Báo cáo mới công bố của Vietnam Report ví ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam như một "ngôi làng" do thiếu quy hoạch đồng bộ. Năm 2020, với 2 "cơn bão" lớn là Nghị định 100 và đại dịch Covid-19, 50% doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh bị tác động nghiêm trọng. Trong đó, nặng nề hơn cả là nhóm sản phẩm đồ uống có cồn.
Trong khi các thực phẩm tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hữu cơ, thực phẩm sạch và lành mạnh được người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, thì ngành bia rượu chỉ hoạt động dưới mức 80% công suất so với bình thường.
Tuy nhiên, những khó khăn này nằm trong tình hình chung của cả nền kinh tế. Điều đáng lo ngại hơn cả là Covid-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu trước nay của ngành F&B.
Ngành F&B bộc lộ nhiều điểm yếu trước tác động của dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Thương. |
Các mặt hàng thực phẩm, đồ uống chủ yếu được bán ra ở các kênh truyền thống, hiện đại, nhà hàng và chuỗi bán lẻ, trong đó kênh truyền thống chiếm tỷ trọng đa số. Đối mặt với cú sốc Covid-19, 85% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong khâu vận chuyển, phân phối hàng hóa.
"Nhu cầu thực phẩm thiết yếu, đóng gói tăng cao nhưng lượng hàng lưu kho không đủ, doanh nghiệp phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi đó, các nhà hàng đóng cửa khiến mức tiêu thụ đồ uống giảm xuống", hãng nghiên cứu trích dẫn chia sẻ của doanh nghiệp.
Nhận ra điểm yếu này, gần 95% doanh nghiệp đang điều chỉnh lại cơ cấu tỷ trọng và mạng lưới phân phối để thích nghi với khủng hoảng. Vietnam Report cho biết, đây là một trong những hành động ưu tiên của ngành nhằm ứng phó với Covid-19. Một số biện pháp cụ thể đang được áp dụng là nhận đặt hàng/giao hàng tại nhà hoặc tăng cường kênh giao nhận...
Một điểm yếu lớn khác là quản trị nhân sự. Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp lớn, quy mô doanh nghiệp trong ngành khá phân mảnh, với tiềm lực tài chính yếu. Do đó, trước những tác động nặng nề của Covid-19, họ thường sa vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm chi phí, cắt giảm nhân sự.
"Thế nhưng về cơ bản, nhu cầu ăn uống của con người là khó thay đổi, khi chúng ta chấp nhận 'sống chung với bão', doanh nghiệp lại đối mặt với bài toán thiếu hụt nhân sự, sản xuất không đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường...", báo cáo chỉ rõ.
Mặc dù vậy, gần 58% doanh nghiệp đánh giá triển vọng ngành trong 6 tháng cuối năm khá tích cực. Chưa kể, 56,3% doanh nghiệp ước tính mất khoảng 6 tháng để phục hồi như thời điểm trước dịch, trong khi 25% đơn vị cần khoảng 7-12 tháng. Thực tế hiện nay và các ước tính cho rằng doanh nghiệp đồ uống mất nhiều thời gian phục hồi hơn doanh nghiệp thực phẩm.