Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cú đòn mới nhất giáng vào Al Qaeda

Cái chết của Ayman al-Zawahiri là đòn giáng mạnh nhất vào Al Qaeda kể từ khi Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden vào năm 2011 tại Pakistan.

Thủ lĩnh Al Qaeda khét tiếng Ayman al-Zawahiri, một trong những tội phạm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, đã chết sau cuộc không kích bằng drone ở thủ đô Kabul, Afghanistan, hôm 31/7.

Nhân vật 71 tuổi này được xác định là "khối óc" phía sau nhóm khủng bố tàn độc với tư tưởng tấn công phương Tây, trong đó có vụ khủng bố chấn động khiến gần 3.000 người thiệt mạng ở Mỹ ngày 11/9/2001.

thu linh Al Qaeda da chet anh 1

Osama bin Laden và Ayman al-Zawahiri (phải) trong một buổi phỏng vấn vào tháng 11/2001. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu trước toàn dân Mỹ hôm 1/8 rằng cái chết của Zawahiri - sau nhiều thập kỷ lẩn trốn thành công - đã gửi đi thông điệp rõ ràng: "Dù mất bao lâu, dù lẩn trốn ở đâu, nếu kẻ nào là mối đe dọa đối với người dân của chúng tôi, nước Mỹ sẽ sẽ tìm thấy kẻ đó và đưa họ ra ánh sáng".

Cuộc không kích này là chiến dịch thành công mới nhất của Mỹ nhằm vào các thủ lĩnh của Al Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Biden nói rằng cái chết của Zawahiri giúp đảm bảo Afghanistan có thể không còn trở thành "thiên đường an toàn" của khủng bố và "bệ phóng" cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.

Các chuyên gia an ninh cho rằng chiến dịch lần này đã chứng tỏ khả năng tấn công chính xác của Mỹ tại Afghanistan sau cuộc rút quân năm 2021. Mặt khác, nó cũng phơi bày việc Taliban sẵn sàng dung túng cho các phần tử Al Qaeda trong khu vực.

Vậy cái chết của Zawahiri có tác động như thế nào tới Al Qaeda?

Nguồn gốc của Al Qaeda

Trước vụ khủng bố 11/9/2001, rất ít người Mỹ từng biết đến cái tên Al Qaeda.

Tổ chức khủng bố này do Osama bin Laden thành lập vào năm 1988 và thu hút được những người Hồi giáo dòng Sunni với hệ tư tưởng dựa trên những yếu tố mang tính cực đoan.

Sự phản đối dữ dội của mạng lưới khủng bố Al Qaeda đối với nước Mỹ xuất phát từ sự ủng hộ của Mỹ dành cho các chính phủ Israel, Saudi Arabia, Ai Cập,...

Vào năm 1988, Osama bin Laden tuyên bố một cuộc thánh chiến chống lại nước Mỹ, hạ lệnh cho người Hồi giáo giết người Mỹ, bao gồm cả thường dân tại bất kỳ đâu trên thế giới và biến nước Mỹ trở thành mục tiêu trung tâm cho chiến dịch này.

Sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan vào năm 1996, Osama bin Laden trở về Afghanistan chiêu mộ và huấn luyện quân sự cho hàng nghìn chiến binh Hồi giáo nổi dậy.

Trước sự kiện 11/9/2001, Al Qaeda từng dính líu tới rất nhiều các vụ đánh bom khác nhau tại Yemen, Tanzania, Kenya,...

"Hệ tư tưởng" của Al Qaeda

Zawahiri không có tiếng tăm quốc tế cũng như khả năng vận động tài chính như thủ lĩnh Osama bin Laden. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng và khả năng tổ chức của Zawahiri lại không hề thua kém khi đây là chủ mưu cho những vụ tấn công gây thiệt hại lớn nhất cho nước Mỹ.

Nhiều người Mỹ sống sót sau vụ khủng bố 11/9/2001 có thể không nhớ tên của Zawahiri, nhưng chắc chắn không ít người vẫn nhận ra được khuôn mặt của trùm khủng bố này: Một người đàn ông đeo kính, hơi mỉm cười, luôn xuất hiện trong các bức ảnh bên cạnh bin Laden khi lên kế hoạch cho những vụ tấn công khủng bố.

Zawahiri và Osama bin Laden đã cùng chỉ đạo các chiến binh của Al Qaeda thực hiện vụ ám sát Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak trong chuyến thăm tới Ethiopia vào năm 1995. Sự kiện này đánh dấu lần hợp tác đầu tiên giữa Zawahiri và bin Laden dưới “mái nhà chung” Al Qaeda.

Năm 1998, hai thủ lĩnh khủng bố của Al Qaeda đã ký một bản “Tuyên bố Jihad chống lại người Do Thái và quân Thập tự chinh”, kêu gọi các chiến binh Hồi giáo của Al Qaeda cùng nhau chiến đấu chống lại các tội ác của nước Mỹ và đồng minh đối với cộng đồng người Hồi giáo ở Trung Đông.

