Trong khi Covid-19 hoành hành tại Đông Nam Á với số ca mắc mới và ca tử vong ở mức cao, chính phủ các quốc gia đang rất nỗ lực để kiểm soát đại dịch.
Ngoài các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong nước, một số nước như Singapore và Myanmar cũng thúc đẩy các nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng đối phó với Covid-19.
Dù vậy, ở những nơi như Campuchia hay Philippines, khó khăn do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn còn rất lớn.
Các quốc gia vẫn cần nỗ lực để bảo vệ người dân và ngăn chặn đại dịch. Ảnh: Reuters. |
Nỗ lực hợp tác quốc tế
Truyền thông Myanmar hôm 28/7 đưa tin chính quyền quân sự đang kêu gọi thế giới hợp tác chặt chẽ hơn trong phòng ngừa, kiểm soát và điều trị Covid-19, nhất là tăng cường triển khai vaccine cho người dân.
Myanmar hôm 28/7 ghi nhận chưa đầy 5.000 trường hợp mắc Covid-19 mới, nhưng giới chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể còn cao hơn. Trên khắp đắt nước, tình trạng khan hiếm oxy đang khiến người dân gặp khó.
Theo Myanmar Now, ít nhất 8 người đã qua đời tại một bệnh viện ở Yangon vào cuối tuần trước khi một hệ thống ống dưỡng khí gặp trục trặc.
Thống tướng Min Aung Hlaing gửi thông điệp hợp tác đến các thành viên ASEAN cùng với "những quốc gia thân thiện" của cộng đồng quốc tế, theo Channel NewsAsia.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Singapore cho biết sẽ gửi 200 máy tạo oxy để thể hiện tinh thần “đoàn kết với người dân Myanmar trong cuộc chiến chống lại Covid-19”.
Trước đó, Myanmar đã nhận được thêm hai triệu liều vaccine từ Trung Quốc để thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng, hiện mới chỉ đạt 3,2% ở nước này, theo Reuters. Sắp tới, Ấn Độ cũng sẽ sớm gửi 1,5 triệu liều vaccine nữa cho quốc gia Đông Nam Á.
Tinh thần san sẻ khó khăn với nước láng giềng của Singapore được thể hiện ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Với thêm 130 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tính đến trưa ngày 28/7, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung cảnh báo nếu “không thể kiểm soát" được đợt lây nhiễm, các giường bệnh ở đây có thể sẽ kín chỗ chỉ trong một tuần.
Tại Indonesia, nước này dự kiến nhận được thêm 45 triệu liều vaccine Covid-19 vào tháng 8, bao gồm vaccine của Sinovac, Moderna và Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Jakarta cũng đang xem xét tiêm mũi vaccine Covid-19 nhắc lại để tăng hiệu quả bảo vệ người dân, theo Reuters.
Sinovac là loại vaccine được sử dụng chủ yếu ở Indonesia, chiếm hơn 1/5 trong tổng số 173 triệu liều chính phủ nước này nhận được đến nay.
Chiến dịch tiêm chủng tại Indonesia đang được đẩy nhanh để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ảnh: Reuters. |
Những nguy cơ hiện hữu
Trong khi đó, với số ca dương tính mới ghi nhận hôm 28/7, Malaysia (hơn 17.400 trường hợp) và Thái Lan (hơn 16.500 trường hợp) tiếp tục đánh dấu mức cao nhất kể từ đầu dịch, theo Nikkei Asia.
Thái Lan có thêm 133 ca tử vong, trong khi số người chết Malaysia mới ghi nhận là 143 trường hợp (nâng tổng số ca tử vong vượt mốc 8.550 người).
Để ứng phó tốt hơn với đại dịch, hôm 28/7, Bộ Y tế Thái Lan cho biết trung tâm tiêm chủng ở nhà ga Bang Sue (Bangkok) đã chuẩn bị sẵn sàng 20.000 liều vaccine AstraZeneca phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng.
Trung tâm này thông báo tiếp nhận đăng ký tiêm vaccine trực tuyến từ hôm 29/7, và tiến hành tiêm trong suốt tháng 8, theo Bangkok Post.
Không chỉ vậy, nhà chức trách ở Thái Lan cũng bắt đầu đưa một số bệnh nhân Covid-19 nhẹ từ Bangkok về quê để cách ly và điều trị, nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đang quá tải ở thủ đô, theo Guardian.
Nguồn tin từ Channel NewsAsia cũng cho biết chính quyền đã cải tạo kho hàng hóa tại sân bay Don Muang (Bangkok) thành một bệnh viện dã chiến 1.800 giường cho những bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng nặng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Sathit Pitutecha hôm 27/7 từng cho biết theo nhận định của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng như hiện tại sẽ kéo dài trong khoảng 2 đến 3 tuần, chậm nhất là 4 tuần nữa.
