Với hai tâm chấn là Indonesia và Philippines cùng hàng loạt ổ dịch khác đe dọa hệ thống y tế nhiều nước, Đông Nam Á tiếp tục là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch Covid-19.
Để đối phó với làn sóng dịch bệnh đang làm đảo lộn cuộc sống của hàng trăm triệu người, giới chức các nước trong khu vực mạnh tay thắt chặt các quy định hạn chế, đồng thời huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Công cuộc tiêm chủng ở các tâm dịch
Theo thống kê của Our World in Data ngày 30/7, trung bình cứ một triệu người Malaysia thì có gần 502 ca mắc Covid-19 mới. Đây là mức cao thứ 8 thế giới và thuộc nhóm đầu ở khu vực châu Á, theo CNBC.
Giới chức Malaysia báo cáo 134 trường hợp tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 vào ngày 30/7, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong ở nước này lên 8.859, theo Tân Hoa Xã.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến xấu đi, giới chức Malaysia đạt tiến triển trong việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Theo Reuters, hơn 19,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được sử dụng ở Malaysia. Khoảng 18% dân số nước này đã nhận đủ phác đồ hai mũi vaccine.
Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng của Malaysia vẫn ở mức thấp, theo Channel News Asia.
Tỷ lệ người dân đăng ký tiêm chủng ở các bang Kelantan, Terengganu và Kedah lần lượt là 62,5%, 76,7% và 77,9%, tính đến ngày 27/7. Con số này ở Sabah là 40,5% - mức thấp nhất tại Malaysia.
Tuy nhiên, Giám đốc Sở Dân sinh Sabah Masidi Manjun giải thích: “Do mức độ phổ biến của Internet ở các vùng nông thôn còn hạn chế, người dân thích đăng ký tiêm chủng thủ công”, do đó dữ liệu chưa được thống kê hết.
Việc triển khai tiêm chủng ở một số khu vực của Malaysia còn gặp nhiều trở ngại. Ảnh: Reuters. |
Tương tự Malaysia, nước láng giềng Indonesia tiếp tục là tâm chấn của dịch Covid-19 tại châu Á khi nước này ghi nhận 41.168 ca mắc Covid-19 mới và 1.759 trường hợp tử vong trong ngày 30/7, theo Tân Hoa Xã.
Để khống chế làn sóng dịch bệnh quét qua đất nước, giới chức Indonesia kỳ vọng có thể đạt tốc độ triển khai 2,5 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày vào tháng 9, sau đó hướng tới mục tiêu tiêm 5 triệu mũi vaccine mỗi ngày, theo Bộ trưởng Điều phối Hàng hải Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan.
Ông Pandjaitan cho biết Tổng thống Joko Widodo đề cập đến mục tiêu nói trên với ông. “Tôi tin chúng tôi có thể làm được”, ông Pandjaitan nói với Channel NewsAsia.
Theo thống kê của Reuters, khoảng 66 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng tại Indonesia. Hơn 19 triệu người, tức khoảng 12,2% dân số của đất nước 270,6 triệu dân này, đã được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine phòng nCoV.
Siết chặt quy định hạn chế đi lại
Ngày 30/7, Philippines ghi nhận 8.562 ca mắc Covid-19, mức tăng cao nhất trong 2 tháng qua, cùng 145 trường hợp tử vong vì SARS-CoV-2, theo Reuters.
Trước tình hình đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 30/7 thông qua việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội ở thủ đô Manila và các vùng phụ cận, nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta và bảo vệ hệ thống y tế đất nước.
Phát ngôn viên Hary Roque của Tổng thống Duterte cho biết khu vực vùng đô thị Manila sẽ được áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 6-20/8.
Theo chỉ thị nói trên, người dân trong vùng giãn cách chỉ được ra khỏi nhà để mua sắm các mặt hàng thiết yếu. Lệnh cách ly xã hội dự kiến gây thiệt hại 4 tỷ USD cho nền kinh tế Philippines.
Giới chức thủ đô đang có kế hoạch tăng tốc độ tiêm vaccine từ 150.000 liều lên 250.000 liều mỗi ngày, Reuters dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Thị trưởng Manila Benjamin Abalos cho biết.
Người dân Philippines chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Philippines cũng gia hạn lệnh cấm đối với du khách đến từ 10 quốc gia bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đến ngày 15/8.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 30/7, Philippines ghi nhận hơn 1,57 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có hơn 27.500 trường hợp tử vong. Theo Reuters, hơn 19,3 triệu liều vaccine đã được sử dụng tại Philippines.
Tương tự Philippines, Bộ Ngoại giao Myanmar ngày 30/7 mở rộng các hạn chế nhập cảnh đối với mọi đối tượng du khách đến cuối tháng 8. Việc cấp các loại thị thực và dịch vụ miễn thị thực vào Myanmar sẽ bị tạm dừng cho đến ngày 31/8.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Myanmar, công dân nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao và quan chức Liên Hợp Quốc, những người muốn đến Myanmar bằng các chuyến bay cứu trợ hoặc đặc biệt vì nhiệm vụ chính thức khẩn cấp, các trường hợp muốn nhập cảnh có lý do chính đáng, sẽ được yêu cầu liên hệ với cơ quan đại diện để xem xét.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Myanmar cũng gia hạn lệnh tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế đến ngày 31/8.
Bộ Giao thông Myanmar cũng ban hành lệnh hạn chế ra khỏi nhà ở 108 thị trấn trên toàn quốc.
Số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 ở Myanmar tăng mạnh từ đầu tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Các quyết định hạn chế di chuyển nói trên được đưa ra trong bối cảnh Myanmar chưa thể kiểm soát được làn sóng bùng dịch mới. Myanmar đã báo cáo 5.127 trường hợp mắc Covid-19 mới trong ngày 30/7, nâng tổng số ca nhiễm virus corona tại nước này lên 294.460.
Với 390 trường hợp tử vong mới, tổng số người chết vì Covid-19 được ghi nhận ở Myanmar là 8.942.
Lập tổ công tác chống dịch
Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen ngày 30/7 thành lập tổ công tác nghiên cứu và tìm kiếm dược liệu cùng các loại vật tư chống dịch khác. Tổ công tác gồm 15 người và được quản lý bởi Pich Chanmony, phó chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ trẻ Tình nguyện Samdech Techo (TYDA).
Nhóm nghiên cứu sẽ tìm kiếm các loại chế phẩm có hiệu quả cao trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, đồng thời xác định những thiết bị giúp kiểm tra nhanh Covid-19, dễ sử dụng và có mức giá phải chăng.
Tổ công tác được thành lập trong bối cảnh Campuchia chật vật trước sự gia tăng số ca mắc Covid-19 nhập cảnh mới. 240 trong số 668 ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận vào ngày 30/7 là người nhập cảnh từ nước ngoài.
Campuchia báo cáo thêm 25 trường hợp tử vong do Covid-19 trong ngày 30/7, nâng tổng số người chết vì SARS-CoV-2 tại nước này lên 1.375, theo Tân Hoa Xã.
Hơn 11,8 triệu liều vaccine đã được sử dụng tại Campuchia, theo Reuters.