Zawahiri từng bị FBI săn đuổi với cáo buộc đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania vào năm 1998. Vụ đánh bom đã khiến hơn 200 người thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương. Zawahiri và bin Laden đã thoát khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ ở Afghanistan nhằm trả đũa.

Sau đó, Zawahiri được cho là đóng vai trò quan trọng trong vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole ở Yemen vào tháng 10/2000, khi những kẻ đánh bom cảm tử trên một chiếc xuồng đã kích nổ thuyền, giết chết 17 thuỷ thủ Mỹ và khiến 39 người khác bị thương.

Đỉnh điểm âm mưu khủng bố của Zawahiri là vụ tấn công ngày 11/9/2001 vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc.

Sau cái chết của bin Laden

Sau khi trùm khủng bố Osama bin Laden bị Mỹ tiêu diệt vào năm 2011, phó tướng Zawahiri lên nắm quyền lãnh đạo Al Qaeda.

Dù nắm vai trò chủ chốt, Zawahiri không được đánh giá cao như bin Laden. Sức mạnh Al Qaeda đã bị tổn hại nghiêm trọng, rất nhiều thủ lĩnh cấp cao và tay súng đã bị giết trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Sự bất mãn ngày càng gia tăng trong hàng ngũ Al Qaeda khi Zawahiri lên thay thế vai trò thủ lĩnh của bin Laden.

Đến năm 2014, một trong những chi nhánh của Al Qaeda ở Iraq tách ra thành lập tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tầm ảnh hưởng của IS vượt qua cả tiền thân Al Qaeda khi tuyển mộ hàng nghìn tay súng và thực hiện hàng loạt vụ khủng bố khiến hàng trăm người chết ở các nước lớn như Bỉ, Pháp, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ,... IS còn được đánh giá cao hơn hẳn Al Qaeda về khả năng khai thác truyền thông và mạng xã hội để phục vụ tuyên truyền.

Những năm gần đây, Zawahiri phần lớn tránh xa công chúng, gắng gượng lãnh đạo Al Qaeda vào thời kỳ suy tàn khi hầu hết nhân vật sáng lập của nhóm đã bị tiêu diệt hoặc lẩn trốn.

Tương lai nào cho Al Qaeda?

Sau khi chính quyền Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, một số chuyên gia an ninh bày tỏ lo ngại về nguy cơ Al Qaeda sẽ tái khởi động các hoạt động khủng bố.

Theo giới phân tích, trong thời kỳ thịnh vượng, Al Qaeda luôn có những sự thay thế kịp thời sau khi những nhân vật chủ chốt bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, đến nay, mạng lưới khủng bố này đã dần được chia nhỏ thành các tổ chức khác nhau trải dài từ Tây Phi đến Ấn Độ. Câu hỏi về việc liệu các nhóm này sẽ hợp lực để hướng tới tham vọng toàn cầu hơn trong tương lai vẫn còn bỏ ngỏ.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết sau cái chết của Zawahiri, Al Qaeda đã mất đi cấu trúc lãnh đạo ở cấp cao, không còn khả năng đe doạ Washington và các đồng minh.

Theo một báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Zawahiri, ở tuổi 71, đã cho thấy dấu hiệu đau ốm và đa phần công việc chính được giao cho những thành viên cấp dưới trong những năm gần đây.

Theo đó, Mohammed Salah al-Din Zaidan, hay Saif al Adel, 60 tuổi, được đánh giá là “người có nhiều khả năng kế nhiệm nhất” của Zawahiri. Saif al Adel được cho là đang cư trú tại Iran.

Một số cái tên khác trong danh sách kế nhiệm bao gồm Abd al-Rahman al-Maghrebi, thành viên phụ trách các chiến dịch truyền thông của Al Qaeda, Abu al-Walid al-Falastin, một nhà tư tưởng cấp cao ở Syria, và một số lãnh đạo của các tổ chức liên kết địa phương như: Yazid Mebrak ở Maghreb và Ahmed Diriye ở Đông Phi.

Theo Guardian, việc ai sẽ là người kế nhiệm chức thủ lĩnh của Al Qaeda không quan trọng bằng những chiến lược hoạt động và tư tưởng của nhà lãnh đạo sắp tới. Dù Al Qaeda là một mạng lưới khủng bố, quyền lực của nhóm này chủ yếu phụ thuộc vào tầm ảnh hưởng và chiến lược lãnh đạo của người cầm đầu.

Cựu giám đốc CIA giải thích về cuộc không kích thủ lĩnh Al Qaeda Cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) David Petraeus nói việc không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri có sự phối hợp từ nhiều nguồn lực tình báo và quân đội.

Lý do Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda thời điểm này

Vụ không kích tiêu diệt thủ lĩnh al-Zawahiri đã giải tỏa phần nào áp lực mà Tổng thống Biden đang đối mặt, nhưng niềm vui sẽ không kéo dài lâu.

Thủ lĩnh Al Qaeda bị trúng không kích khi đang ở ban công

Các quan chức cho biết thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri đã bị tiêu diệt khi đang đứng trên ban công của tòa nhà, sau nhiều lần bị tình báo Mỹ phát hiện tại vị trí này.

Hương Vũ

Bạn có thể quan tâm