Những ngày qua, việc nuôi thú cưng trở thành chủ đề tranh cãi sôi nổi khi chung cư Sunrise City View (quận 7) ra đề nghị cư dân đưa vật nuôi ra khỏi căn hộ trước ngày 10/11.
Ở các chung cư, từ trước đến nay, vấn đề nuôi thú cưng luôn là đề tài gây nhiều phản ứng trái chiều trong cư dân.
Ban quản lý các chung cư ở TP.HCM nhận được nhiều phản ánh từ cư dân về tiếng chó sủa ồn ào, lông thú cưng gây dị ứng hay phân động vật ở hầm,... Một số nơi đã ra chế tài cụ thể để xử phạt những chủ nuôi vi phạm quy định.
Chủ nuôi chưa thận trọng
Chiều 28/10, hội nhóm chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) đăng tải video về chú chó khá lớn được chủ nuôi dắt ra ngoài chơi nhưng không đeo rọ mõm lẫn dây xích và va phải một người đàn ông.
Sự việc này khiến nhiều cư dân thể hiện sự bức xúc khi chủ nuôi lại vô tư mang chó không rọ mõm ra đường. Cư dân lên tiếng cho biết đây không phải là lần đầu tiên nội khu xuất hiện những chú chó không rọ mõm.
Chị Xuân Minh (cư dân chung cư Masteri Thảo Điền) cho biết cứ mỗi chiều tối chị đi dạo quanh nội khu là sẽ thấy nhiều người dắt chó đi lòng vòng, mà đa số đều không đeo rọ mõm.
Trong đó, có không ít giống chó lớn như husky hay chó đốm... Người phụ nữ này không ít lần trao đổi với bảo vệ về sự việc, song bảo vệ cũng chỉ có quyền nhắc nhở chủ nuôi chứ cũng không có biện pháp nào khác.
Chó không được chủ nuôi rọ mõm đi lang thang tại chung cư Masteri Thảo Điền (TP Thủ Đức) khiến cư dân lo ngại. Ảnh: NVCC. |
“Tôi không có vấn đề gì chuyện mọi người nuôi thú cưng. Nhưng trong khu cư dân đông đúc có già có trẻ, mình phải rọ mõm cho chó, đó là quy định của Nhà nước hẳn hoi, đâu ai làm khó nhau làm gì”, chị Xuân Minh nói.
Người phụ nữ này cho biết sẽ mang vấn đề này trao đổi thật kỹ trong hội nghị nhà chung cư sắp tới. Theo chị Minh, hiện ở chung cư Masteri Thảo Điền vẫn chưa có quy định chế tài cụ thể đối với chủ nuôi thú cưng vi phạm nguyên tắc chung.
Tương tự anh Richard N. (cư dân Masteri Thảo Điền) cũng không ít lần chứng kiến chủ nuôi chó thả cho chúng chạy nhảy tự do ở nội khu mà không có rọ mõm hay dây xích. Thậm chí, nhiều lần người đàn ông này phải di chuyển xuống lòng đường khi đi bộ vì trên vỉa hè nhiều chú chó thả rông thi nhau chạy.
“Suy nghĩ của tôi là việc nuôi chó ở chung cư cũng được nếu người nuôi chó có ý thức và có quy định chế tài phù hợp. Vấn đề ở đây là có nhiều chủ chó thiếu ý thức, chó lớn mà thả rông, không dây buộc, không rọ mõm rồi để nó đi vệ sinh bậy”, anh Richard N. bức xúc nói.
Không chỉ thả rông hay không đeo rọ mõm cho chó ở khu vực sân chơi, các cư dân cũng phản ánh nhiều trường hợp chủ nuôi cho chó cùng đi thang máy chung.
Cách đây một tuần, con gái của chị Trúc Lâm (cư dân New City, TP Thủ Đức) đã sợ hãi đến bật khóc khi đi thang máy vì có một người đàn ông nước ngoài dẫn theo một chú chó to vào cùng. Mặc dù người đàn ông liên tục trấn an rằng chú chó vô hại, chị Trúc Lâm vẫn bế con ra ngoài và đợi thang tiếp theo.
“Tôi sợ lắm, con mình khóc rồi lỡ con chó nó giật mình nó cắn loạn thì mình làm gì được nên thôi né trước cho an tâm. Mỗi lần dẫn con xuống sân chơi mà thấy có chó không rọ mõm tôi cũng không an tâm”, chị Lâm chia sẻ.
Chị Trúc Lâm mong ban quản lý có thể xem xét cấm hoặc phạt việc nuôi thú to mà không rọ mõm nơi công cộng như thang máy, sảnh ra vào. Song, chị cũng nhận thức được rằng việc quản lý chó mèo ở chung cư rất bất cập.
