Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đông Nam Á dồn tổng lực tìm vaccine, mua vaccine, tiêm vaccine

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp vì biến chủng Delta, khiến các nước chạy đua tiêm chủng hy vọng đuổi kịp tốc độ lây lan của virus corona.

dich Covid-19 o Dong Nam A anh 1

Dù có một vài dấu hiệu tích cực, hầu hết quốc gia tại Đông Nam Á đều ghi nhận hàng nghìn ca mắc và ca tử vong, trong đó có Indonesia thiết lập kỷ lục mới về số người qua đời vì dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát tốc độ lây lan, chính phủ các nước liên tục tìm kiếm nguồn cung vaccine với mong muốn đạt được miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.

Malaysia thay đổi mốc thời gian đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho số người trưởng thành trong tháng 10. Trong khi đó, dù có gặp khó khăn vì thiếu hụt nguồn cung, nước láng giềng Thái Lan cũng tìm kiếm vaccine từ nhiều hãng dược khác nhau với hy vọng mau chóng thoát khỏi khủng hoảng Covid-19.

dich Covid-19 o Dong Nam A anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP.

Một vài tín hiệu khả quan

Theo Khmer Times, Campuchia đang nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” khi ngày 27/7 chỉ có thêm 685 ca mắc mới - con số thấp nhất trong nhiều tuần tại nước này. Tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 74.386 người nhiễm và 1.324 người qua đời vì virus corona.

Tuy nhiên, giới chức vẫn nâng cao cảnh giác bởi biến chủng Delta từ những người trốn qua đường biên giới có thể lây lan rộng trong cộng đồng.

Cùng ngày, Indonesia thiết lập kỷ lục mới với 2.069 trường hợp tử vong do Covid-19, theo Guardian. Số người nhiễm virus corona cũng tăng vọt lên con số 45.203, trong khi một ngày trước đó chỉ ghi nhận 28.228 trường hợp.

Tuy nhiên, một tín hiệu lạc quan cho thấy tại thủ đô Jakarta, nơi từng là "điểm đen" của đợt bùng phát, số ca mắc hàng ngày đã giảm bớt, từ 14.619 ca vào ngày 12/7 xuống còn 2.662 ca vào ngày 25/7, theo Reuters.

Điều này giảm bớt áp lực cho các bệnh viện chuyên tuyến điều trị Covid-19 tại thủ đô khi mà tỷ lệ lấp đầy giường bệnh tại Jakarta đã giảm từ 90% xuống còn 73%.

dich Covid-19 o Dong Nam A anh 3

Người dân Indonesia xếp hàng nạp bình oxy. Ảnh: Reuters.

Thái Lan ghi nhận 14.150 trường hợp mắc mới, giảm so với ngày 26/7. Số ca tử vong tăng vọt do Bộ Y tế Công cộng kiểm đếm lại, với 118 trường hợp, theo Bangkok Post.

Tuy vậy, tại Bangkok - điểm nóng dịch Covid-19 ở Thái Lan - nguồn lực y tế đang khan hiếm trầm trọng. Người đứng đầu Cục Dịch vụ Y tế ông Somsak Ankasil ngày 26/7 thừa nhận tất cả giường bệnh tại khu chăm sóc tích cực (ICU) ở bệnh viện Bangkok hiện đã kín chỗ.

Nhiều người không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc xét nghiệm Covid-19. Một số người đã tử vong tại nhà trong khi chờ đợi sự giúp đỡ của nhóm cứu hộ, theo Channel NewsAsia.

Theo thống kê, hơn một nửa số ca bệnh Covid-19 tại Bangkok hiện nhiễm biến chủng Delta.

Chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Trong khi đó, ngày 27/7, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này ghi nhận 7.186 trường hợp nhiễm virus corona trong vòng 24 giờ, mức tăng cao nhất trong hơn sáu tuần qua, và thêm 72 người qua đời. Philippines hiện có tổng cộng 1.562.420 ca mắc Covid-19 và 27.318 ca tử vong.

Trước đó một ngày, Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo có thể thắt chặt hơn nữa các biện pháp phòng dịch nếu đợt bùng phát trở nên nghiêm trọng. Theo một nhóm nghiên cứu được Reuters trích dẫn, số ca mắc hàng ngày có thể đạt 8.000-10.000 ca nếu không có các phương án mạnh mẽ hơn đối phó với biến chủng Delta dễ lây lan.

Với Malaysia, sau một ngày có xu hướng giảm, ngày 27/7 lại chứng kiến số ca mắc vượt mốc 16.000 và 207 người qua đời vì Covid-19.

Tuy nhiên, nước này sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm chống Covid-19 dự kiến kết thúc vào ngày 1/8, bất chấp dịch bệnh vẫn diễn biến nghiêm trọng, theo Straits Times.

dich Covid-19 o Dong Nam A anh 4

Bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19 nằm bên ngoài phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Amang Rodriguez Memorial, ở thành phố Marikina, Philippines. Ảnh: Reuters.

