Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đông Nam Á tiếp tục là ‘tâm chấn’ Covid-19

Tại Đông Nam Á, một số nước ghi nhận kỷ lục và dấu mốc mới về đại dịch, trong khi các nước còn lại chứng kiến xu hướng Covid-19 giảm chưa đáng kể do tỷ lệ tiêm chủng chưa cao.

Covid19 o Dong Nam A anh 1

Đông Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, với khoảng 90.000 ca mắc mới trong ngày 26/7, phần lớn là do sự hoành hành của biến chủng Delta. Trong đó, Indonesia ghi nhận mức tăng cao nhất, xếp sau đó là Thái Lan.

Malaysia đánh dấu cột mốc mới khi số ca nhiễm trong ngày đưa tổng số bệnh nhân Covid-19 của nước này từ đầu dịch vượt 1 triệu người.

Đa số nước còn lại đều chứng kiến số ca nhiễm mới giảm nhẹ so với những ngày trước, do tỷ lệ tiêm chủng có tăng nhưng chưa đáng kể.

Kỷ lục và cột mốc đáng buồn mới

Thái Lan ngày 26/7 báo cáo 15.376 trường hợp Covid-19 mới, phá vỡ kỷ lục một ngày trước đó là 14.260 trường hợp, theo Reuters.

Chính phủ Thái Lan tuần trước đã thắt chặt hơn các biện pháp phong tỏa ở thủ đô Bangkok và 12 tỉnh có nguy cơ cao, đình chỉ hầu hết chuyến bay trong nước và mở rộng khu vực giới nghiêm.

Chính phủ đang phải đối mặt với sự chỉ trích của công chúng về tốc độ triển khai vaccine, khi chỉ mới có 5,6% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Covid19 o Dong Nam A anh 2

Một điểm tiêm chủng Covid-19 cho người cao tuổi, người có cân nặng từ 100 kg, và phụ nữ mang thai ở Bangkok, Thái Lan, ngày 26/7. Ảnh: Reuters.

Malaysia, một trong những quốc gia có tỷ lệ mắc Covid-19 bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, đã báo cáo 17.045 trường hợp mới, đưa tổng số người mắc bệnh ở nước này vượt mốc 1 triệu người, cụ thể là 1.013.438 trường hợp, trong đó có gần 8.000 người tử vong, tính đến hết này 25/7. Đến tối 26/7, hai con số này lần lượt tăng lên 1.027.954 và 8.201, theo Worldometer.

Giống như nhiều nơi trong khu vực, số ca nhiễm tăng cao, bất chấp các biện pháp phong tỏa từ hồi tháng 6, đã khiến bệnh viện trong nước trong tình trạng thiếu giường, máy thở và oxy, trong khi lực lượng y tế chịu nhiều áp lực.

Dẫu vậy, việc triển khai vaccine của Malaysia vượt trội so với một số nước trong khu vực, với khoảng 16,9% trong số 32 triệu người được tiêm chủng đầy đủ.

Myanmar cũng đã chứng kiến ​​sự leo thang của Covid-19 kể từ tháng 6. Ngày 25/7, nước này báo cáo 355 ca tử vong - một kỷ lục mới, nâng tổng số ca tử vong của nước này lên 7.111 trường hợp. Cùng ngày, nước này ghi nhận 4.998 trường hợp mắc mới, giảm so với mức tăng kỷ lục là 6.701 ca được ghi nhận vào ngày 22/7.

Các nhà y học và người làm việc trong ngành tang lễ ở đó cho biết số người chết thực tế cao hơn nhiều. Thêm vào đó, chính biến tại nước này kể từ tháng 2 vẫn tiếp tục làm chậm phản ứng với đại dịch.

Xu hướng giảm nhẹ ở nhiều nước

Indonesia, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, tiếp tục là “mắt bão” Covid-19 của khu vực khi ghi nhận mức tăng 38.679 người bệnh và 1.266 người chết trong ngày 25/7, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở nước này lên 3.194.733 người và 84.766 người - con số cao nhất Đông Nam Á hiện nay.

Dẫu vậy, con số này đang tiếp nối xu hướng giảm của dịch bệnh tại Indonesia trong vòng 1 tuần qua.

Covid19 o Dong Nam A anh 3

Chôn cất nạn nhân Covid-19 ở Jakarta, Indonesia, ngày 23/7. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh áp lực kinh tế, chính phủ Indonesia hôm 25/7 đã thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế thêm 1 tuần, nhưng nới lỏng một số biện pháp, như cho phép mở cửa chợ truyền thống và hàng quán có khu vực ngồi ngoài trời, theo Reuters.

Bệnh viện tại Indonesia trong suốt tháng qua vẫn luôn chật kín bệnh nhân và hoạt động hết công suất, đặc biệt là trên đảo Java và Bali. Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo hôm 25/7 cho biết số ca nhiễm mới và công suất hoạt động của bệnh viện đã giảm nhưng không nói rõ là bao nhiêu.

