Trong vài giờ ngắn ngủi hôm 1/8, cuộc chiến đầu tiên của nước Mỹ trong thế kỷ XXI - cuộc chiến chống khủng bố - bất ngờ quay trở lại, che lấp những căng thẳng xoay quanh đối đầu địa chính trị với Trung Quốc, theo CNN.
Washington hôm 1/8 xác nhận tiêu diệt thành công thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri sau cuộc không kích bằng drone ở Afghanistan. Al-Zawahiri là một trong những thủ lĩnh cấp cao nhất của Al Qaeda chịu trách nhiệm cho vụ khủng bố 11/9/2001 khiến gần 3.000 người Mỹ thiệt mạng.
Chiến tích mang tính biểu tượng
Vụ không kích thành công ngay lập tức được Tổng thống Joe Biden sử dụng làm bằng chứng cho cam kết ngăn chặn Afghanistan trở thành nơi ẩn náu của các tổ chức khủng bố ngay cả khi Washington đã rút khỏi quốc gia Nam Á tháng 8/2021.
Tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda tạo ra một điểm sáng tích cực ngay trước thềm kỷ niệm một năm cuộc rút lui hỗn loạn của lực lượng Mỹ và NATO khỏi Afghanistan. Chiến tích mới cũng tiếp thêm động lực cho nhiệm kỳ đầy sóng gió của ông Biden, sau khi đảng Dân chủ đạt được một số bước tiến về các dự luật khí hậu, năng lượng và chăm sóc y tế tuần trước.
Rộng hơn, vụ không kích diễn ra trùng thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, nhấn mạnh hơn nữa sự xoay trục căn bản của Mỹ trong chính sách an ninh quốc gia.
Al-Zawahiri (phải) và trùm khủng bố Osama bin Laden. Ảnh: Reuters. |
Đã có thời tìm và diệt các phần tử khủng bố bất kể ở đâu đã là nguyên tắc tổ chức trong cách tiếp cận của Washington với các vấn đề quốc tế.
Đến hôm 1/8, thời điểm Washington thông báo hoàn tất nhiệm vụ tiêu diệt al-Zawahiri, chính phủ Mỹ đang xây dựng bộ máy an ninh quốc gia nhằm đối phó với thách thức từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vụ tiêu diệt al-Zawahiri, nhân vật bị Mỹ truy nã suốt nhiều năm từ trước vụ khủng bố 11/9, có giá trị biểu tượng sâu sắc.
Al-Zawahiri bị FBI săn đuổi với cáo buộc đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tazania năm 1998, thời điểm Al Qaeda bắt đầu các vụ tấn công khủng bố nhắm vào các mục tiêu của Mỹ. Al-Zawahiri được cho đóng vai trò quan trọng trong vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole ở Yemen năm 2000 làm hàng chục binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Các đời tổng thống Mỹ sau đó luôn cam kết buộc mạng lưới khủng bố Al Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu đền tội, và al-Zawahiri là mục tiêu mới nhất bị tiêu diệt.
"Công lý đã được thực thi", Tổng thống Biden phát biểu tối 1/8.
Al-Zawahiri không có tiếng tăm quốc tế cũng như khả năng vận động tài chính như bin Laden. Tuy vậy, tầm ảnh hưởng và khả năng tổ chức của al-Zawahiri lại không hề thua kém, tên này đã gây ra những thiệt hại to lớn cho nước Mỹ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết với cái chết của al-Zawahiri, Al Qaeda đã mất đi cấu trúc lãnh đạo ở cấp cao, không còn khả năng đe dọa Washington và các đồng minh.
Cứu tinh của ông Biden
Cái chết của al-Zawahiri là một thắng lợi lớn tiếp sức cho chính quyền đang lung lay của Tổng thống Biden.
Thành công tiêu diệt trùm khủng bố sẽ giúp xoa dịu ký ức đáng quên về chiến dịch rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan tháng 8/2021, thay đổi phần nào góc nhìn của công chúng khi thời điểm một năm ngày rút quân đang đến gần.
Quan trọng hơn, vụ không kích củng cố cho tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden rằng Washington không để các kẻ thù trú ẩn tại Afghanistan. Lập luận này là một trong những lý do ông Biden cho rằng nước Mỹ không cần duy trì số lượng lớn bộ binh tại Afghanistan nói riêng, cũng như trên các chiến trường ở nước ngoài nói chung.
Cái chết của al-Zawahiri là thông điệp cảnh cáo tới các nhóm khủng bố khác ở Afghanistan cũng như khắp nơi trên thế giới.
Việc al-Zawahiri bị tiêu diệt tại nơi ẩn náu ở trung tâm thủ đô Kabul làm dấy lên lo ngại thực sự rằng Afghanistan, dưới quyền kiểm soát của Taliban, lại một lần nữa trở thành nơi chứa chấp al-Qaeda.
Nhưng vụ không kích tiêu diệt al-Zawahiri đồng thời cho thấy Mỹ có đủ tai mắt tình báo ở Afghanistan dù đã rút hết nhân viên ngoại giao, quân sự, tình báo khỏi nước này từ năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Biden tập trung vào mặt tích cực của vấn đề, ông nói chiến dịch tiêu diệt al-Zawahiri chứng minh lời hứa sẽ không để Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn của các tổ chức khủng bố.
Khoảnh khắc đứng trên ban công Nhà Trắng, thông báo về thành công của chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda, kẻ tử thù của nước Mỹ, chắc chắn mang tới điểm số quan trọng cho Tổng thống Biden.
Vụ không kích diễn ra trong bối cảnh ông Biden bị đảng Công hòa miêu tả là yếu đuối và thiếu năng lực. Trong suốt chiến dịch rút quân khỏi Afghanistan, danh tiếng về khả năng xử lý các vấn đề đối ngoại của Tổng thống Biden đã bị ảnh hưởng khi hàng nghìn người tuyệt vọng mắc kẹt ở sân bay Kabul, một số tử vong khi ngã khỏi máy bay di tản.
Dù vậy, ít có khả năng thành công tiêu diệt al-Zawahiri có thể thay đổi số phận của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới. Sau nhiều tháng lạm phát cao kỷ lục kèm nguy cơ nền kinh tế suy thoái, đảng Dân chủ có nguy cơ thua đậm.
Chiến thắng trong chính sách đối ngoại có thể chỉ là thoáng qua, việc tiêu diệt thủ lĩnh của Al Qaeda lúc này không còn nhiều giá trị như thời điểm những năm ngay sau vụ khủng bố 11/9.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng chia rẽ, chiến dịch tiêu diệt al-Zawahiri mang tới thời khắc đoàn kết dân tộc hiếm hoi.
Dù vậy, bất cứ niềm hân hoan nào từ chiến dịch ở Kabul cũng sẽ sớm bị lấn át bởi hàng loạt bài toán hóc búa hơn mà nước Mỹ đang đối mặt ở nước ngoài, từ chiến sự ở Ukraine cho tới cuộc đối đầu với Trung Quốc quanh vấn đề Đài Loan.
Giới chức Mỹ và Đài Loan xác nhận Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ tới thăm Đài Bắc, phớt lờ những cảnh báo ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh. Một số chuyên gia lo ngại chuyến đi của bà Pelosi sẽ dẫn tới những phản ứng chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc.
"Mọi tổng thống Mỹ đều biết rõ khi một mối đe dọa an ninh quốc gia vừa qua đi, một đe dọa khác đã ở ngay trước mắt", CNN bình luận.