Với việc Cơ quan Phòng chống Doping Thế giới (WADA) cho biết có 2 VĐV Việt Nam dương tính với chất cấm ở SEA Games 31, khả năng đoàn thể thao nước chủ nhà bị tước huy chương là rất cao.
Quy trình chống doping do WADA ban hành vào đầu năm 2022 khẳng định, bất kỳ VĐV nào dương tính với chất cấm đều sẽ bị hủy thành tích ở giải đấu tham dự trong cùng thời điểm, ngoài ra sẽ bị cấm tham gia các hoạt động thể thao từ 1 đến 4 năm, hoặc suốt đời.
Khó đảo ngược
Các lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam chưa thể xác nhận việc 2 VĐV của nước chủ nhà dương tính với doping ở SEA Games 31. Điều này xuất phát từ việc kết quả xét nghiệm đầu tiên được WADA công bố là mẫu A, đồng nghĩa với việc các VĐV hoàn toàn có thể thoát án nếu mẫu B (trong lần xét nghiệm tiếp theo) của họ âm tính. Nếu mẫu A dương tính, VĐV có thể yêu cầu phân tích mẫu B.
Nội dung chạy 100 m nam môn điền kinh tại SEA Games 31. Ảnh: Duy Hiệu. |
Song, David Howman, Tổng Giám đốc WADA giai đoạn 2011-2016 khẳng định sự khác biệt giữa hai kết quả xét nghiệm của mẫu A và B "gần như bằng không". Ông Howman từng chủ trương loại bỏ việc thu thập và xét nghiệm các mẫu B để tiết kiệm thời gian và tiền bạc trong cuộc chiến chống doping.
Howman cũng lo ngại về việc nhiều VĐV có thể "làm thay đổi kết quả ban đầu" nhờ được lấy mẫu B, dù điều đó "hiếm khi xảy ra" Sau nhiều năm, WADA đã cải tiến quy trình xét nghiệm để hạn chế độ sai sót giữa hai mẫu A và B.
Tất nhiên, trong lịch sử, từng có trường hợp dương tính giả trong các mẫu A, và VĐV sau đó được minh oan bằng mẫu B. Tuy nhiên, trường hợp này rất ít. Quy trình công bố kết quả xét nghiệm (hai mẫu) của WADA và đưa ra án phạt thường mất khoảng 6-18 tháng, tùy thuộc mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng như việc phản hồi từ các bên liên quan.
WADA sẽ công bố danh sách các chất và phương pháp bị cấm vào đầu năm. Kết quả xét nghiệm và án phạt của các VĐV cũng sẽ được công khai trên trang chủ tổ chức này.
Tuy nhiên, ngay cả quy trình và thời gian công bố kết quả và đưa ra án phạt của WADA cùng các bên liên quan cũng gây tranh cãi. Đơn cử như trường hợp của Kamila Valieva, VĐV trượt băng nghệ thuật Nga, hồi đầu năm. Mẫu thử của Valieva được phát hiện dương tính vào ngày 25/12 năm ngoái, nhưng Ủy ban chống Doping Nga (RUSADA) sau đó mất tới 6 tuần để gửi mẫu bổ sung cho WADA.
Sau gần hai tháng kể từ thời điểm đó, WADA hay RUSADA chưa thể đưa ra kết luận nào về việc nữ VĐV Nga có vi phạm quy định về doping hay không. Valieva sau đó kiện lên Tòa án Trọng tài Thể thao Quốc tế (CAS) và được tranh tài ở Thế vận hội mùa đông 2022 tại Trung Quốc.
Án phạt tiềm năng
CAS cũng là "chiếc phao cứu sinh" được nhiều VĐV sử dụng nếu dính án phạt doping. Tuy nhiên, trong trường hợp của hai VĐV Việt Nam dương tính với doping ở mẫu A, việc kiện lên CAS để minh oan là không hề đơn giản. Bởi mẫu xét nghiệm của họ được lấy ngay trong quá trình diễn ra SEA Games.
Điền kinh là một trong những môn thể thao có nhiều VĐV gặp rắc rối với các cuộc kiểm tra doping. Ảnh: Reuters. |
"Quy trình xét nghiệm của WADA quan trọng nhất ở thời điểm lấy mẫu xét nghiệm", Howman phân tích. "Nếu các mẫu xét nghiệm được lấy ngay trước hoặc sau thời điểm VĐV tham gia giải đấu, các án phạt hủy kết quả và cấm thi đấu dành cho họ là không thể tránh khỏi".
Nếu dính án từ WADA, hai VĐV Việt Nam sẽ bị tước (1 HCV, 1 HCĐ - được cho là ở môn điền kinh) và cấm thi đấu từ 1 đến 4 năm, hoặc suốt đời.