Nỗ lực thoát khỏi "cơn ác mộng" Covid-19

Trước “cơn bão” Covid-19 càn quét qua khu vực sinh sống của 650 triệu dân, chính phủ các nước Đông Nam Á tìm cách đa dạng nguồn cung vaccine, đẩy nhanh tiến độ với mong muốn đạt được mục tiêu chủng ngừa.

Theo South China Morning Post, kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm chủng vào tháng 2, hơn 60% trong số 10 triệu người trưởng thành của Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó có khoảng 44% được tiêm đầy đủ.

Hầu hết trong số 17 triệu liều vaccine của quốc gia này là vaccine Sinovac và Sinopharm của Trung Quốc, trong khi những liều khác đến từ sáng kiến COVAX. Mới đây, Nhật Bản đã gửi cho Campuchia 332.000 liều AstraZeneca.

Chính phủ Malaysia thông báo ngày 26/7, nước này đạt kỷ lục chủng ngừa trong vòng một ngày với gần 522.000 liều được sử dụng, vượt xa mức gần 400.000 một ngày trước đó.

Cùng ngày, Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin cho biết Chương trình Tiêm chủng quốc gia Covid-19 sẽ đẩy nhanh nhằm đạt mục tiêu 100% người trưởng thành tiêm chủng đầy đủ vào tháng 10, so với kế hoạch ban đầu là 80% vào đầu năm 2022.

Riêng trong tháng 7, nước này dự kiến tiếp nhận 14,1 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer, AstraZeneca và Sinovac.

Philippines cũng đang cố gắng tìm cách đẩy nhanh tiến độ tiêm trong năm nay bằng cách đặt mục tiêu tiêm khoảng 500.000 lượt mỗi ngày, gấp đôi mức trung bình hiện tại, theo CNN Philippines.

Tính đến ngày 27/7, nước này đã nhận được 27 triệu liều vaccine, đủ để tiêm chủng đầy đủ cho 14,11% dân số. Dự kiến từ nay đến cuối tháng, Philippines nhận thêm 13,5 triệu liều khác từ Sinovac, Sputnik V, Moderna, Novavax, Johnson&Johnson và AstraZeneca.

dich Covid-19 o Dong Nam A anh 5

Người dân xếp hàng đợi tiêm chủng tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Tại Thái Lan, khi số ca bệnh tăng cao, nhu cầu tiêm vaccine Covid-19 cũng tăng vọt. Tuy nhiên, theo Channel News Asia, nhiều người Thái Lan phải vật lộn để tiếp cận vaccine thông qua chương trình tiêm chủng quốc gia.

Một số người đăng ký tiêm chủng thành công từ tháng 6 thấy cuộc hẹn của họ bị hoãn vô thời hạn. Onamon Chaipramote - người hành nghề tự do ở Bangkok hay phải tới bệnh viện để lấy thuốc - nói với Channel News Asia rằng lịch hẹn tiêm vaccine của cô bị hoãn 2 lần: một lần vào tháng 6 và một lần vào ngày 9/7.

“Thật vô vọng. Họ không thông báo rõ ràng khi nào có vaccine. Mỗi ngày hệ thống đều nói hãy đợi lượt phân bổ mới”, cô nói.

Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50 triệu người vào cuối năm. Kế hoạch đang bị ảnh hưởng bởi quá trình tiếp nhận và phân phối vaccine đình trệ. Cho đến nay, chỉ có 5,6% trong số hơn 66 triệu dân tiêm đầy đủ, trong đó 18,94% đã được tiêm ít nhất một liều.

Chiến lược vaccine của Thái Lan chủ yếu dựa vào liều AstraZeneca sản xuất bởi công ty Siam Bioscience của Nhà vua Maha Vajiralongkorn.

Chính phủ nước này đang tìm cách mua thêm từ nhiều nhà sản xuất khác như Pfizer hay Sinovac. Trong khi đó, Viện Vaccine Quốc gia Thái Lan cũng đã liên hệ với Liên minh vaccine Gavi, bày tỏ mong muốn tham gia sáng kiến COVAX với hy vọng nhận nhiều vaccine hơn trong năm 2022.

Bali sắp cạn kiệt oxy y tế

Giới chức Bali thông báo hòn đảo đang dần cạn kiệt nguồn cung oxy do số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, trong khi chính phủ Indonesia bắt đầu nhập khẩu oxy từ nhiều quốc gia khác.

Người mắc Covid-19 ở Indonesia phải tự mang bình oxy đến bệnh viện

Khi các bệnh viện quá tải và vật tư thiếu thốn, nhiều cơ sở y tế ở Indonesia không còn đủ nguồn oxy cho các ca bệnh nặng. Một số bệnh nhân được khuyên tự chuẩn bị bình oxy.

Chuyên gia NUS: Cần phạt mạnh tay người vi phạm cách ly tại nhà

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói cần có biện pháp cứng rắn để răn đe hành vi vi phạm khi thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm