào các vụ kiện với những VĐV bị tổ chức này phát hiện và trừng phạt do sử dụng doping. Năm 2013, WADA cho biết họ tốn ít nhất 1,3 triệu USD cho vụ kiện với Floyd Landis, tay đua bị tước danh hiệu Tour de France 2006 vì sử dụng chất cấm. John Fahey, Chủ tịch WADA thời điểm đó, cho biết tổ chức mất 5% ngân sách hoạt động trong năm để theo đuổi vụ kiện với Landis, khi cua-rơ này kháng cáo lên Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS).

Những kẻ gian lận khôn ngoan hơn

Không chỉ đối mặt với bài toán chi phí, những tổ chức như WADA còn gặp khó khi các VĐV muốn gian lận ngày một khôn ngoan hơn. Họ sẵn sàng sử dụng những loại thuốc hay chất kích thích hiện đại và chưa từng được sử dụng trong thể thao.

WADA anh 2

Công nghệ chống doping thường phải chạy theo các loại thuốc và chất kích thích mới trên thị trường. Ảnh: Reuters.

Thống kê từ IOC chỉ ra ngân sách cho việc phòng chống doping hàng năm tăng trung bình khoảng 15-18% mỗi năm trong nửa thập niên qua, nhưng số ca bị phát hiện có dấu hiệu giảm. Số liệu của WADA cho thấy số phát hiện dương tính với doping trong năm 2014 chỉ là 1,1%, giảm so với mốc 1,3% của năm 2013. Thống kê này không có nghĩa các VĐV trong sạch và tuân thủ quy định hơn.

Phần lớn các xét nghiệm doping được thiết kế để xác định các chất đã biết. Tuy nhiên, các VĐV sẵn sàng sử dụng những loại chất mới để nâng cao thành tích. Một trong những cách thức được những kẻ gian lận sử dụng là các sản phẩm biến đổi gen tăng cường hormone và protein cho cơ thể.

Tiến sĩ Don Catlin, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm phân tích doping của IOC cho biết rất khó để phát hiện các sản phẩm biến đổi gen. "Mất nhiều thời gian và tiền bạc để chạy đua phát hiện các loại doping mới trên thị trường", Catlin cho biết. "Nhiều đơn vị e ngại khi phải chi số tiền lớn cho các cuộc thử nghiệm phát hiện những loại doping mới".

Cuộc chiến chống doping luôn là một phần không thể thiếu của thể thao thế giới. Tuy nhiên, mọi kết quả xét nghiệm hay quy trình thường chỉ mang tính tương đối, khi chúng phải chạy theo sau các loại thuốc và chất kích thích mới trên thị trường. Niềm an ủi lớn nhất với các VĐV trong sạch đó là những tổ chức như WADA luôn sẵn sàng trừng phạt những kẻ gian lận ngay cả khi họ đã giải nghệ nhiều năm.

Các VĐV Việt Nam bị phạt thế nào nếu dính doping?

Vận động viên (VĐV) có kết quả xét nghiệm dương tính với doping có thể bị tước huy chương và cấm thi đấu tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Những VĐV Việt Nam mất đỉnh cao sự nghiệp vì doping

Khi dính đến doping, nhiều VĐV của Việt Nam bị gián đoạn sự nghiệp và gần như không thể trở lại đỉnh cao thêm lần nữa.

Xét nghiệm doping ở SEA Games 31 tiến hành như thế nào?

Gần 200 cán bộ, tình nguyện viên Việt Nam và chuyên gia nước ngoài đã cùng tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm doping tại SEA Games 31 diễn ra hồi tháng 5.

Tường Linh

Bạn có thể quan tâm