Tại Campuchia, nguy cơ về khả năng biến chủng Delta xâm nhập đất nước với làn sóng người lao động trở về vẫn là mối lo chủ yếu của nhà chức trách.
Trong 766 trường hợp mắc mới hôm 28/7, có 307 ca nhiễm là người về từ nước ngoài. Tổng số trường hợp dương tính với Covid-19 ở Campuchia là hơn 75.100 người, theo Khmer Times.
Trong 6 tháng đầu năm, Campuchia có 150.000 lao động trở về từ các quốc gia khác, phần lớn trong đó là người từ Thái Lan, một số đến từ Malaysia và Hàn Quốc. Theo thống kê, mỗi ngày có tới 500 người Campuchia trở về qua các cửa khẩu cũng như qua những đường mòn lối mở.
Ngành y tế Campuchia lo ngại rằng số người mắc biến chủng Delta có thể còn lớn hơn do nước này chỉ có Viện Pasteur ở Phnom Penh đủ năng lực xét nghiệm loại biến chủng trên. Thời gian cho kết quả của cơ sở này là 5 ngày.
“Ngay cả xét nghiệm PCR thông thường cũng cần đến 3 hoặc 4 ngày để có kết quả. Khi đó, bệnh nhân có thể đã tiến triển sang giai đoạn khác”, đại diện Bộ Y tế lo ngại.
Khmer Times cho biết Campuchia hôm 27/7 cũng đã cho phép các công ty dược nhập khẩu vaccine Covid-19 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt để phân phối tại nước này.
Bệnh viện dã chiến được thành lập tại một nhà kho ở sân bay quốc tế Don Muang (Bangkok). Ảnh: Reuters. |
Triển vọng hồi phục vẫn chưa sáng rõ
Trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 27/7 đã giảm mức dự báo triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế mới nổi ở châu Á xuống 1,1% so với hồi tháng 4, còn 7,5% trong năm 2021 do lo ngại về các tác động của đại dịch, theo Reuters.
Trong bối cảnh Indonesia buộc phải thực hiện các hạn chế hoạt động kinh tế - xã hội, hàng nghìn người nước ngoài đã rời khỏi nước này chỉ trong 3 tuần đầu tiên của tháng 7.
Theo Jakarta Post, sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ghi nhận khoảng 10.612 người nước ngoài rời Indonesia từ ngày 1/7 đến ngày 23/7, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc chiếm đa số.
Còn tại Philippines, lãnh đạo các doanh nghiệp hôm 28/7 lại nói rằng tháng 8 sắp tới có thể là thời điểm phù hợp nhất để nước này tiến hành 2 tuần kiểm soát nghiêm ngặt, nhằm "ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của biến chủng Delta”.
Quyết định trên được đưa ra với kỳ vọng về doanh thu trong quý IV của các công ty, khi chi tiêu của người tiêu dùng dự kiến tăng trở lại.
Philippines vẫn cần rất nỗ lực để sớm khôi phục nền kinh tế. Ảnh: Reuters. |
Philippines hôm 28/7 bất ngờ ghi nhận số ca Covid-19 giảm còn 4.578 trường hợp, thấp hơn mức 7.186 người hôm 27/7.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Philippines giải thích rằng con số trên thấp do việc thống kê được tiến hành từ 21h ngày 27/7, thay vì 13h như thường lệ. Số trường hợp ghi nhận hôm 27/7 do đó cũng bao gồm cả những ca đáng ra sẽ được công bố hôm 28/7, theo CNN.
Trong khi đó, chính quyền Manila hôm 28/7 cho biết đang chẩn bị cho khả năng phong tỏa thành phố. Thị trưởng Manila Isko Moreno khẳng định: “Thành phố Manila đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực để ứng phó với đại dịch”.
Theo nhà chức trách, thành phố Manila (nằm trong Vùng thủ đô Manila, cùng với các địa phương lân cận) có 642 ca bệnh tính đến trưa ngày 28/7. Công suất giường bệnh trong 6 bệnh viện của thành phố hiện ở mức 32%, trong khi tỷ lệ tại các bệnh viện dã chiến ở Manila là 65%.
Trước đó, Trung tâm Y tế khu vực Bắc Mindanao hôm 27/7 đã phải nâng mức cảnh báo lên "mã đỏ" (mức giới hạn của hệ thống chăm sóc sức khỏe), địa phương này đã ghi nhận đợt lây nhiễm thứ 3 chỉ trong 2 tuần qua.