Việc nuôi thú cưng được quy định ra sao?
Hiện, bên cạnh nhiều chung cư ở TP.HCM không cho phép nuôi thú cưng hoặc còn nhiều tranh cãi về vấn đề này thì vẫn có nhiều nơi khác lại là địa chỉ thân thiện với người nuôi chó mèo, kèm theo những quy định chặt chẽ.
Điểm chung của các chung cư là yêu cầu cư dân phải đăng ký vật nuôi với ban quản lý; không thả rông chó, mèo; thú cưng phải đặt trong giỏ/lồng hoặc có dây xích và rọ mõm khi di chuyển cùng với chủ vật nuôi; không để mùi, âm thanh, lông và chất thải của thú cưng làm ảnh hưởng các cư dân khác; đảm bảo có sổ sức khỏe của thú cưng với thông tin vaccine tiêm chủng định kỳ đầy đủ.
Tại chung cư Sunrise City North (quận 7), cư dân được nuôi chó, mèo có trọng lượng dưới 15 kg, chủ vật nuôi phải sử dụng thang máy tải hàng để di chuyển vật nuôi trong thời gian quy định.
Trường hợp chủ hộ nuôi thú cưng có vi phạm, ban quản lý sẽ thông báo công khai đến toàn thể cư dân. Nếu vi phạm lần 2, căn hộ sẽ bị ngưng cung cấp dịch vụ trong 1 ngày.
Chung cư The Gold View (quận 4) đưa ra các quy định cụ thể về việc nuôi thú cưng. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, chung cư Sunrise City South Towers (quận 7) cũng đưa ra nhiều chế tài với cư dân không tuân thủ đúng quy định về nuôi thú cưng.
Theo đó, ban quản lý sẽ nhắc nhở, đề nghị dọn dẹp lại khu vực và sẽ thu phí dịch vụ cho công tác vệ sinh (khử khuẩn và khử mùi) khu vực tại tòa nhà với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy vào số lần vi phạm và yêu cầu di dời thú cưng ra khỏi tòa nhà.
Còn ở chung cư The Gold View, đã có trường hợp các cư dân tranh cãi, xích mích về vấn đề nuôi thú cưng. Để một bộ phận cư dân có thể nuôi chó, mèo nhưng vẫn đảm bảo được môi trường sống văn minh, nội quy nuôi thú cưng đã được hội nghị nhà chung cư thông qua và ban hành.
Ông Trần Duy Đức, Trưởng Ban quản lý chung cư The Gold View (quận 4), cho hay: "Những cư dân nuôi thú cưng phải đăng ký với ban quản lý và trình sổ chích ngừa theo quy định. Thú cưng phải rọ mõm khi di chuyển trong khuôn viên, thang máy và các khu vực công cộng. Riêng các phòng tiện ích tại cụm chung cư thì đang cấm thú cưng".
Vì chưa thể tổ chức hội nghị nhà chung cư, nên chung cư Sunrise City View có những tranh cãi không hồi kết. Đỉnh điểm, khi ban quản lý yêu cầu từ 11/11 sẽ tiến hành kiểm tra và cưỡng chế mang vật nuôi đi nếu cư dân không thực hiện theo quy định, nhiều cư dân tỏ ra bức xúc.
Tuy đã có quy định về việc cấm nuôi thú cưng trong sổ tay cư dân nhưng nhiều người cho rằng việc này không có giá trị pháp lý khi nội quy không có trong hợp đồng đặt cọc và chưa được cư dân thông qua.
Ở nhiều quốc gia, việc yêu thương động vật phải gắn liền với trách nhiệm và sự văn minh.
Ở Mỹ, Canada, Đan Mạch, Australia, các thú cưng được quản lý thông qua thẻ căn cước cá nhân. Con vật có thể bị tòa án bắt buộc tiêu hủy nếu gây nguy hiểm, chủ con chó cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm.
Ở Singapore, mỗi người chỉ được nuôi tối đa 3 con chó và người chủ phải mua bảo hiểm để bồi thường trong trường hợp con vật làm bị thương hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác.
Tại Nhật Bản, các gia đình nuôi chó mèo không được đến các khu công cộng như siêu thị, nhà hàng,... thậm chí tiếng kêu hoặc mùi hôi của thú cưng không được ảnh hưởng đến những nhà lân cận.
Còn ở Thụy Sĩ, chủ nuôi sẽ phải vượt qua một bài kiểm tra và tham gia vào một khóa huấn luyện lý thuyết và thực hành để có thể được phép nuôi một chú chó.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.