Pandu Riono, nhà dịch tễ học tại Đại học Indonesia, cho biết: “Quyết định này dường như không liên quan đến đại dịch mà liên quan đến kinh tế".

Indonesia tuần trước báo cáo số ca tử vong cao kỷ lục trong 4 ngày, trong đó ngày 23/7 ghi nhận mức cao nhất là 1.566 người chết.

Tại Philippines, các nhà chức trách đang cố gắng hạn chế sự lây lan của biến chủng Delta. Quốc gia này trong tuần này đã đình chỉ nhập cảnh từ Malaysia và Thái Lan, cũng như thắt chặt các hạn chế ở khu vực Manila.

6.664 trường hợp Covid-19 mới đã được ghi nhận trong nước vào ngày 26/7. Con số này cao hơn so với một vài ngày trước đó nhưng nhìn chung vẫn đang trên đà giảm so với đỉnh dịch hồi giữa tháng 4. Nước này hiện có tổng cộng 1.555.396 trường hợp. Trong khi đó, có thêm 23 bệnh nhân Covid-19 đã qua đời, đưa mức thiệt hại về người lên 27.247 trường hợp.

Covid19 o Dong Nam A anh 4

Tình nguyện viên cầu nguyện trước thi thể của nạn nhân Covid-19 tại một nghĩa trang ở Mandalay, Myanmar, ngày 14/7. Ảnh: Reuters.

Campuchia ngày 26/7 báo cáo 303 trường hợp Covid-19 mới trong nước, giảm đáng kể so với mức cao nhất là 991 trường hợp vào ngày 30/6, Bộ Y tế cho biết. Các nhà chức trách cho rằng xu hướng giảm số ca bệnh trong nước là do tỷ lệ tiêm chủng cao hơn.

Tính đến ngày 25/7, Campuchia đã tiêm chủng Covid-19 đầy đủ cho 27,2% dân số. Nước này đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 10 triệu người trưởng thành vào tháng 10 hoặc 11, theo người phát ngôn của Bộ Y tế Or Vandine. Hiện Campuchia đã chủng ngừa cho hơn 6,7 triệu người trưởng thành.

Tuy nhiên, quốc gia này chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong số ca nhập cảnh, với 475 trường hợp, tăng mạnh so với 139 trường hợp vào cuối tháng 6, do sự gia tăng lao động trở về từ Thái Lan.

Lào ghi nhận xu hướng tương tự khi nước này công bố 223 trường hợp nhiễm Covid-19 mới, toàn bộ là người nhập cảnh, vào ngày 26/7. Cả nước đã có 4.985 trường hợp mắc và 5 trường hợp tử vong.

Bộ Y tế Lào cho biết sẽ tăng thời gian cách ly và giám sát y tế đối với những lao động trở về, đặc biệt là những người từ Thái Lan. Bộ cho biết 35% công nhân Lào trở về đã bị nhiễm biến chủng Delta trong thời gian gần đây.

Covid19 o Dong Nam A anh 5

Người dân xếp hàng dài chờ nạp bình oxy cho người thân mắc Covid-19, Yangon, Myanmar, ngày 14/7. Ảnh: Reuters.

Singapore đã báo cáo 129 trường hợp nhiễm Covid-19 mới tính đến trưa 26/7, bao gồm 61 trường hợp liên quan đến cụm dịch cảng cá Jurong và 6 trường hợp từ cụm dịch karaoke. Hiện có tổng cộng 853 trường hợp liên quan đến cụm dịch cảng cá - cụm dịch lớn nhất cả nước, buộc nước này phải siết chặt các biện pháp hạn chế.

Dẫu vậy, Bộ trưởng Tài chính Singapore hôm 26/7 cho biết nước này sẽ đánh giá lại tình hình Covid-19 vào đầu tháng 8 - khi hai phần ba dân số và ba phần tư người từ 70 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine - để xem xét việc nới lỏng giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, bất kỳ biện pháp nới lỏng mới nào nếu có sẽ chỉ áp dụng cho những người đã tiêm vaccine.

Cảnh đau lòng tại các nghĩa trang ở Indonesia vì Covid-19 Indonesia đang vật lộn với đợt sóng Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Đây cũng là nước có số người bệnh tử vong cao nhất ở Đông Nam Á.

Đông Nam Á sẽ thoát đại dịch Covid-19 bằng cách nào?

Đông Nam Á đang hứng chịu đợt bùng phát chưa từng có, nhưng các chiến lược hợp lý được cho là có thể giúp khu vực lật ngược tình thế trong nửa sau năm 2021.

Nghiên cứu mới: AstraZeneca kết hợp Pfizer tăng mức độ kháng Covid-19

Nghiên cứu mới cho thấy người được tiêm liều thứ nhất với vaccine AstraZeneca và liều thứ 2 với vaccine Pfizer có mức kháng thể gấp 6 lần so với người tiêm 2 liều AstraZeneca.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm